Mòn mỏi đi tìm một căn nhà
Nhìn giá chung cư ở Hà Nội ngày một tăng, anh Nguyễn Trọng (34 tuổi, quê Nghệ An) không ngừng lo lắng. Cơ hội sở hữu một nơi an cư với vợ chồng anh Trọng dường như càng xa vời.
Anh Trọng kể, đầu năm 2023, vợ chồng anh có trong tay khoảng 200 triệu tiền tích góp. Vợ chồng anh dự định sẽ sinh thêm bé thứ hai vào năm 2024 nên mong muốn có một chỗ ở ổn định cho gia đình 4 người và bà ngoại ở quê lên trông cháu giúp.
Phương án tài chính anh Trọng đưa ra là sẽ mua căn hộ với: 200 triệu đồng tiền tích góp, tiền bố mẹ bán một mảnh đất ở quê (giá bán thời điểm đó khoảng 700-800 triệu đồng), số còn lại họ sẽ vay ngân hàng và bạn bè, người quen. Hai vợ chồng anh có thu nhập khoảng 32 triệu đồng, trừ chi phí chi tiêu, sinh hoạt, học hành của con, họ sẽ dành tiền trả nợ và lãi.
"Chúng tôi tìm các căn hộ rộng khoảng 60m2 có giá từ 1,5 đến 1,6 tỷ đồng ở khu vực Hoài Đức, Hà Đông. Khi đi khảo sát, thấy giá cao quá, chúng tôi cứ chần chừ không mua. Tôi và vợ thống nhất sẽ chờ giá bình ổn mới lựa chọn căn phù hợp với tài chính", anh Trọng cho hay.
Xóm trọ nơi anh Trọng ở có 6 cặp vợ chồng trẻ có 1-2 con nhỏ. Ai cũng mơ ước có một căn nhà ở Hà Nội (Ảnh: Hồng Anh).
Tuy nhiên, từ đó đến nay, giá chung cư không ngừng tăng. Nhiều căn hộ trước đây anh Trọng hỏi có giá từ 21-25 triệu đồng/m2 giờ đã tăng lên 35-38 triệu đồng/m2.
Căn hộ ở khu chung cư thuộc An Khánh, Hoài Đức anh Trọng từng hỏi giá bán đã lên tới 2,4 tỷ đồng thay vì 1,6 tỷ đồng như trước đó. Trong khi đó, mảnh đất ở quê sau "cơn sốt đất" đã hạ nhiệt, giá giảm chỉ còn 400 triệu đồng.
Thu nhập không tăng trong khi giá cả sinh hoạt, giá nhà tăng cao nên thời điểm hiện tại, anh Trọng đành tạm ngưng chuyện tìm nhà. Vợ chồng anh cùng cậu con trai nhỏ hiện vẫn ở trong căn nhà trọ hơn 12m2 ở quận Thanh Xuân.
Giá thuê và tiền điện, nước là 3 triệu đồng/tháng. Cả hai cũng đang dè dặt trước kế hoạch sinh con thứ hai. Gần 10 năm mưu sinh ở Thủ đô, giấc mơ nhà ở dường như ngày càng xa vời với người đàn ông này.
Theo công bố, năm 2023, Hà Nội tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về mức giá đắt đỏ nhất cả nước.
Có tất cả 11 nhóm hàng dịch vụ được xem xét, ngoài hàng ăn và dịch vụ ăn uống, may mặc, giao thông, dịch vụ y tế, giải trí, du lịch… còn có nhà ở.
Năm 2023, nghiên cứu về thị trường bất động sản của NetCredit - nền tảng thuộc Enova International (công ty công nghệ có giá trị vốn hóa hơn 1,5 tỷ USD tại Mỹ) - cho biết, Hà Nội thuộc nhóm các thủ đô khó mua nhà nhất trên thế giới.
Dựa trên mức thu nhập bình quân mỗi tháng, NetCredit ước tính giá một căn nhà tại Hà Nội tương đương 45 năm thu nhập bình quân của người lao động. Con số trên đưa Hà Nội vào nhóm các thành phố thủ đô có giá nhà vượt xa khả năng chi trả của người dân nhất trên thế giới.
Thống kê mới nhất của Savills chỉ ra, tại Hà Nội, căn hộ sơ cấp (căn hộ của những chung cư mở bán mới) có giá 59 triệu đồng/m2, tăng 3% theo quý và 14% theo năm.
Phân khúc nhà ở bình dân có sự thiếu hụt về sản phẩm dưới 30 triệu đồng/m2, các sản phẩm này chỉ chiếm 4% nguồn cung mới và được bán hết. Các căn hộ có giá từ 2 tỷ đến 4 tỷ đồng chiếm 47% thị phần. Các căn hộ có giá trên 4 tỷ đồng chiếm 49% thị phần.
