Người Hàn tích cóp 15 năm mới dám mơ mua nhà ở Seoul

Google News

Trong khi dòng di cư ngược từ thành phố về nông thôn phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, giấc mơ lớn nhất của nhiều người trẻ Hàn Quốc vẫn là căn hộ 3 phòng ngủ ở trung tâm Seoul.

Zing.vn trích dịch bài viết trên Korea Times, Korea Bizwire và City Lab đề cập đến việc giới trẻ Hàn Quốc mong muốn sở hữu căn hộ chung cư và sinh sống lâu dài tại Seoul. Với giá nhà hiện tại, theo ước tính, một người có thu nhập trung bình sẽ phải tiết kiệm ít nhất 15 năm để thực hiện mơ ước này.

Jun Myung-jin từng nghĩ rằng mình có thể nhìn thấu tương lai Hàn Quốc, ít nhất là trong vấn đề nhà ở.
Tốt nghiệp đại học tại Mỹ, Jun hiện là giáo sư nghiên cứu đô thị tại ĐH Chung-Ang ở Seoul. Trong suốt những năm sống tại Los Angeles, anh đã chứng kiến dòng người từ các thành phố lớn di tản về các vùng ngoại ô để tìm kiếm cuộc sống yên bình.
Điều này rất khác với Hàn Quốc, nơi người trẻ tràn lên Seoul ở thời điểm đó để sống trong những căn hộ cạnh nhà máy, văn phòng, khu chợ…
Tuy nhiên, Jun tin chắc với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, người Hàn chẳng sớm thì muộn sẽ sử dụng tiền tiết kiệm của mình để rời khỏi thủ đô ồn ào, đông đúc.
Điều này sẽ khiến giá trị của vùng ngoại ô tăng lên. Jun cho rằng xứ củ sâm sẽ không thể đứng ngoài xu hướng đã xảy ra ở Mỹ, Canada, Nhật Bản…
Vì vậy, vừa trở về Hàn Quốc vào giữa những năm 1990, anh đã mua một căn hộ ở Osan, vùng ngoại ô nằm ở phía nam Seoul. Khi thấy đồng nghiệp đổ xô mua nhà ở Seoul, Jun nghĩ họ thật dại dột.
Nguoi Han tich cop 15 nam moi dam mo mua nha o Seoul
Giới trẻ Hàn Quốc tập trung về Seoul để tìm kiếm cơ hội học tập, làm việc. Ảnh: Reuters. 
Thế nhưng, hai thập niên trôi qua, giáo sư nghiên cứu đô thị nhận ra mình đã sai hoàn toàn. Trong khi giá trị căn hộ của đồng nghiệp không ngừng tăng, giá nhà ở Osan vẫn chỉ giậm chân tại chỗ.
“Đất nước chúng tôi hoàn toàn khác. Đồng nghiệp của tôi đang giàu lên nhanh chóng. Mua nhà ở vùng ngoại ô Hàn Quốc là một tính toán sai lầm”.
Giống các thành phố lớn trên thế giới, Seoul không phải là nơi có điều kiện sống quá lý tưởng vì ô nhiễm và giá nhà cao. Nhưng bất chấp những khó khăn này, giấc mơ của giới trẻ Hàn Quốc trong nhiều năm qua vẫn chỉ là một căn hộ 3 phòng ngủ ở trung tâm đô thị 10 triệu dân này.
Seoul và phần còn lại của Hàn Quốc
Vài năm trước, Choi Tae-young chuyển đến Cheongna, khu vực phía tây bắc Hàn Quốc, tiếp giáp với Seoul khi vợ anh chuyển về làm y tá tại bệnh viện ở đây.
Giá thuê nhà ở Cheongna chỉ bằng 1/10 giá nhà ở Seoul, không khí trong lành hơn, nhiều cây xanh và công viên nhưng thời gian đầu cặp vợ chồng vẫn cảm thấy không ổn.
Ở Seoul, việc di chuyển trở nên đơn giản, thuận tiện khi mạng lưới tàu điện ngầm “chân rết” đã phủ sóng mọi ngóc ngách. Còn tại Cheongna, Choi bắt đầu mỗi ngày bằng việc chờ xe buýt 30 phút cạnh đường cao tốc.
Không chỉ khó khăn trong việc đi lại, Choi nói rằng Seoul và tất cả những tỉnh thành còn lại của đất nước dường như là hai thế giới hoàn toàn khác nhau.
