Anh Nguyễn Đức Hải (quê Nam Định) cho hay, thu nhập 2 vợ chồng không cao, tiền tích lũy cũng không có nhiều và không thích ở chung cư, vợ chồng anh Hải quyết định tìm mua đất xen kẹt đã có nhà tạm cấp 4 để ở. Sau nhiều ngày tìm kiếm, cuối cùng anh đã “chốt” mua một mảnh đất xen kẹt tại phường Phú Diễn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) với số tiền 1,1 tỷ đồng. Được biết, mảnh đất xen kẹt có diện tích gần 60m2 và đã có căn nhà cấp 4.
“Hơn 10 năm xa quê mình ngấm cảnh ở nhà trọ lắm rồi, vừa tốn kém vừa không ổn định. Trung bình mỗi năm, tiền thuê nhà cũng đã mất khoảng 40-50 triệu đồng, tuy nhiên việc sinh hoạt vẫn chủ yếu phải lệ thuộc vào chủ nhà. Sau khoảng thời gian đắn đo cân nhắc, vợ chồng mình quyết định tìm mua nhà với mức ngân sách phù hợp” – anh Hải chia sẻ.
Nhà xây tạm bợ và hàng loạt thứ "không" trên những khu đất không sổ đỏ.
Tuy nhiên, khi dọn về ở tại nơi này anh mới “ngấm” nỗi khổ của nhà không giấy tờ, vì kéo theo đó là hàng loạt các thứ “không”: Đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không thể đăng ký tạm trú, và đồng nghĩa không thể xin cho con nhỏ theo học đúng tuyến,...
Tương tự, gia đinh chị Huyền (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng khốn khổ vì trót mua nhà trên khu đất xen kẹt không giấy tờ.
Chị Huyền cho hay, năm 2006, sau khi cưới, do tài chính có hạn và chưa có kinh nghiệm nên hai vợ chồng chị dồn tiền mua mảnh đất 200 triệu viết tay trên địa bàn quận Hoàng Mai. Mua xong đất, chị và chồng chạy vạy nhiều lần mới xây được nhà tạm cấp 4 để có chỗ chui ra chui vào. Ngoài ra, đường điện, nước máy, cống thoát nước,… đều không có, gia đình phải tự thiết kế hoặc xin nhờ các nhà của khu gần kề.
“Mỗi nhà phải tự thiết kế nguồn nước giếng khoan, tự mắc đường điện, nắng thì nóng và mưa thì ngập, hộ khẩu cũng không thể làm,… Khi sinh con thứ 2 hai vợ chồng muốn sửa làm thêm gác lửng cũng không được. Quá khổ vì thiếu đủ thứ, sau 5 năm tôi phải cho thuê lại căn nhà đó và vay mượn thêm tiền tìm mua căn hộ chung cư để đảm bảo cuộc sống” – chị Huyền nói.
Nhiều người trót mua đất xen kẹt khóc dở mếu dở vì quá khổ.
Được biết, đất xen kẹt là loại đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi mua - bán chỉ được chuyển nhượng thông qua giấy tờ viết tay. Cũng chính vì quyền sử dụng đất mù mờ nên giá các loại đất này thường rẻ hơn 50 - 80% so với đất có đầy đủ giấy tờ ở cùng khu vực.
Trên thị trường bất động sản hiện nay, việc mua bán đất xen kẹt không phải là hiếm. Nhiều môi giới đua nhau rao bán đất xen kẹt với giá cực rẻ, thu hút đông đảo sự chú ý từ những người dân ít tiền thiếu kinh nghiệm.
Khảo sát trên một số trang mạng xã hội, tại phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), một lô đất không giấy tờ có giá chào bán chỉ ở mức 25-30 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá thị trường đối với đất có sổ đỏ ở khu vực này dao động trong khoảng 70 - 100 triệu đồng/m2 tùy theo vị trí.
Một lô đất không sổ tại quận Nam Từ Liêm đang được rao bán, có giá chỉ từ 12 triệu/m2.
Ở khu vực quận Hà Đông, đất xen kẹt đang được chào bán với giá từ 12-15 triệu đồng/m2; trong khi đó giá thị trường của đất thổ cư ở đây đang dao động trong khoảng 40-60 triệu đồng/m2 tùy theo vị trí.
Tại quận Nam Từ Liêm, giá đất xen kẹt tại Ngọc Trục, Đại Mỗ, Phú Diễn, Tân Mỹ và Mễ Trì Thượng đang dao động ở mức 15-22 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất ở với hồ sơ pháp lý đầy đủ đang rơi vào khoảng 80 triệu đồng/m2 tùy từng vị trí.
Dưới góc độ pháp lý, ông Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Công ty luật S&Blaw, thông tin Luật Đất đai năm 2003 quy định đất lấn chiếm hay đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất đều bị coi là tài sản không hợp pháp và không có quyền mua bán, chuyển nhượng hay thế chấp. Tất cả các hình thức giao dịch trên các mảnh đất không có giấy tờ đều được xem là trái pháp luật và không được công nhận, Nhà nước có quyền thu hồi những mảnh đất này bất cứ lúc nào. Còn với những mảnh đất xen kẹt diện tích dưới 30m2 hoặc đủ 30m2 mà một chiều dài dưới 3m, UBND TP.Hà Nội đã có quyết định 58 không cho phép mua bán, giao dịch, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng.
Nhu cầu mua đất, mua nhà là nhu cầu chính đáng của người dân. Tuy nhiên, khi mua hay giao dịch BĐS cần đặc biệt chú ý tới giấy tờ pháp lý xác định quyền sử dụng đất. Tránh tình trạng nghe lời giới thiệu của các môi giới BĐS “thiếu đạo đức” mà tiền mất tật mang.
Thực tế, nhiều người mua đất xen kẹt nhưng không thể xây nhà vì không chuyển đổi được mục đích sử dụng. Hoặc là, nếu muốn chuyển đổi mục đích sử dụng, họ phải tốn kém một khoản phí rất lớn. Chưa kể, những loại đất xen kẹt thông thường chỉ có giấy tờ giao đất có thời hạn. Khi thực hiện những giao dịch mua bán, những giấy tờ này chỉ ở dạng photo và đã qua tay khá nhiều người.
Điều này trở thành sơ hở, tạo điều kiện để các “cò mồi” lừa đảo, bán trao tay một mảnh đất cho nhiều người. Khi phát hiện, người mua có nguy cơ mất trắng cao vì không có căn cứ pháp lý để chứng minh.
“Đất xen kẹt dù có giá rẻ nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trước khi xuống tiền đầu tư vào loại hình này, người mua cần phải cân nhắc, tìm hiểu thật kỹ càng. Ngoài ra, cần tìm hiểu rõ thông tin nguồn gốc thửa đất và quy định quy hoạch của địa phương tại nơi có đất để tránh thiệt thòi cũng như tranh chấp đất sau này” – chị Mai, một môi giới BĐS chuyên nhà đất thổ cư tại Hà Nội cho hay.
Theo Quỳnh Chi/ Người Đưa Tin