Còn theo số liệu của Hội Môi giới bất động sản (VARs), giá căn hộ chung cư tại Hà Nội đầu năm nay tăng khoảng 38% so với năm 2019.
Cảnh người dân xếp hàng lúc 0h để chờ đợi đăng ký hồ sơ mua nhà ở xã hội tại Hà Nội tháng 5/2023 (Ảnh: Hà Phong).
Những thống kê trên phần nào lý giải nguyên do nhiều người đang phải chật vật khi tìm mua nhà ở tại Hà Nội.
Anh Nguyễn Thành Chung (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, nếu thu nhập hai vợ chồng chỉ khoảng 30-35 triệu đồng/tháng, phải chi tiêu, nuôi 1-2 con thì rất khó để tính toán phương án mua nhà trong thời điểm này.
Anh Chung đưa ra nhận định này sau khi vay hơn 2 tỷ đồng (gói vay 20 năm) để mua căn hộ 3 phòng ngủ với giá gần 5 tỷ đồng ở đường Hồ Tùng Mậu.
"Tôi thấy, việc mua nhà ở Hà Nội ngày càng khó khăn với số đông người có thu nhập trung bình. Nếu được bố mẹ, người thân hỗ trợ thì không quá khó khăn. Còn nếu không, hai vợ chồng phải có thu nhập thật cao từ 50-60 triệu đồng/tháng thì mới tính được chuyện an cư, lạc nghiệp", anh Chung nói.
Người đàn ông từ chối tiết lộ thu nhập của hai vợ chồng. Tuy nhiên, anh cho biết, bản thân vợ chồng anh ngoài đi làm công ty còn phải mở quán cà phê để gia tăng thêm thu nhập. Họ phấn đấu, trả khoản vay mua nhà trong vòng 5-7 năm.
Chị Nguyễn Thị Tâm (nhân viên giao dịch của một sàn bất động sản ở Hà Nội) cho hay, nhiều gia đình trẻ có nhu cầu tìm nhà nhưng tìm suốt nhiều tháng vẫn không thể chốt mua vì giá các căn hộ tăng từng tuần, từng tháng. Nguồn cung nhà ở bình dân cũng khan hiếm.
"Nhiều người liên tục hạ các tiêu chí từ ở nội thành ra các chung cư vùng ven, chấp nhận đi xa để không phải vay mượn nhiều… Tuy nhiên, vì giá cả đắt đỏ, nhiều cặp vợ chồng trẻ vẫn chưa tìm được căn nhà hợp túi tiền. Ở những dự án mở bán mới, các căn hộ 2 phòng ngủ luôn phù hợp với các cặp vợ chồng trẻ luôn hết hàng sớm", chị Tâm nói.
Thống kê mới nhất của Savills chỉ ra, tại Hà Nội, căn hộ sơ cấp (căn hộ của những chung cư mở bán mới) có giá 59 triệu đồng/m2 (Ảnh: Hồng Anh).
Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho hay, thông thường trên thế giới, thủ đô các nước luôn là nơi có chi phí đắt đỏ nhất.
Lý do là bởi điều kiện sinh hoạt, ăn ở, giáo dục, dịch vụ đa dạng và có chất lượng tốt. Hà Nội vì thế không phải ngoại lệ. Nhu cầu về sinh hoạt, nhà ở, giáo dục… ở Hà Nội cũng lớn hơn các địa phương khác nên kích thích giá tăng cao.
Theo ông Long, so với nhiều thành phố trên thế giới Hà Nội cũng được đánh giá là thành phố có giá cả sinh hoạt cao. Đặc biệt về nhà ở, nếu một cặp vợ chồng có thu nhập bình thường, nuôi thêm 1-2 đứa con thì 40-50 năm cũng chưa mua được một căn chung cư như hiện nay.
Giá nhà cũng là một trong những chỉ tiêu để tính chỉ số giá tiêu dùng. Hiện tượng tăng giá chung cư tại Hà Nội thời gian qua là có.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả phân tích: "Nguyên nhân của thực trạng này là do nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu nhà ở hiện tại. Việc nhiều người đầu cơ cũng đã đẩy giá nhà lên cao, ảnh hưởng đến những người có nhu cầu thực. Giá đất để tính giá nhà quá cao. Giá đất nhiều khu vực nội thành trong ngõ ngách lên tới 300-400 triệu đồng/m2.
Ngoài ra các chi phí xây dựng, chi phí hoàn thiện cũng tăng theo từng năm đẩy giá nhà lên cao.
1.300 người chờ đợi bốc thăm mua nhà ở xã hội ở Hà Nội. Đây là dự án hiếm hoi có giá bán 19,5 triệu đồng/m2, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng VAT (Ảnh: Hà Phong).
