Mạnh tay xử lý vi phạm về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường

Google News

Tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất xử phạt vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.

Dự thảo nghị định mới đề xuất mức xử phạt nặng hơn với những hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. Trong ảnh: Công an huyện Cẩm Giàng phát hiện cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19 
Tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất áp dụng tăng mức xử phạt, áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với những vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Qua đó nhằm bảo đảm tính răn đe và chấn chỉnh những hạn chế của loại hình dịch vụ này.
Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo gồm 5 chương, 82 điều, với các quy định chung, hành vi vi phạm hành chính về văn hóa và quảng cáo, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Mức xử phạt các vi phạm liên quan đến kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường tại dự thảo nghị định hầu hết đều tăng so với Nghị định số 158/2013/NĐ-CP, ngày 12.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Một số hành vi vi phạm được bổ sung, điều chỉnh phù hợp với Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19.6.2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất phạt từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: kê khai không trung thực trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường; không nộp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường khi có quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hành vi sửa chữa, tẩy xóa làm thay đổi nội dung giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường theo dự thảo nghị định bị phạt từ 10-15 triệu đồng (theo Nghị định số 158/2013/NĐ-CP, hành vi này bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng).
Hành vi cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường được đề xuất mức phạt từ 15-20 triệu đồng (quy định hiện hành là từ 10-15 triệu đồng).
Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định mức phạt đối với hành vi kinh doanh hoạt động karaoke không có giấy phép hoặc không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi kinh doanh là từ 15-20 triệu đồng; từ 20-25 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hoạt động vũ trường không có giấy phép hoặc không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi kinh doanh. Tại dự thảo nghị định mới, mức phạt tiền tăng lên từ 20-25 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ karaoke không có giấy phép; từ 25-30 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ vũ trường không có giấy phép.
Tại dự thảo quy định phạt từ 10-15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: kinh doanh dịch vụ vũ trường ở địa điểm cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa không bảo đảm khoảng cách theo quy định; sử dụng bài hát không được phép phổ biến, lưu hành; cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi; kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường không đúng thời gian quy định...
Đáng chú ý, việc kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường không bảo đảm diện tích theo quy định; đặt chốt cửa bên trong phòng hát karaoke, phòng vũ trường; đặt thiết bị báo động tại địa điểm kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường; sử dụng hình ảnh thể hiện trên màn hình trong phòng hát karaoke không phù hợp với văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam... sẽ bị phạt từ 15-20 triệu đồng.
Ngoài ra, tại dự thảo nghị định, một số hành vi vi phạm còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả như tước quyền sử dụng giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường; tịch thu tang vật; buộc thu hồi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi; buộc dừng hoạt động kinh doanh...
Luật sư Nguyễn Trọng Quyết, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH An Phước (TP Hải Dương) cho rằng những quy định nêu trong dự thảo nghị định là phù hợp và cần thiết nhằm chấn chỉnh hoạt động của các loại hình dịch vụ karaoke, vũ trường. Những quy định nêu ra không khó để thi hành. Để phát huy hiệu quả như mong muốn, cơ quan quản lý cần có biện pháp giám sát đối với chính người có thẩm quyền xử lý, bảo đảm tính nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, tránh trường hợp bỏ qua vi phạm…
Hy vọng với những đề xuất xử lý mạnh tay hơn sẽ chấn chỉnh được tình trạng các cơ sở karaoke, vũ trường không bảo đảm các điều kiện kinh doanh, kinh doanh biến tướng, làm phát sinh tệ nạn xã hội, gây mất an ninh trật tự, bức xúc trong dư luận.
Theo HN/Báo Hải Dương