Alibaba bơm thêm 2 tỷ USD vào Lazada
Trong một diễn biến mới nhất, Tập đoàn Alibaba vừa quyết định đổ thêm 2 tỷ USD vào Lazada để tăng tốc độ phát triển tại thị trường ASEAN. Trước đó, tháng 4/2016, Alibaba đã chi 1 tỷ USD để mua 51% cổ phần Lazada. Mùa hè năm 2017, Alibaba tiếp tục tăng thêm 1 tỷ USD nữa để tăng sở hữu tại Lazada lên 83%.
Tính đến nay, Alibaba đã đầu tư 4 tỷ USD vào Lazada, nhằm tăng thị phần, chiếm lĩnh thị trường thương mại điện tử khu vực ASEAN, trong đó, Việt Nam và Indonesia là các thị trường trọng điểm.
|
Tính đến nay, Alibaba đã đầu tư 4 tỷ USD vào Lazada, nhằm tăng thị phần, chiếm lĩnh thị trường thương mại điện tử khu vực ASEAN. |
Cùng với động thái trên,
tập đoàn Alibaba đã chọn Lucy Peng, Chủ tịch Lazada (Peng hiện cũng là Giám đốc điều hành của Ant Financial – một nhánh tài chính của Alibaba) đảm trách vị trí điều hành của Lazada, thay thế người sáng lập Max Bittner. Sau khi thôi chức điều hành của Lazada, Max Bittner sẽ là cố vấn cao cấp của Alibaba.
Đại diện Alibaba cho biết, việc đầu tư thêm 2 tỷ USD khẳng định sự tự tin vào thành công trong hoạt động kinh doanh của Lazada trong tương lai cũng như triển vọng tăng trưởng của thị trường Đông Nam Á - khu vực quan trọng trong chiến lược tăng trưởng toàn cầu của Alibaba.
“Với dân số trẻ, nhu cầu sử dụng điện thoại di động cao và chỉ 3% doanh số bán lẻ của khu vực hiện được thực hiện trực tuyến, chúng tôi cảm thấy rất tự tin khi tăng vốn gấp đôi vào khu vực Đông Nam Á”, ông Peng cho biết.
Với động thái này, giới bình luận cho rằng, Alibaba đang chạy đà cho một cuộc chiến dữ dội tại ASEAN. Đối thủ lớn nhất trong cuộc chiến sắp khai màn là Amazon - hiện cạnh tranh khốc liệt với Alibaba tại Singapore và đang tiến quân vào thị trường Việt Nam. Tại Singapore, Alibaba -Lazada cũng mua lại luôn dịch vụ bán hàng tạp hóa trực tuyến Redmart của Singapore và tạo ra chương trình thành viên LiveUp với nhiều điểm giống như Amazon Prime của Amazon.
Amazon cẩn trọng, nhưng quyết liệt
Quyết định đầu tư thêm 2 tỷ USD vào Lazada của Alibaba được đưa ra chỉ một tuần sau khi đại diện Amazon có mặt ở Việt Nam.
Theo đó, trung tuần tháng 3/2018, tại Diễn đàn Thương mại điện tử Việt Nam 2018 (VOBF 2018), ông Gijae Seong, Trưởng bộ phận bán hàng toàn cầu của Amazon tại Singapore tỏ ra đặc biệt quan tâm tới các hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam. Ông cho biết, Amazon tìm kiếm sự trợ giúp từ VECOM để tiếp cận các doanh nghiệp trong nước.
Ông Gijae Seong cho hay, Amazon hiện có 13 thị trường bán lẻ, trong đó mới có 3 thị trường ở châu Á. Do vậy, Amazon đang đặc biệt quan tâm tới thị trường ASEAN với hơn 640 triệu dân, trong đó, bàn đạp là thị trường Việt Nam. Amazon đã gia nhập thị trường Singapore bằng việc triển khai một loạt dịch vụ, như gói thành viên Amazon Prime, dịch vụ giao hàng nhanh Amazon Prime Now, cũng như các dịch vụ thương mại điện tử thông thường khác của Amazon.
“Chiến lược của Amazon gồm 2 bước. Bước thứ nhất, họ muốn xuất khẩu hàng hóa qua biên giới. Bước thứ hai, họ muốn nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Khách hàng muốn mua hàng trên Amazon, trong khi Amazon cũng quan tâm chiều ngược lại. Họ muốn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bán hàng trên Amazon”, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM chia sẻ.
Theo Hữu Tuấn/Báo Đầu Tư