Theo dự thảo Nghị định về biểu thuế bảo vệ môi trường mà Bộ Tài chính vừa trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, mức thuế đánh vào xăng sẽ tăng kịch trần lên 4.000 đồng/lít. Nghĩa là mỗi lít xăng bán ra, người tiêu dùng sẽ phải gánh thêm 1.000 đồng, chưa kể khoản tăng thêm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Theo thống kê, 95% khoản tiền tăng thu khi nâng thuế có được là từ xăng.
Một lít xăng đang gánh bao nhiêu tiền thuế, phí?
Xăng là mặt hàng đang phải gánh nhiều loại thuế, phí hiện nay. Một lít xăng A95 có giá là 20.910 đồng/lít, nhưng số thuế phí phải gánh đang chiếm gần một nửa. Theo đó, mỗi lít xăng đang gánh thuế nhập khẩu 20%, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 10%, thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%, thuế bảo vệ môi trường hiện tại là 3.000 đồng/lít.
|
Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường từ 1/7. Ảnh: Phúc Minh. |
Hiện chỉ có duy nhất xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc theo Hiệp định thương mại Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) là được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi ở mức 10%.
Theo liên Bộ Tài chính - Công Thương, giá xăng thương phẩm bình quân trên thế giới đầu tháng 5 vào khoảng 80,8 USD/thùng xăng A92 (dùng để pha chế E5) và 83,4 USD/thùng xăng A95.
Như vậy, giá một lít xăng A95 khi chưa tính bất cứ một loại thuế, phí gì là 0,53 USD/lít (khoảng 12.000 đồng). Sau đó, xăng bị cộng thêm 20% thuế nhập khẩu, là 2.400 đồng/lít; 10% thuế tiêu thụ đặc biệt là 1.200 đồng/lít và 3.000 đồng thuế bảo vệ môi trường (mức hiện tại).
Sau khi cộng thêm tất cả các loại thuế, cộng thêm chi phí của doanh nghiệp thì sẽ xác định mức bán ra. Mức thuế VAT sẽ xác định ở mức bán ra (10%).
Như vậy, với giá xăng A95 được công bố vào ngày 8/5, thì ước tính, số thuế phí mà người tiêu dùng khi mua một lít xăng phải trả là khoảng 8.000 đồng.
Nếu biểu thuế mới được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua, mỗi lít xăng dầu sẽ gánh thêm 1.000 đồng tiền thuế môi trường, giá xăng A95 sẽ tăng lên mức 21.910 đồng/lít (giả sử lấy mức giá xăng A95 vào thời điểm hiện tại).
Chưa dừng lại ở đó, thuế VAT sẽ phải tính lại. Với mỗi 1.000 đồng tiền thuế môi trường tăng thêm, sẽ đi kèm với 10% thuế VAT bị kéo tăng thêm cùng. Như vậy, không chỉ phải gánh thêm 1.000 đồng khi tăng thuế bảo vệ môi trường, người tiêu dùng phải gánh thêm khoảng 100 đồng tiền thuế VAT nữa.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự kiến khi tăng thuế bảo vệ môi trường, ngân sách sẽ có thêm được 15.189 tỷ đồng mỗi năm, trong đó, 95% số tiền này thu được từ xăng (14.368 tỷ đồng). Ngoài ra, khoản thu thêm được từ thuế VAT là 1.520 tỷ đồng.
Tăng thuế xăng tác động ra sao đến nền kinh tế?
Trong báo cáo đánh giá tác động của dự án Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đặt giả thiết việc nâng thuế áp dụng từ ngày 1/7 tới. Khi đó, tăng thuế sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 (so với tháng 6) là khoảng 0,27-0,29%. Ngoài ra, tăng thuế sẽ tác động đến CPI cả năm 2018 khoảng 0,11-0,15%.
Bộ Tài chính còn cho rằng thuế bảo vệ môi trường áp cho xăng E5 sẽ thấp hơn xăng khoáng là 200 đồng/lít (thấp hơn hiện tại 50 đồng/lít). Như vậy, tăng sẽ bảo vệ môi trường với xăng khoáng sẽ tạo thêm chênh lệch về giá với xăng E5. Từ đây sẽ khuyến khích và sử dụng xăng sinh học, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra khi tăng thuế, ngân sách sẽ thu thêm được một khoản tiền lớn, ước tính lên tới 15.189 tỷ đồng. Với xăng, khi từ mức thuế 3.000 đồng/lít hiện nay lên 4.000 đồng, thu ngân sách dự kiến tăng thêm 14.368 tỷ đồng/năm.
