Mục sở thị công nghệ kích nấm linh chi Trung thành Hàn

Google News

Gian thương có đủ cách để tạo ra nấm linh chi giả. Cách phổ biến hiện nay chính là hút hết dược tính để bán… tai nấm.

“Tắm” hóa chất cho nấm
Theo thống kê, tại TP. HCM hiện có khoảng 30 cơ sở trồng nấm linh chi và sản xuất bịch phôi bán cho nông dân. Về giá cả, nấm linh chi Việt Nam có giá khoảng 800 ngàn đồng/kg đến 2 triệu đồng/kg. Nấm linh chi nhập từ Hàn Quốc có giá dao động từ 1,5 triệu đồng/kg đến 3 triệu đồng/kg và thường được người dùng ưa chuộng hơn.
Còn nấm linh chi Trung Quốc, như đã nói ở kỳ trước, có giá thành rất rẻ, dao động từ 200 – 400 ngàn đồng/kg. Vì chúng rất giống nấm linh chi Hàn Quốc, nên thường được chọn để làm giả. Theo TS. Nguyễn Văn Hiếu – khoa Khoa học (trường ĐH Nông Lâm TP.HCM), hầu hết nấm linh chi Hàn Quốc giá rẻ đều có xuất xứ... Trung Quốc.
Công nghệ đóng giả “made in Korea” (sản xuất tại Hàn Quốc) dưới tai nấm. 
Một chuyên gia của trại nấm Linh Mộc (Q.2, TP.HCM) cho biết, hiện nay nấm linh chi Trung Quốc bị chiết xuất hoạt chất tràn lan trên thị trường. Tuy nhiên, chúng lại được đóng gói bằng tiếng Hàn rồi dùng mộc nổi đóng lên tai nấm, bán cho người tiêu dùng. Muốn biết là nấm Hàn Quốc thật hay linh chi Trung Quốc, linh chi bị rút hoạt chất, chỉ có cách kiểm định dược chất để phát hiện. Theo lời vị này, có một số cách để gian thương “rút ruột” dược tính của nấm.
Sau khi thu hoạch, nấm được đưa ngay vào lò áp suất cùng với nước để chưng cất chiết lấy hoạt chất. Lớp bào tử và hoạt chất của nấm sẽ được trích ly trong giai đoạn này. Sau khi chưng cất, tai nấm được phơi khô, sơ chế lại, có thể đánh bóng, bôi màu, tẩm ướp hóa chất, tạo vị đắng để trông như mới thu hoạch rồi tái bán ra thị trường. Loại thứ ba là nấm linh chi Trung Quốc. Trong quá trình trồng, họ có thể phun các hóa chất tăng trưởng, chất độc hại để tăng năng suất và làm cho tai nấm đẹp như nấm Hàn Quốc, Nhật Bản.
Theo ông Nguyễn Trí Cương – Giám đốc công ty phân phối Hồng Chi Fushi tại phía Nam thì, đã từng có thời gian ông sang Hàn Quốc tìm hiểu thị trường nấm tại đây và được các đối tác chia sẻ nhiều vấn đề đang khiến họ phải lao đao. Đặc biệt, giống như ở Việt Nam, tại Hàn Quốc, nấm Trung Quốc cũng tràn vào và được những người buôn gian bán lận “hô biến” thành nấm bản địa.
“Tại các chợ lớn ở Busan (Hàn Quốc), nơi có nhiều khách nước ngoài, nhất là khách Việt,... nấm linh chi Trung Quốc cũng được tuồn vào. Và, chính tâm lý sính ngoại đã được các đối tượng làm ăn gian dối lợi dụng. Ít ai biết rằng, hàng xách tay đa phần là hàng Trung Quốc”, ông Cương nói.
Quả thực, để mua nấm linh chi Hàn Quốc xách tay không khó. Trong vai người cần sản phẩm này, PV liên hệ với một số cơ sở rao bán trên mạng. Một cửa hàng trên mạng quảng cáo: “Nấm linh chi Hàn Quốc là thảo dược không có độc tố, không gây phản ứng phụ nên người bệnh có thể chế biến thành nước, uống thường xuyên nhằm cải thiện sức khỏe và tăng cường khả năng miễn dịch”.
Giá bán tại đây cũng hết sức bất ngờ. Mỗi kg nấm linh chi có giá niêm yết 1.050 ngàn đồng, khuyến mãi còn 950 ngàn đồng. Nếu mua 3kg sẽ được tặng 1kg. Tuy nhiên, cùng sản phẩm này tại một cơ sở khác, giá của 1kg nấm linh chi được niêm yết là 1,6 triệu đồng/kg. Giá này đã giảm 10%. Về mức giá này, ông Cương cho biết, đó chắc chắn không phải nấm Hàn Quốc thật. Vì, nếu nấm Hàn Quốc thật, giá không bao giờ dưới 1 triệu đồng/kg, nếu là nấm tốt.
