Báo Tiền Phong ngày 2/6, dẫn thông tin từ lãnh đạo Cục Hải quan Khánh Hòa ,cho biết vừa ký thông báo số hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Tâm Thịnh (51 tuổi) - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) kể từ ngày 1/6.
Lý do hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh được đưa ra là Trung Nam Group đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước.
Theo Cục Hải quan Khánh Hòa, ngày 31/5, đại diện Trung Nam Group (ở quận 10, TPHCM) đã nộp hơn 31 tỷ đồng tiền thuế (kể cả tiền phát sinh chậm nộp) cho ngân sách Nhà nước.
|
Chủ tịch Trung Nam Group ông Nguyễn Tâm Thịnh. |
Trước đó, ngày 6/5, Cục Hải quan Khánh Hòa có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Tâm Thịnh. Lý do Trung Nam Group nợ thuế quá hạn tại Chi cục Hải quan Ninh Thuận (thuộc Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa) hơn 21 tỷ đồng và bị áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Ông Lê Như Phước An - Phó Tổng giám đốc thường trực của Trung Nam Group cho báo Người lao động biết, việc nợ thuế hơn 21 tỷ đồng, bắt nguồn từ việc thuế nhập khẩu thiết bị dự án điện mặt trời Thuận Nam 450 MW, do Hải quan Ninh thuận không đồng ý hồ sơ thủ tục miễn thuế do công ty lập khi có thay đổi chủ đầu tư dự án theo phê duyệt của UBND tỉnh.
Trung Nam Group được thành lập từ năm 2004, hoạt động trong 5 lĩnh vực chính là năng lượng, xây dựng, hạ tầng, bất động sản và công nghiệp thông tin điện tử.
Doanh nghiệp này được biết đến là công ty có thị phần lớn nhất trong ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Trong đó, một số dự án nổi bật như: Điện gió Ea Nam Đắk Lắk tổng công suất 400 MW, Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW, Điện mặt trời Trung Nam công suất 204MW, Điện gió Trung Nam gần 152 MW, Điện mặt trời Trung Nam - Trà Vinh công suất 140 MW...
Trung Nam Group còn được biết đến là nhà đầu tư dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM.
|
Một dự án điện mặt trời của Trung Nam Group tại tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh:Tiền Phong). |
Về tình hình kinh doanh, số liệu công bố gần nhất, năm 2022, Trung Nam Group ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 255 tỷ đồng, giảm 84% so với kết quả năm 2021 (1.634 tỷ đồng). Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/ vốn chủ sở hữu của công ty giảm từ 5,85% xuống 0,91%.
Tính tới thời điểm cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của Trung Nam Group là 27.914 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 2,31 lần lên 2,44 lần, tương ứng nợ phải trả của doanh nghiệp là hơn 68.110 tỷ đồng (hơn 2,6 tỷ USD).
Trong đó, dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp là khoảng 24.300 tỷ đồng, chiếm 36% nợ phải trả của Trung Nam Group.
Khánh Hoài (tổng hợp)