Đối với than đá, khi tăng thuế từ 20.000 đồng/tấn hiện nay lên 30.000 đồng/tấn, thu ngân sách dự kiến tăng thêm 795 tỷ đồng/năm. Với dung dịch HCFC (thường dùng cho điều hòa, máy làm lạnh), ngân sách dự kiến tăng thêm 12,7 tỷ đồng/năm từ việc tăng thuế. Tăng thuế bảo vệ môi trường với túi nylon cũng dự kiến tăng thu 13,5 tỷ đồng/năm.
Cùng với số thu này, thu thuế giá trị gia tăng cũng tăng thêm 1.520 tỷ đồng/năm. Tổng tất cả, dự kiến thu ngân sách sẽ tăng thêm 16.708 tỷ đồng/năm.
|
Xăng dầu đang phải gánh tới 95% thuế bảo vệ môi trường. Ảnh: Phúc Minh. |
Năm 2019, số thu thuế bảo vệ môi trường đã đạt 0,9% GDP cả nước và chiếm 3,7% tổng thu ngân sách; 4,53% tổng thu thuế nội địa.
Bộ Tài chính cũng nói rằng số tiền này sẽ chi cho nhiều việc khác nhau. Trong đó có phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai; chi cho các dự án bảo vệ môi trường; chi trả các khoản vay cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Ước tính số chi vào khoảng 26.270 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, thậm chí là các bộ ngành cảnh báo tác động của việc tăng thuế xăng đến nền kinh tế còn lớn hơn việc tác động đến chỉ số CPI.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khẳng định Bộ Tài chính vẫn chưa đưa ra được các nghiên cứu cụ thể, rằng việc tăng các khoản thuế bảo vệ môi trường sẽ ảnh hưởng đến người dân, từng nhóm người dân như thế nào, lợi và hại của việc tăng thuế ra sao.
Ý kiến cảnh báo của các bộ ngành thì xăng là nguyên liệu đầu vào quan trọng, từ đó có thể dẫn tới sự tăng giá của nhiều mặt hàng, tác động đến đời sống người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, có thể khiến giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.
Xăng đang phải gánh 95% “trách nhiệm” với môi trường?
Có một điều đáng chú ý là xăng dầu đang phải gánh phần lớn tiền thuế bảo vệ môi trường. Nếu số thu thuế tăng thêm được khoảng 15.189 tỷ đồng thì 95% trong số đó là thu từ xăng.
Năm 2017, tổng thu thuế bảo vệ môi trường là khoảng 44.825 tỷ đồng thì 93% có được cũng từ xăng. Như vậy, có thể nói, có rất nhiều thứ gây ra tác động xấu đến môi trường, nhưng xăng đang phải gánh “trách nhiệm” lớn nhất.
TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR - thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết nếu đánh thuế môi trường mục đích là để giảm tiêu dùng, hạn chế sử dụng sản phẩm đó.
Do đó, TS. Thành nói nếu tiếp tục tăng thuế môi trường với xăng, đồng nghĩa mục tiêu hạn chế tiêu dùng sản phẩm xăng giúp ngăn ô nhiễm, là không đúng.
Ông nhấn mạnh cần phải đánh thuế vào than, mặt hàng ô nhiễm hơn xăng dầu rất nhiều. Tuy nhiên, Bộ Tài chính không làm như vậy. Vì thu thuế xăng dầu dễ hơn, dù xăng dầu gây ô nhiễm ít hơn than.
Theo Bộ Tài chính, thu thuế từ hoạt động nhập khẩu xăng đã giảm mạnh trong những năm gần đây, khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Nếu số thu của năm 2015 là 53.000 tỷ đồng thì năm 2016 giảm xuống chỉ còn 13.400 tỷ đồng. Dự kiến năm 2018 chỉ còn 10.300 tỷ đồng. Số thu này có thể sẽ về 0 khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực vào năm 2024, khi đó thuế nhập khẩu xăng là 0%.
Chính bộ này thừa nhận tăng thuế bảo vệ môi trường có thể bù đắp ngân sách khi đang giảm nguồn thu. Tuy nhiên, việc tăng thuế bảo vệ môi trường mà đánh tới 95% vào xăng dầu là điều không thể thuyết phục.
Theo Hiếu Công/Zing