BIDV và VietinBank nặng gánh dự phòng, Vietcombank vượt mặt về lợi nhuận
Mặc dù lợi nhuận thuần mà BIDV, Vietcombank và VietinBank thu về trong quý 1/2022 không chệch lệch là bao song lãi ròng sau cùng lại có sự biến động cực lớn do ảnh hưởng của trích lập dự phòng.
|
Sự chênh lệch lớn về dự phòng rủi ro và lợi nhuận sau thuế của BIDV, Vietcombank và VietinBank trong quý 1/2022 |
Vietcombank là nhà băng ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 1/2022 cao nhất trong 3 ngân hàng khi đạt 7.962 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.
Trong đó có sự đóng góp chủ yếu của nguồn thu chính là thu nhập lãi thuần với 11.975 tỷ đồng, tăng khá 19% và đặc biệt là kinh doanh ngoại hối tăng mạnh 46% lên 1.522 tỷ đồng.
Ngược lại, đa số nguồn thu ngoài lãi sụt giảm mạnh như lãi từ dịch vụ giảm 21% (còn 2,710 tỷ đồng), lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh giảm đến 80% (còn gần 17 tỷ đồng), lãi từ hoạt động khác giảm 52% (còn 484 tỷ đồng).
Dù vậy, Vietcombank vẫn ghi nhận sự tăng trưởng khá 12% của lợi nhuận thuần khi đạt 12.224 tỷ đồng.
Thêm vào đó, kỳ này Vietcombank tiếp tục chỉ trích 2.274 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, bằng với cùng kỳ. Đây là mức dự phòng thấp nhất trong 3 ngân hàng quốc doanh đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2022.
Do đó, lãi trước thuế của Vietcombank tăng 15% so với cùng kỳ, đạt hơn 9,950 tỷ đồng. Lãi ròng cũng tăng 15% so với cùng kỳ khi đạt hơn 7.962 tỷ đồng.
Năm 2022, Vietcombank đặt mục tiêu lãi trước thuế tối thiểu tăng 12% so với kết quả năm 2021, tương đương 30,675 tỷ đồng. Như vậy, Ngân hàng đã thực hiện được hơn 32% kế hoạch lợi nhuận sau quý đầu năm.
Trong khi đó, VietinBank là ngân hàng duy nhất ghi nhận nguồn thu chính là thu nhập lãi thuần đi lùi trong quý 1/2022 khi chỉ còn 10.146 tỷ đồng, tương ứng sụt giảm 5%.
Thêm vào đó, các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng giảm thất thường. Đơn cử như lãi từ kinh doanh ngoại hối gấp 2.3 lần cùng kỳ (784 tỷ đồng) và lãi từ hoạt động khác gấp 4.3 lần (1,877 tỷ đồng). Lãi từ dịch vụ lại đi ngang với 1.278 tỷ đồng.
Ngược lại, lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh giảm đến 68% (còn 56 tỷ đồng). Thậm chí hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư báo lỗ nặng gần 233 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lỗ hơn 110 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, lợi nhuận thuần của VietinBank vẫn tăng trưởng 9% lên 10.249 tỷ đồng. Tuy nhiên, kỳ này VietinBank tăng vọt trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gấp 3.3 lần lên hơn 4,426 tỷ đồng.
Chính chỉ tiêu này đã kéo giảm lợi nhuận trước thuế của VietinBank đến 28%, chỉ còn gần 5,823 tỷ đồng. Tương ứng lợi nhuận sau thuế cũng về còn 4.664 tỷ đồng.
Năm 2022, VietinBank đặt kế hoạch tăng 15% lợi nhuận trước thuế riêng lẻ, lên hơn 19,389 tỷ đồng.
Với BIDV, lãi ròng quý 1/2022 ở mức thấp nhất trong 3 ngân hàng, khi đạt 3.571 tỷ đồng, nhưng lại cải thiện tới 35% so với cùng kỳ.
Thu nhập lãi thuần trong quý của BIDV tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 12,826 tỷ đồng.
Các nguồn thu phi tín dụng cũng không đồng nhất. Trong khi lãi từ dịch vụ và lãi từ hoạt động khác giảm lần lượt 11% và 19%, thì lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 54% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh chuyển từ lãi 451 tỷ đồng thành lỗ gần 2 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lại chuyển từ lỗ 331 tỷ đồng sang lãi 1.6 tỷ đồng.
Lợi nhuận thuần của BIDV cũng không kém cạnh người đứng đầu Vietcombank là bao, song gánh nặng của BIDV luôn là trích lập dự phòng.
Cụ thể, BIDV dành ra tới 7,391 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 1/2022, mặc dù tăng nhẹ so cùng kỳ nhưng lại "ăn mòn" tới 62% lợi nhuận thuần và gấp hơn 3 lần của Vietcombank.
Kết quả, BIDV báo lãi trước thuế gần 4,514 tỷ đồng, tăng 33%; lãi ròng 3.571 tỷ, tăng 35% so cùng kỳ. Và là nhà băng ghi nhận lợi nhuận sau thuế thấp nhất trong 3 ông lớn quốc doanh, chưa bằng 50% của Vietcombank.
Cho vay khách hàng tăng mạnh khiến VietinBank tăng nỗi lo về nợ xấu
Tại thời điểm 31/3/2022, BIDV vẫn tiếp tục đứng đầu về lượng cho vay khách hàng với 1,41 triệu tỷ đồng (tăng 5% so đầu kỳ) và tiền gửi khách hàng với 1,39 triệu tỷ đồng (chỉ nhích 1%).
Nhưng xét về tốc độ tăng trưởng, VietinBank lại mạnh nhất với cho vay khách hàng tăng tới 9% lên 1,22 triệu tỷ đồng và tiền gửi khách hàng tăng 4% lên 1,21 triệu tỷ đồng. Còn Vietcombank ghi nhận cho vay khách hàng tăng 7% lên 1,02 triệu tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 4% lên 1,17 triệu tỷ đồng.
Cũng cần lưu ý, tốc độ tăng trưởng mạnh trong cho vay khách hàng của VietinBank đi đôi với nợ xấu tăng phi mã. Nếu các quý trước BIDV đứng đầu về nợ xấu thì kỳ này VietinBank đã chiếm bảng với hơn 15.321 tỷ đồng, tăng 7% so đầu kỳ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng đến 36% và chiếm gần 50% nợ xấu với 7.095 tỷ đồng. Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của VietinBank giảm nhẹ từ mức 1.26% đầu năm xuống còn 1.25%.
Tiếp theo về nỗi lo nợ xấu phải kể đến BIDV khi vẫn duy trì mức 13,730 tỷ đồng. Có sự dịch chuyển từ nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ sang nợ có khả năng mất vốn khi chiếm tới 63% với 8.684 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của BIDV giảm nhẹ từ 1% xuống còn 0.97%.
Cho vay khách hàng của Vietcombank có tốc độ tăng trưởng sau VietinBank, song tổng nợ xấu lại nhảy vọt 37% lên 8.372 tỷ đồng. Dù xét về con số tuyệt đối vẫn còn an toàn hơn nhiều so với BIDV và VietinBank, song Vietcombank là nhà băng duy nhất ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng so với đầu kỳ, từ mức 0,64% lên 0,81%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 95% và nợ nghi ngờ tăng mạnh 75%, nợ có khả năng mất vốn tăng 18% lên 5.220 tỷ đồng. Kết quả, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 0.64% đầu năm lên 0.81%.