Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng 5 người khác vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam để điều tra tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Những dự án nghìn tỷ của Tân Hoàng Minh
Ông Đỗ Anh Dũng được được biết đến với vai trò sáng lập/Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh, trong 3 năm gần đây, ông Dũng còn là người thành lập/quản lý hàng chục đơn vị khác, đơn cử như Công ty CP Đầu tư xây dựng Thái Sơn; Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Tân Hoàng Minh; Công ty CP nhà D'Land; Công ty CP quản lý bất động sản Ánh Sáng Việt.
Với việc nắm giữ cổ phần tại nhiều doanh nghiệp, ước tính số tài sản ông Đỗ Anh Dũng đang nắm lên đến gần 10.000 tỷ đồng.
|
Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh trước khi bị bắt. |
Trên thị trường tài chính và bất động sản, ông Đỗ Anh Dũng là cái tên "máu mặt", bởi từ kinh doanh taxi, ông đã nhanh chóng trở thành đại gia trong lĩnh vực bất động sản, sở hữu nhiều đất vàng của Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, với những dự án nghìn tỷ.
Theo đó, từ năm 2006, ông Dũng quyết định hướng Tập đoàn Tân Hoàng Minh vào thị trường bất động sản cao cấp. Năm 2011, Tập đoàn này nổi đình đám khi mở bán lần đầu tiên dự án D'.Palai de Louis với giá lên tới 145 triệu đồng/m2, có nghĩa là để sở hữu một căn hộ dát vàng ở đây, khách hàng phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng. Đây cũng là sản phẩm đầu tay, thể hiện tham vọng phát triển chuỗi dự án bất động sản cao cấp và hạng sang của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Đấu giá đất mức kỷ lục rồi bỏ cọc
Tên tuổi của Tân Hoàng Minh thực sự gây “rúng động” thị trường bất động sản, khi tin ông Đỗ Anh Dũng viết tâm thư xin bỏ cọc miếng đất Thủ Thiêm vào hồi tháng 1 năm nay.
Trong tâm thư, ông Đỗ Anh Dũng, đồng thời cũng là người đã trực tiếp tham gia đấu giá tại phiên đấu giá "vô tiền khoáng hậu" ở TP.HCM, cho biết quyết định bỏ cọc được đưa ra sau khi doanh nghiệp điều chỉnh, cân đối tài chính, lên phương án thiết kế, đầu tư, kinh doanh…
|
Các lô đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh: Người lao động). |
Theo ông Dũng, sau khi trúng đấu giá tài sản ô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm có diện tích hơn 10.000 m2 và với mức trúng đấu giá là 24.500 tỷ đồng thì ông cũng tự thấy đó mức giá "cao bất ngờ chưa bao giờ nghĩ đến". Lý do mua bằng mọi giá lô đất được ông Đỗ Anh Dũng cho biết là do "trào lên lòng tự hào dân tộc, danh dự của tập đoàn trong nước".
Trước đó, việc trả mức giá cao kỷ lục tới hơn 2,4 tỷ đồng/m2 đất đấu giá Thủ Thiêm của Tân Hoàng Minh cũng đã khiến thị trường xôn xao. Ở thời điểm đó, chuyên gia ví kết quả cuộc đấu giá đất như một "cú sốc" cho thị trường.
Bộ Công an “gọi tên” dự án của Tân Hoàng Minh
Trong khi các thông tin liên quan đến việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất 24.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm của còn chưa hết nóng, đến ngày 12/1, Tập đoàn này tiếp tục gặp sóng gió khi một số dự án bất ngờ được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an yêu cầu xác minh.
Cụ thể, cơ quan điều tra đã đề nghị cung cấp tài liệu liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước liên quan đến 11 dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại Hà Nội.
Các dự án gồm: D’.Le Pont D’ or Hoàng Cầu; D'. Palais Louis Nguyễn Văn Huyên; D'. Le Roi Soleil Quảng An, Tây Hồ; D’. San Raffles Hàng Bài; Tân Hoàng Minh Đại Cồ Việt – D’. Jardin Royal...
|
Dự án D'. Le Roi Soleil Quảng An, Tây Hồ của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. (Ảnh: Người lao động). |
Trước đó, năm 2017, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành kết luận thanh tra 3 dự án vi phạm trong quá trình triển khai xây dựng của TNHH thương mại và dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh tại Hà Nội.
