Ngày “cựu” lãnh đạo hầu tòa, Sacombank bỗng... tăng kịch trần

Google News

Ngay khi mở phiên giao dịch hôm nay 8/1, cổ phiếu STB của Sacombank bỗng dưng tăng kịch trần. 

 
Cụ thể, STB lên mức 14.550 đồng/CP (tăng 1.000 đồng/CP, +7%) với khối lượng khớp lệnh tăng kỷ lục, đạt hơn 33,8 triệu cổ phiếu.
Đây cũng là mức giá “đỉnh” của cổ phiếu STB trong vòng 6 tháng trở lại đây, sau khi cổ phiếu STB đạt mức giá “đỉnh” 14.600 đồng/CP vào cuối tháng 6.2017 (ngày 21.6, STB đạt mức giá 14.600 đồng/CP).
Đặc biệt, đây cũng là phiên tăng kịch trần hiếm hoi của cổ phiếu STB sau đúng 9 tháng, từ 7.4.2017.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một chuyên gia chứng khoán đến từ Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), thông tin khiến STB tăng kịch trần phiên giao dịch hôm nay có thể đến từ thông tin đến hết năm 2017, Ngân hàng Sacombank đã xử lý được 19.000 tỷ đồng nợ xấu. Việc các “cựu” cán bộ phải ra tòa không ảnh hưởng nhiều đến đà tăng của STB vì việc “xử lý khủng hoảng” này đã được ngân hàng tính đến từ trước.
“Cổ phiếu STB nhích nhẹ một vài phiên gần đây có thể đến từ thông tin ông Dương Công Minh chính thức từ chức Chủ tịch HĐQT tại 4 công ty để tập trung cho Sacombank. Thêm vào đó là việc xử lý dứt điểm khoản nợ xấu ‘khủng’ hơn 19.000 tỷ đồng vừa được nhà băng này công bố khiến cổ phiếu STB hưng phấn trong phiên hôm nay”, chuyên gia này nói.
Trước đó, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, kết thúc năm 2017, Sacombank đã xử lý được 19.000 tỷ đồng nợ xấu. Để đạt được con số 19.000 tỷ đồng này, Sacombank đã phải chạy đua với thời gian, áp dụng nhiều giải pháp khác nhau nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng... Trong đó, các khoản nợ xấu được xử lý gồm: Thanh lý tài sản nhận cấn trừ nợ gần 2.800 tỷ đồng; bán nợ theo giá thị trường 2.600 tỷ đồng; tự xử lý, thu hồi nợ xấu và các khoản phải thu được hơn 14.200 tỷ đồng.
“Trong các tài sản đã xử lý, việc tổ chức bán đấu giá công khai ba tài sản là quyền sử dụng đất tại Khu công nghiệp Đức Hoà III Long An (được cho là các tài sản liên quan đến ông Trầm Bê - PV) với giá khởi điểm hơn 9.000 tỷ đồng vào giữa tháng 12.2017 vừa qua đã đóng góp tỷ lệ không nhỏ cho kết quả xử lý nợ xấu của Sacombank”, ông Minh thông tin.
Cũng theo ông Minh, trong năm 2018 này, chúng tôi đang và sẽ điều hành, quản lý ngân hàng minh bạch, từng bước áp dụng các chuẩn mực Basel II; giải quyết dứt điểm sở hữu chéo, đa dạng hoá cơ cấu cổ đông; tiết giảm chi phí hợp lý, sao cho có lợi nhất cho cổ đông...
Được biết, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank đầu năm 2017 là 6,68% tổng dư nợ, hiện đã giảm xuống còn 4,28% và dự kiến sẽ giảm về 3% trong năm 2018. Đặc biệt, năm 2018, Sacombank cũng đặt mục tiêu sẽ xử lý được giá trị nợ xấu ít nhất tương đương với số nợ đã xử lý trong năm 2017.
Về “sức khỏe” tài chính của Sacombank, kết thúc năm 2017, tổng tài sản của nhà băng này đạt hơn 364.000 tỷ đồng, tăng 10,6% so với đầu năm; tổng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt gần 323.000 tỷ đồng, tăng 11,4%; dư nợ tín dụng hơn 219.000 tỷ đồng, tăng 12,6%.
Đáng chú ý, tỷ suất sinh lời của Sacombank dần được cải thiện với tổng thu nhập đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước, tạo nguồn lực tài chính để xử lý các tồn đọng. Thu dịch vụ năm 2017 của Sacombank tăng trưởng khá tốt, đạt 2.395 tỷ đồng, trong đó thu dịch vụ truyền thống tăng 29,6% so với năm trước.
Theo Quốc Hải/Dân Việt