|
Khu đất tranh chấp tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang
|
Đòi lại đất từ hợp đồng bán gần 10 năm trước
Nguồn cơn của sự việc bắt đầu từ ngày 5/2/2008, ông Lê Xuân Hùng, có ký hợp đồng (viết tay) nhận chuyển nhượng thửa đất có diện tích tạm tính khoảng 45.000m2 (ngang 150m x dài 300m) tọa lạc tại ấp Xóm Mới, xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang của ông Nguyễn Trung Dũng, sinh năm 1946 và vợ là bà Nguyễn Thị Sâm, sinh năm 1948, thường trú tại ấp Khu Tượng, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với giá 17 triệu/1.000m2. Tổng giá trị hai bên chuyển nhượng là 765 triệu. Tại thời điểm hai bên ký hợp đồng chuyển nhượng, thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Về việc thanh toán, hai bên thỏa thuận, sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng, bên mua đặt cọc trước cho bên bán 50% (tương đương với số tiền 382,5 triệu) giá trị chuyển nhượng. Phần còn lại khi làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bên mua sẽ thanh toán nốt cho bên bán. Tính đến ngày 13/3/2015, ông Dũng, bà Sâm đã nhận của ông Hùng tổng số tiền là 582,5 triệu (hơn 76% tổng giá trị hợp đồng).
Ngày 10/3/2008, do cần tiền, ông Lê Xuân Hùng đã lập Giấy sang nhượng (viết tay) thửa đất nêu trên cho ông Võ Thành Nhơn, thường trú tại 30C Hoàng Văn Thụ, khu phố 5, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với giá là 35 triệu/1.000m2. Tổng số tiền bên mua phải thanh toán cho bên bán là 1 tỷ 575 triệu.
Hai bên thỏa thuận thanh toán làm 2 đợt. Ngày 10/3/2008, bên mua đã thanh toán cho bên bán số tiền 1 tỷ. Ngày 10/4/2008, bên mua thanh toán tiếp số tiền còn lại. Bên bán đã giao toàn bộ thửa đất nêu trên cho bên mua quản lý, khai thác từ ngày 10/3/2008.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, trong khi thửa đất vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng ông Dũng, bà Sâm lại lấy lý do ông Hùng chưa thanh toán đủ theo thỏa thuận, nên đã làm đơn khởi kiện ra TAND huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang yêu cầu hủy Hợp đồng chuyển nhượng đất ngày 5/2/2008 giữa ông Dũng, bà Sâm và ông Hùng.
Ngày 14/4/2016, TAND huyện Phú Quốc đã đưa vụ án ra xét xử và ra bản án số 15/2016/DS-ST tuyên hủy hợp đồng sang nhượng đất và hoa màu ngày 05/02/2008 giữa ông Dũng, bà Sâm và ông Hùng; giao thửa đất tranh chấp lại cho ông Dũng, bà Sâm; ghi nhận sự tự nguyện của ông Dũng, bà Sâm trả lại ông Hùng số tiền 582,5 triệu.
|
Công văn chuyển đơn của TAND tối cao |
Bản án có sai sót?
Do thiếu hiểu biết về pháp luật nên khi vụ án được đưa ra xét xử, vợ chồng ông Hùng đều vắng mặt. Ngay cả khi bản án được tống đạt đến nhà, vợ chồng ông cũng không biết thời hiệu 15 ngày kháng cáo. Chỉ khi bản án có hiệu lực pháp luật và tiến hành thi hành án thì vợ chồng ông mới tá hỏa biết đất mình mua ngày nào giờ phải trả lại chỉ vì hợp đồng thiếu công chứng. Vậy là ông Hùng đi cầu cứu khắp nơi tìm hiểu về quy định của pháp luật và làm đơn xin xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.
Sau khi tìm hiểu, ông Hùng thấy rằng, điều luật áp dụng trong Bản án số 15/2016/DS-ST là chưa rõ ràng khi Điều 134 "Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức" Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: "Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu".
Ông Hùng trình bày: "Nếu cho rằng hợp đồng sang nhượng đất và hoa màu của tôi và ông Dũng, bà Sâm vô hiệu do không tuân thủ về mặt hình thức (không công chứng) thì theo Điều 134 nói trên, tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc chúng tôi thực hiện việc công chứng mới là đúng luật, mới là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi. Tuy nhiên, HĐXX TAND huyện Phú Quốc ngày 14/4/2016 đã không làm như vậy mà "thẳng tay" tuyên hủy hợp đồng của chúng tôi, không cần biết chúng tôi đã vất vả mất bao nhiêu thời gian, công sức, tiền bạc mới có được mảnh đất ưng ý".
Điều đáng nói là Bản án sơ thẩm số 15/2016/DS-ST ngày 14/4/2016 của TAND huyện Phú Quốc đã không đưa ông Võ Thành Nhơn vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, không triệu tập các nhân chứng như ông Phạm Hồng Tín và ông Phan Minh Hoàng để lấy lời khai.
Trong nhiều đơn đề nghị Chánh án TAND cấp cao tại TPHCM xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm số 15/2016/DS-ST ngày 14/4/2016 của TAND huyện Phú Quốc, ông Hùng nêu quan điểm việc định giá đất và cây trồng sai, tòa án không thu thập đầy đủ chứng cứ; vì thế, tòa án chỉ xem xét một cách phiến diện, một chiều, hoàn toàn có lợi cho nguyên đơn, không xem xét đến quyền và lợi ích của bị đơn…
Còn bà Nhuần, vợ ông Hùng cho rằng bản án sơ thẩm số 15/2016/DS-ST ngày 14/4/2016 của TAND huyện Phú Quốc là bản án có nhiều sai sót và oan sai. Nhiều vấn đề cần phải "mổ xẻ" lại thông qua vụ án này. Thiệt hại của ông Võ Thành Nhơn sẽ được giải quyết như thế nào nếu tòa án cấp sơ thẩm không đưa ông vào giải quyết với tư cách là đương sự ?. Những người làm chứng như ông Tín, ông Hoàng tại sao không được tòa án triệu tập lấy lời khai ?... Thiết nghĩ, TAND cấp cao tại TP.HCM cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, xem xét lại vụ án nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân.
Sau khi nhận được đơn của ông Hùng, ngày 22/4/2019, TAND Tối cao đã có Văn bản số 155/TANDTC-VP chuyển đơn tới TAND Cấp cao tại TP HCM để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên đã hơn nửa năm trôi qua, TAND cấp cao tại TPHCM vẫn chưa có "động thái" nào giải quyết vụ việc của ông Hùng.
Theo Luật sư HÀ HUY TỪ/phunuvietnam