Theo các chuyên gia, với những loại nấm rởm nói trên, khả năng tồn dư độc tố trong quá trình nuôi trồng là rất cao. Nếu sử dụng nhiều và thời gian lâu, sẽ dễ hình thành bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Truy tìm thuốc kích thích tăng trưởng
Cũng theo tiết lộ, hiện có một số cơ sở nuôi trồng nấm linh chi, vì mục tiêu kinh tế đã rút ngắn thời gian nuôi trồng bằng việc sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng. Để tìm hiểu về các loại kích thích này, trong vai người trồng nấm, PV đến khu chuyên bán vật tư nông nghiệp, cây cảnh giống trên đường Trường Chinh - Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP.HCM). Vào cửa hiệu B.L., người đàn ông bán hàng cho biết, ở đây có nhiều loại thuốc kích thích cây, chứ không có loại “đặc trị” cho nấm. Tuy nhiên, theo người này, nếu cần vẫn có thể dùng cho nấm.
Thuốc kích thích tăng trưởng cho nấm. 
Theo chỉ dẫn, PV tìm đến chợ Lớn, khu vực đường Lê Quang Sung (Q.6, TP.HCM). Tại đây, bước vào quầy vật tư nông nghiệp T.H., PV chứng kiến đủ các loại thuốc cho nấm linh chi, từ thuốc nội tới thuốc ngoại. Người bán hàng lục ra một chai, loại 300ml và nói: Đây là “hàng” của Việt Nam, chuyên kích thích tăng trưởng cho nấm linh chi. Giá của sản phẩm này gần 300 ngàn đồng/chai. “Về liều lượng, trên nhãn có ghi công thức pha để phun cho cây nấm, tùy vào giai đoạn phát triển của nấm. Tuy nhiên, anh có thể phun nhiều hơn để nấm mọc nhanh hơn”, người bán hàng nói với PV.
Khi PV đưa hình ảnh một loại thuốc kích thích tăng trưởng Trung Quốc mà mình được cung cấp, đồng thời hỏi mua, người bán cho biết: “Thuốc của Trung Quốc người ta cấm bán. Nếu muốn mua thì phải đặt “hàng” từ trước, sau đó, có “hàng” sẽ liên lạc. Vì cấm nên nếu bị phát hiện, “người ta” phạt “dữ” lắm. Trước mắt, anh cứ phun thử cái này xem thế nào rồi quay lại sau”.
Hiện nay, theo mách nước của người trồng nấm, thuốc kích thích có tác dụng giúp nấm phát triển nhanh. Bà Anh – chủ cơ sở nấm M.A. ở huyện Củ Chi, TP.HCM cho hay, việc sử dụng thuốc kích thích và các loại khác là bình thường. Để đảm bảo nấm sinh trưởng và phát triển tốt, hình thức đẹp, các chủ trồng nấm thường dùng thuốc tím hoặc Bennomyl, Zineb, Validacin. Khi nấm đã tạo hình thì phun các loại thuốc kích thích sinh trưởng như Komix, Atonic, Bioted...
Chia sẻ về vấn đề này, TS.Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, thuốc kích thích sinh trưởng có rất nhiều loại nhưng thường chứa Gibberellic acid (GA3). “Trong các loại thuốc bảo vệ và kích thích sinh trưởng nói trên, có nhiều loại trong danh mục được phép sử dụng. Tuy nhiên, liều lượng như thế nào, thời hạn từ lúc phun cho tới khi thu hoạch ra sao, mỗi cơ sở lại thực hiện một kiểu”, TS.Nguyễn Văn Hiếu nói.
Một chủ cơ sở trồng nấm tại xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) phản ánh, để kích thích nấm tăng trưởng nhanh, người trồng thường phun gấp đôi lượng thuốc tăng trưởng. Và, đến thời điểm gần thu hoạch, phun một lần nữa cho nấm phát triển tốt nhất, có hình thức đẹp mới bắt mắt người mua. “Các loại thuốc tăng trưởng thường được sử dụng cho nấm thực phẩm, còn nấm linh chi thì ít phát hiện trường hợp này vì hiệu quả từ việc sử dụng thuốc là không nhiều”, TS. Nguyễn Văn Hiếu cho biết.
Theo Người Đưa Tin