Như báo Tri thức và Cuộc sống đã thông tin, những tháng đầu năm 2023, một số cơ quan báo chí đã phản ánh, nhiều người dân có đơn tố giác gửi cơ quan quản lý, giám sát bảo hiểm về việc giới thiệu, tư vấn mua bảo hiểm của nhân viên SCB - đại lý của Công ty TNHH Manulife Việt Nam. Đơn thư nêu tình trạng đại lý bảo hiểm có hành vi lừa đảo, giả mạo để ký hợp đồng bảo hiểm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử cá nhân, tập thể lừa đảo; buộc SCB và Manulife giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm.
Đơn cử, vào đầu tháng 4/2023, diễn viên Ngọc Lan đã livestream phản ánh trên mạng xã hội về những bức xúc khi 3 năm trước mua bảo hiểm của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Aviva Việt Nam (nay đã bán cho Tập đoàn tài chính Manulife và đổi tên thành Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MVI - MVI Life) cho mình và con trai, tổng mức phí 700 triệu đồng/năm. Do tin tưởng người tư vấn nên cô đã ký hợp đồng và nghĩ rằng sau 10 năm sẽ nhận cả gốc và lãi là 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, gần đây cô mới biết hợp đồng của mình có thời hạn lên đến 74 năm và của con trai là 42 năm.
Hay, nghệ sĩ Kim Tử Long cũng thông tin trên báo chí cho biết, năm 2018 mua bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential cho con trai với mức giá hơn 40 triệu đồng mỗi năm. Sau 3 năm đóng tiền và dừng đóng, đến năm thứ 5 nghệ sĩ mới phát hiện ra hợp đồng đã bị hủy, mất trắng số tiền đã đóng.
Thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm
Liên quan đến loạt lùm xùm đối với kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, đầu tháng 1/2024, Bộ Tài chính hoàn thành thanh tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm. Thông tin trên báo chí, một lãnh đạo Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, đã hoàn thành kết luận thanh tra 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Những vi phạm của doanh nghiệp bảo hiểm này tương tự 4 doanh nghiệp đã công bố trước đây.
“Sau khi thanh tra, đơn vị thanh tra sẽ hoàn thiện kết luận, trình Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ Tài chính và gửi lại doanh nghiệp bảo hiểm để trao đổi - giải trình trước khi công bố theo quy định”, lãnh đạo Cục Quản lý bảo hiểm cho biết.
Đối với kế hoạch thanh tra năm 2024, Cục Giám sát, quản lý bảo hiểm cho biết, cuối tháng 11/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch thanh tra 6 doanh nghiệp, trong đó có 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
|
Nhìn lại lùm xùm ngành bảo hiểm khiến Bộ Tài chính thanh tra toàn diện (ảnh minh họa: Internet). |
Ở diễn biến liên quan, trước đó, vào cuối tháng 6/2023, Bộ Tài chính đã công bố kết luận thanh tra việc thực hiện quy định pháp luật về bảo hiểm tại 4 công ty bảo hiểm nhân thọ, gồm Prudential, Sun Life, BIDV Metlife, MB Ageas.
Một số hành vi vi phạm điển hình được Bộ Tài chính chỉ ra gồm: Không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng iPad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin và không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn.
Chính thức cấm ngân hàng bán bảo hiểm “bia kèm lạc”
Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội biểu quyết thông ngày 18/1/2024 đã bổ sung thêm việc bán bảo hiểm gắn với cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng vào hành vi bị cấm.
Cụ thể, dự thảo Luật đã bổ sung thêm khoản 4, Điều 15 như sau: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”.
Trước đó, nêu ý kiến góp ý tại phiên thảo luận về dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) ngày 15/1/2024, nhiều đại biểu lo ngại các quy định trong dự thảo thời điểm đó sẽ không ngăn chặn được tình trạng ngân hàng ép khách mua bảo hiểm.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho rằng, mức hoa hồng chiết khấu cao cho đại lý bảo hiểm nhân thọ là nguyên nhân khiến tình trạng ép khách vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ diễn ra tại nhiều ngân hàng thương mại. Rất nhiều con số cho thấy, các ngân hàng được lợi lớn nhờ bán chéo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng nhấn mạnh hệ lụy và nỗi đau dai dẳng của việc các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm thời gian qua. Đồng thời, ủng hộ quan điểm là không cho phép các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm…
Theo các đại biểu, ngân hàng và công ty bảo hiểm liên kết với nhau để bán bảo hiểm, hưởng lợi nhuận cao, song khi khách hàng muốn đòi quyền lợi thì phía bán bảo hiểm lại gây khó dễ. Muốn nhận được tiền bảo hiểm, người dân rất vất vả, thậm chí có người còn bỏ luôn quyền lợi vì hành trình đi đòi tiền quá cực khổ. Chính vì vậy, các đại biểu cho rằng cần có quy định cụ thể hơn về bảo vệ quyền lợi khách hàng. Đồng thời, xử lý đối với các hành vi vi phạm của nhân viên các tổ chức tín dụng như việc tư vấn không đầy đủ và gây nhầm lẫn, hoặc bắt mua bảo hiểm gắn với khoản vay…
Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng không được gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng. Ngoài ra việc chào bán, giải thích điều khoản, điều kiện của sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng mua bảo hiểm của ngân hàng cũng phải tuân thủ quy định pháp luật, nhằm giúp khách hàng hiểu đúng và đủ quyền và lợi ích của mình cũng như các điều kiện, điều khoản thanh toán của bảo hiểm.
Ngày 02/11/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 67/2023/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó, hoàn thiện hơn các quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm. Cụ thể, Thông tư số 67/2023/TT-BTC yêu cầu phải ghi âm quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm phải cung cấp tài liệu tóm tắt về sản phẩm, hỗ trợ bên mua hiểu thông tin trong hợp đồng.
Ngoài ra, để bảo vệ quyền chủ động tham gia của khách hàng, Thông tư số 67/2023/TT-BTC bổ sung quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước 60 ngày và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.
Liên Hà Thái (t/h)