"Đợi đủ thì không bao giờ mua được nhà Hà Nội"
Chị Minh Phương (nhân viên ngân hàng) chia sẻ, nếu đợi đủ tiền thì vợ chồng chị chắc không bao giờ mua được nhà Hà Nội vì giá nhà tăng theo từng năm.
Cách đây 2 năm, vợ chồng chị cũng phải vay ngân hàng, mượn thêm của bạn bè để mua căn nhà trong một con ngõ nhỏ ở Dương Nội, Hà Đông.
Theo chị Phương, nhiều người thắc mắc sao chị không về quê làm việc và xây một ngôi nhà rộng rãi. Tuy nhiên, người phụ nữ này cho rằng, ở Hà Nội mới có cơ hội kiếm việc thu nhập cao, con cái có cơ hội tiếp xúc hay lĩnh hội khoa học, chị cũng an tâm về chất lượng giáo dục và các dịch vụ y tế tại Hà Nội.
Thu nhập ổn định theo từng tháng và không có khoản đột biến nên để trả số nợ ngân hàng, chị Phương cùng chồng thắt chặt chi tiêu, nhờ bố mẹ mua thực phẩm ở quê gửi lên, hạn chế đi ăn ngoài, tự dạy học cho con thay vì cho con đi học thêm, mua sắm quần áo ở chợ đồ cũ…
"Tôi động viên cả nhà chịu khó chịu khổ mấy năm. Tất cả là vì mục tiêu có một mái nhà ở Hà Nội", chị Phương nói.
Hà Nội thuộc nhóm các thành phố thủ đô có giá nhà vượt xa khả năng chi trả của người dân (Ảnh: Hồng Anh).
Anh Vũ Quốc Huy (quận Đống Đa) cũng cho biết, năm 2016, vì không đủ tiền mua chung cư, vợ chồng anh cũng phải liều khi quyết mua căn hộ tập thể hơn 1 tỷ ở quận trung tâm.
Cả hai có 250 triệu đồng, vay ngân hàng 500 triệu đồng, vay người thân 350 triệu. Đầu năm vừa rồi, anh Huy và vợ mới trả hết nợ. Giá căn hộ tập thể cũng đã tăng được 70%. "Tôi nghĩ cứ chờ đủ 2/3 tiền mới mua thì rất khó", anh Huy nói.
Chị Hải Hà (quê Nam Định) cùng chồng tìm nhà gần một năm mà chưa mua được vì giá cả đắt đỏ, mỗi tháng riêng tiền ăn, tiền cho con đi học đã chiếm nửa lương. Nếu vay quá nhiều tiền để có được một căn nhà thì họ lo sợ sẽ gặp áp lực quá lớn với nợ nần.
Cũng giống như chị Hà, nhiều người thời điểm này đang băn khoăn giữa việc mua hay không mua nhà. Nếu mua họ sợ nợ nần, nhưng không mua thì giá nhà ngày một tăng, một khó mua.
Trên một số diễn đàn mạng, nhiều người đã chia sẻ kinh nghiệm mua nhà của gia đình mình, một số cho rằng chỉ nên mua nhà khi tiền gốc và lãi suất phải trả hàng tháng không quá 50% thu nhập. Lý do là bởi, mỗi gia đình còn rất nhiều khoản phải chi tiêu từ ăn uống, giáo dục, dự phòng…
Sở hữu một căn nhà ở Hà Nội là điều nhiều người mơ ước (Ảnh minh họa: Mộc Phúc Lâm).
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, tùy từng hoàn cảnh, từng gia đình và khả năng thanh toán mà có quyết định hợp lý.
"Tùy nguồn thu mà quyết định hình thức mua. Nếu hai vợ chồng thu nhập chỉ 15-16 triệu đồng thì chi tiêu, cho con ăn học là hết, sẽ không còn khoản thu nhập để mua nhà. Nhưng nếu thu nhập cao hơn, trừ các chi phí thiết yếu mà tiền còn dư thì mới tính đến phương án mua nhà hợp lý cho mình", ông Long nói.
Ông Long cho rằng, ở Việt Nam, phần lớn người lao động có thu nhập thấp, chỉ có khả năng để thuê nhà. Vậy nên, Nhà nước cần xem xét phương án đầu tư nhà ở xã hội và có những khoản hỗ trợ trực tiếp dành cho các đối tượng yếu thế, xây nhà cho người dân thuê…
Một số chuyên gia bất động sản thì cho rằng, cần đưa ra Luật thuế bất động sản, đánh thuế những người đầu cơ, tích trữ, những người nhiều nhà nhưng để đó để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, làm giá.
Theo Phạm Hồng Hạnh/Dân Trí