Seoul là trung tâm của Hàn Quốc. Thủ đô có gần 10 triệu dân (năm 2017), chiếm 1/5 dân số cả nước. Đây là nơi tập trung các trường đại học, công ty, cơ hội việc làm…, hội tụ mọi thứ tốt nhất từ giáo dục, văn hóa, công nghệ cho đến thời trang, ẩm thực…
Chính vì vậy, mọi người, đặc biệt là giới trẻ từ khắp nơi đều đổ về Seoul.
Theo Thống kê Hàn Quốc, thu nhập trung bình hàng tháng của các hộ gia đình dưới 39 tuổi ở mức 3,6 triệu won (3.000 USD) trong quý hai năm 2018. Trong khi đó, một căn hộ nằm trong nhóm giá trung bình ở Seoul, tính đến tháng 6, là 664 triệu won (550.000 USD), theo Hội đồng thẩm định.
Điều này có nghĩa là những người trẻ ở độ tuổi 20 và 30 sẽ phải tiết kiệm toàn bộ thu nhập khả dụng (số tiền còn lại sau khi khấu trừ thuế và phí an sinh xã hội) trong ít nhất 15,3 năm nếu muốn mua một căn hộ bậc trung ở Seoul.
Thống kê cũng cho thấy thời gian để mỗi người tiết kiệm tiền mua nhà riêng ngày càng dài hơn qua từng năm. Năm 2014, các chuyên gia ước tính rằng các cặp vợ chồng trẻ sẽ mất 10 năm để mua nhà riêng. Năm 2015, thời gian được kéo dài đến 12,3 năm.
“Phát cuồng” căn hộ chung cư
Theo Chosun, Hàn Quốc có lẽ là đất nước ưa chuộng chung cư nhất trên thế giới. Thị phần nhà chung cư trong thị trường nhà Hàn Quốc tăng từ 13,5% trong năm 1985 lên 37,5% năm 1995, và đạt mức 53% năm 2005.
Năm 1979, căn hộ riêng vẫn nhiều hơn nhà chung cư nhưng năm 2017, chỉ 30.000 căn nhà riêng được xây so với hơn 400.000 căn hộ chung cư.
Trong khi đó, Nhật Bản với các điều kiện địa lý tương tự Hàn Quốc, số căn hộ chung cư chỉ chiếm 20% thị trường nhà ở.
Valérie Gelézeau, phó giáo sư địa lý ở Đại học Marne la Vallée (Pháp) ngạc nhiên và không hiểu tại sao tầng lớp trung lưu, thượng lưu Hàn Quốc lại thích nhà chung cư đến vậy.
Tại Pháp, nhà chung cư là biểu tượng của nghèo đói và chỉ dành cho người nhập cư và thu nhập thấp. Điều này khá giống với Hàn Quốc vào những năm 60, 70 thế kỷ trước khi căn hộ chung cư là nhà giá rẻ phục vụ người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, hiện tại, chung cư đã chiếm lĩnh thị trường nhà ở cho các gia đình trung và thượng lưu. Nhà chung cư ở Hàn Quốc không chỉ phổ biến ở Seoul mà còn phát triển ở vùng ngoại ô, các tỉnh lân cận.
Một trong những lý do khiến người Hàn thích mua căn hộ chung cư là vì họ xem đây là cách đầu tư hiệu quả. Nhiều người liên tục mua và bán nhà để kiếm lời từ chênh lệch giá. 19% nhà chung cư được bán ở Hàn Quốc trong năm 2006 so với 5% ở các nước phát triển.
Park Jae-ryong, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Samsung cho biết: "Nhà chung cư có những thuận lợi như chi phí bảo quản ít, nhiều tiện nghi thuận lợi hơn nhà riêng. Đó là lý do khiến những gia đình thượng lưu thích ở chung cư".
Choi Tae-young đã mua xe hơi. Mỗi ngày anh mất 2,5 tiếng để di chuyển qua lại giữa nhà riêng ở Cheongna và nơi làm việc ở Seoul.
Choi nói đường sá và các phương tiện giao thông công cộng tại khu vực mình sinh sống đã khá hơn trong những năm gần đây. Thế nhưng, việc lái xe hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày rất mệt mỏi và nguy hiểm.
Giống nhiều người trẻ khác đang sống ở vùng ngoại ô, Choi vẫn nuôi mộng một ngày sẽ trở về Seoul sinh sống. Không chỉ cho mình và vợ, anh nói điều này còn vì tương lai của con cái.
Theo Lê Vy/Zing