Xịt lốp thì quá bất ngờ
Ngày 8/1, chuyến bay VN162 của Vietnam Airlines khởi hành từ Đà Nẵng đi Hà Nội, khai thác bằng tàu Airbus A321 (số đăng ký VNA601) đang trên đường bay thì gặp sự cố về lốp khi đang bay.
Trước đó không lâu, máy bay Airbus A350 số đăng ký VN889 cũng được thông báo là gặp vấn đề về kỹ thuật và phải kiểm tra tại Paris từ ngày 3/1.
Trước những sự cố trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 8/1, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, trường Đại học Bách khoa TPHCM cho biết: "Bây giờ mua một thiết bị, phương tiện hiện đại, đặc biệt là máy bay thì phải lựa chọn các hãng uy tín, tên tuổi để mua, không rõ những trục trặc vừa gặp có phải rủi ro trùng lặp.
Thế nhưng, đối với các tàu bay như Airbus A321 có trục trặc ở lốp thì tôi cũng bất ngờ: Airbus A350 mới đưa vào sử dụng từ tháng 7/2015, chỉ 5 tháng mà đã có lỗi kỹ thuật thì đáng lo ngại.
Đối với các tàu bay hiện đại này nếu xảy ra các lỗi như vậy, các máy bay tương tự nhà sản xuất sẽ kiểm tra lại".
Bên cạnh đó, theo ông Tống, nếu như máy bay bình thường bị sự cố cũng đã tạo ra cho hành khách tâm lý lo sợ, nhưng đối với máy bay hiện đại mà cũng liên tiếp gặp sự cố chắc chắn sẽ tạo ra sự ái ngại. Nếu cái đó là chuyện hy hữu, ít xảy ra thì nó mới không thành vấn đề.
Đặc biệt, phải chỉ rõ ra xem nguyên nhân là do đâu, trách nhiệm do nhà sản xuất hay do nhà khai thác tàu bay. Nếu trong thời gian bảo hành, bảo trì của nhà cung cấp, lỗi đó do bên sản xuất, lắp ráp thì họ phải chịu trách nhiệm, phải đền bù cho việc chậm chuyến, thời gian. Còn nếu lỗi do quản lý, điều hành, vận hành thì phải tự chịu trách nhiệm.
|
Siêu máy bay của Vietnam Airlines gặp sự cố ở Pháp. |
Đương nhiên về phía nhà sản xuất họ sẽ có trách nhiệm với tư cách người bán sản phẩm, giữ uy tín cho hãng, như Airbus A350 sau khi có lỗi kỹ thuật, Airbus đã liên tục cử các chuyên gia hàng đầu về thiết kế và chế tạo cánh máy bay cũng như đội kỹ thuật với các thiết bị chuyên dụng từ Hamburg (Đức) và Toulouse (Pháp) đến Paris kiểm tra, xác định nguyên nhân của sự cố.
Thế nhưng, riêng với sự cố về lốp khi đang bay, thì bên sửa chữa, bảo trì phải có trách nhiệm, vì trước và sau khi cất cánh tất cả các thiết bị đều phải được kiểm tra nghiêm ngặt.
"Tôi cũng biết một số trường hợp, nhiều khi họ cố tình giấu đi những chi tiết coi là không quan trọng, như lốp bánh xe có vết gì đó, cũng tìm cách giấu đi, coi đó là lỗi nhỏ. Như vậy, bộ phận phụ trách kỹ thuật, đơn vị kiểm tra lốp trước khi máy bay cất cánh phải chịu trách nhiệm chính", ông Tống chỉ rõ.
Đưa ra một ví dụ cụ thể, cho việc cẩu thả dù chỉ là chi tiết nhỏ cũng dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng, ông Tống kể: Chúng ta đã từng có bài học từ sự việc chiếc máy bay Concorde. Concorde đã bốc cháy khi chỉ vừa cất cánh từ sân bay Charles de Gaulle tại Paris vào tháng 7/2000 làm 113 người thiệt mạng. Nguyên nhân của vụ tai nạn là do một miếng kim loại nằm lại trên đường băng và nó rơi ra từ một máy bay của Continental Airlines. Công tác điều tra cho thấy Concorde đã cán phải miếng kim loại này và bị nổ lốp, tiếp đó là nổ thùng nhiên liệu.
Ngay sau đó, hãng hàng không này phải chịu mức phạt 200.000EUR và phải đền bù cho Air France 1 triệu EUR.
Các hãng bay đủ kinh nghiệm để xử lý
Đánh giá về cách xử lý tình huống của Vietnam Airlines qua các sự cố, ông Tống nhận định: "Tôi nghĩ các hãng máy bay, cũng như sân bay đều có khả năng giải quyết những sự cố trên vì nó là tình huống có thể xảy ra bất cứ khi nào.
Ngay đến các phi công cũng phải có kinh nghiệm khi đáp xuống, để không bị áp lực trượt đường băng, ví dụ như phải làm sao để không quá sát mặt đất, đáp xuống tạo lực cánh để cân bằng như thế nào.
Thế nhưng, đối với sự cố như xịt lốp máy bay, theo tôi, cũng không đến mức Bộ trưởng Bộ GTVT phải đích thân chỉ đạo, những sự cố này tự động các hãng cũng phải làm cho tốt.
Bởi vì, các sự cố này trên thế giới cũng đã nhiều trường hợp xảy ra, đã có nhiều kinh nghiệm xử lý, chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi".
Theo ông Tống, việc cần nhất hiện nay, đó chính là nâng cao đội ngũ bảo trì, bảo dưỡng kỹ thuật của máy bay, vì bên cạnh những lỗi kỹ thuật do nhà sản xuất thì lỗi chủ quan của con người còn nguy hiểm hơn rất nhiều.
Theo Báo Đất Việt