Hình thành vùng chuyên canh trồng riềng đỏ
Ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch UBND xã cho biết, Công Liêm thuộc vùng 3 của huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa), là xã thuần nông, có lợi thế đất đai vùng đồi. Toàn xã có hơn 1.200ha đất nông nghiệp trên tổng gần 1.600ha đất tự nhiên. Những năm trước kia, bà con địa phương chủ yếu trồng lúa, mía, sắn, nhưng năng suất, sản lượng, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích thấp.
Do thu nhập thấp từ trồng lúa nên lãnh đạo địa phương và bà con nông dân vẫn cứ loay hoay với bài toán tăng thu nhập mà chưa có lối ra.
Cách đây khoảng 8 năm, một số hộ dân trong xã đã trồng thử nghiệm cây riềng đỏ trên đất bazan và nhận thấy cây sinh trưởng tốt, cho nhiều củ, dễ tiêu thụ.
Nhận thấy đây là loại cây dễ trồng, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội nên chính quyền xã đã xúc tiến, vận động các hộ dân có đất đồi trồng mía, sắn và một số cây trồng khác kém hiệu quả chuyển sang trồng riềng đỏ.
|
Cây riềng trồng ở thôn Cự Phú, xã Công Liêm (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) có màu đỏ, vị thơm và cay hơn so với các nơi khác. Ảnh: Hữu Dụng. |
Dần dà đến nay, xã Công Liêm đã hình thành được vùng trồng cây riềng chuyên canh với tổng diện tích hơn 85ha, thu hút khoảng 80 hộ gia đình tham gia sản xuất.
Cũng từ trồng riềng, nhiều hộ dân nơi đây đã có nguồn thu nhập ổn định và trở nên khá - giàu, đời sống ngày càng phát triển.
Hiện nay, riềng đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Đặc biệt, các thôn Cự Phú, Hậu Sơn và Đoài Đạo là những nơi có nhiều hộ trồng riềng nhất.
Gia đình ông Nguyễn Văn Luật (thôn Cự Phú) là một trong những hộ trồng riềng lớn nhất xã với diện tích trên 3,5ha.
Theo ông Luật, trồng cây riềng không khó, bởi đây là loại cây thích nghi rộng, rất phù hợp với loại đất đỏ bazan và cũng phù hợp với nhiều loại đất khác, có thể chịu được hạn và ngập úng.
So với các loại cây trồng khác thì riềng là cây dễ chăm sóc, có thời gian sinh trưởng nhanh, năng suất cao.
Đặc biệt, cây riêng có thể cho khai thác củ quanh năm và lưu gốc. Từ trồng riềng, mỗi năm, gia đình ông Luật thu về 2,5 - 2,7 tỷ đồng, trừ chi phí còn lợi nhuận trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, gia đình ông còn tạo thêm việc làm thường xuyên cho 5-7 lao động với thù lao 400.000 đồng/ngày/người.
Trao đổi với phóng viên, ông Luật phấn chấn nói: "7-8 năm nay gia đình tôi chỉ toàn tâm, toàn ý với cây riềng mà không làm bất cứ việc gì khác".
Anh Nguyễn Đình Lực (xóm 4, thôn Phú Sơn) chia sẻ: "Gia đình tôi trồng được hơn 2 ha riềng. Năm nay, riềng bán được giá, khách miền Nam ra mua nhiều, tuy nhiên do nhiều hộ chưa đến ngày thu hoạch nên không có riềng để bán. Riềng bán chạy, được giá nên người dân chúng tôi phấn khởi lắm".
Trăn trở khâu liên kết tiêu thụ, chế biến
Trò chuyện với chúng tôi, ông Mạch Văn Sơn - Giám đốc HTX dịch Nông nghiệp Công Liêm cho biết, riềng là cây trồng gắn bó với địa bàn xã Công Liêm gần chục năm nay.
|
Thu hoạch riềng tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Luật (xã Công Liêm, huyện Nông Cống, Thanh Hóa). |
So với những cây mía, cây sắn trồng trước đây thì trồng riềng mang lại hiệu quả kinh tế cao vượt trội hơn nhiều.
Giống riềng được trồng là giống riềng đỏ, thời gian trồng vào vụ xuân, từ tháng Giêng đến tháng tư hàng năm.
Cây riềng được thu hoạch lấy củ quanh năm, nhưng càng để lâu thì củ càng thơm, bán sẽ được giá hơn. Tính từ khi trồng đến khi thu hoạch là từ 16 tháng trở lên là tốt nhất.
Riềng thu hoạch xong được thương lái đến tận nhà thu mua, tiêu thụ chủ yếu vào các tỉnh phía Nam. Củ riềng dùng làm gia vị, tạo mùi thơm cho các món ăn. Trong đông y, củ riềng còn là dược liệu dùng để chữa nhiều loại bệnh.
Chi phí đầu tư của 1ha riềng khoảng 160 triệu đồng, bao gồm: Công làm đất, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thuê người trồng, thuê người gọt sạch riềng khi bán...
Với diện tích 85,2ha, năng suất bình quân đạt 60 tấn/ha, sản lượng hàng năm đạt 5.112 tấn, giá bán khoảng 12 triệu đồng/tấn, cây riềng đem về cho người dân xã Công Liêm hơn 40 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, ông Mạch Văn Sơn cũng cho biết, điều trăn trở nhất hiện nay của địa phương là chưa có doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm củ riềng.
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông nội vùng sản xuất chưa được đầu tư nâng cấp, vì vậy việc sản xuất, vận chuyển thu hoạch và bán sản phẩm của bà con cũng còn gặp khó khăn.
Đáng chú ý, mới đây, trên một số đồi riềng xuất hiện bệnh thối củ, địa phương đã báo cáo và đang được cán bộ Phòng NNPTNT huyện về kiểm tra, xử lý, song chưa có kết quả.
Theo Trần Đức Năng/ Báo Dân Việt