Cụ thể, 3 dự án bao gồm: Dự án xây dựng chung cư CT1 ao Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa; dự án Khu nhà ở phía đông hồ Nghĩa Đô, đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy; dự án xây dựng công trình hỗn hợp dịch vụ công cộng, thương mại, nhà trẻ và căn hộ chung cư số 2 Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ.
Cụ thể, dự án D’. Le Roi Soleil - Quảng An (ngã ba đường Xuân Diệu, Đặng Thai Mai - quận Tây Hồ) khi nghiệm thu, thanh toán đã tính sai khối lượng thi công. Ngoài ra, công trình cũng có sự sai khác giữa biện pháp thi công trong đề xuất kỹ thuật với đề xuất tài chính dẫn đến việc thanh toán chưa đúng khối lượng thực tế thi công, giảm hơn 14 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tại dự án này, chủ đầu tư đã thẩm định công tác thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình chưa đúng mẫu theo quy định trước khi phê duyệt.
Dự án D’. Le Pont D’ or - Hoàng Cầu cũng xảy ra sai phạm tương tự trong quá trình thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng.
Ở 2 dự án D’. Le Pont D’ or - Hoàng Cầu và D’. Palais de Louis - Nguyễn Văn Huyên, một số gói thầu thi công, biên bản nghiệm thu công việc căn cứ tiêu chuẩn xây dựng đã hết hiệu lực; thiếu một số thí nghiệm theo quy định hoặc kết quả thí nghiệm lập không đúng quy định.
Theo công bố của Thanh tra Bộ Xây dựng thời điểm đó, trong cả 3 dự án hạng sang của Tân Hoàng Minh kể trên, có 11 nhà thầu thi công không mua bảo hiểm theo cam kết của hợp đồng. Trong đó, dự án D’. Le Pont D’ or - Hoàng Cầu có 2 nhà thầu. Dự án D’. Palais de Louis - Nguyễn Văn Huyên có 8 nhà thầu và dự án D’. Le Roi Soleil - Quảng An có một nhà thầu.
Thanh tra Bộ Xây dựng đã lập biên bản vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính chủ đầu tư là Tân Hoàng Minh tổng số tiền 275 triệu đồng.
Dự án 15 năm bất động trên “đất vàng” phố cổ Hà Nội
Lô đất vàng tại 22-24 phố Hàng Bài (Hà Nội) của Tập đoàn Tân Hoàng Minh nổi tiếng vì “đắp chiếu” nhiều năm. Đây là khu đất đầu tiên Tân Hoàng Minh mua lại sau khi chuyển sang mảng bất động sản vào năm 2006, theo lời chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Đỗ Anh Dũng.
Cụ thể, khu đất 22-24 Hàng Bài có diện tích 4.000 m2 từng được Tân Hoàng Minh đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, sẽ phát triển thành tòa nhà 9 tầng cao, 5 tầng hầm, bao gồm tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp, căn hộ hạng sang. Các căn hộ ở đây sở hữu sổ đỏ vĩnh viễn, giá bán dao động từ 7-35 tỷ đồng.
|
Lô đất vàng tại 22-24 phố Hàng Bài (Hà Nội) của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. |
Chủ đầu tư cũng từng có đề xuất nâng chiều cao lên 12 tầng nhưng không được chấp thuận. Mục đích sử dụng đất của dự án đã qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, từ trung tâm thương mại và nhà ở tái định cư sang trung tâm thương mại, khách sạn. Sau đó, doanh nghiệp lại xin chuyển thành mục đích trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở. Khu đất dự án này cũng nổi tiếng khi có giá đền bù thuộc hàng cao nhất Hà Nội, một số vị trí lên tới 1 tỷ đồng/m2.
Sau nhiều năm ngưng trệ, thông tin mới nhất cho thấy, Masterise Homes đóng vai trò đơn vị phát triển dự án này và nhà thầu thi công là Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta.
Dự án có diện tích xây dựng gần 2.800 m2, bao gồm 6 tầng hầm và 8 tầng nổi; đã được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng vào ngày 23/12/2020. Theo thông tin công bố, dự án được khởi công vào ngày 2/3 vừa qua và dự kiến hoàn thành vào quý 3/2023.
Khánh Hoài (T/H)