Choáng với giá đấu giá đất Thủ Thiêm
Năm 2021, thị trường bất động sản cả nước không khỏi xôn xao trước việc TP.HCM bán đấu giá thành công 4 lô đất có vị trí đắc địa tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Sau 4 phiên đấu giá kịch tính, 4 lô đất đã có chủ với mức trúng đấu giá đều cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm.
Tâm điểm là thương vụ là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá lô đất 3 - 12 (10.060m2) tại khu đô thị mới Thủ Thiêm với giá 24.500 tỷ đồng (hơn 7 lần giá khởi điểm). Tính ra, mỗi mét vuông của lô đất này doanh nghiệp trả giá 2,4 tỷ đồng.
|
4 lô đất đấu giá nằm ở vị trí đắc địa trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh: Tiền Phong). |
Đến ngày 8/1/2022, Cục Thuế TP.HCM ra thông báo nộp tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ cho 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tổng số tiền sử dụng đất là 37.364 tỷ đồng và 1,5 tỷ đồng lệ phí trước bạ.
Theo đó, Công ty CP Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3 - 5 đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ đối với diện tích thực hiện chức năng thương mại dịch vụ. Lô đất 3 - 5 có diện tích 6.446m2.
Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3 - 8 (diện tích 8.568,1m2) đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, được miễn nộp lệ phí trước bạ theo hướng dẫn về lệ phí trước bạ đối với diện tích đất ở.
Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Thương mại Bình Minh trúng đấu giá lô đất 3 - 9 (diện tích 5.009,1m2) đóng 5.026 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ cho diện tích thực hiện chức năng thương mại dịch vụ.
Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt trúng đấu giá lô đất số 3 - 12 (diện tích 10.059,7m2) đóng 24.500 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng cho diện tích sử dụng thương mại dịch vụ.
Liên quan đên sự việc, ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cho biết sau khi trúng đấu giá với mức cao như trên, các lãnh đạo Tập đoàn đã thay đổi toàn bộ kế hoạch đầu tư, kinh doanh và tài chính của Tập đoàn, cân đối đầy đủ tài chính để đảm bảo đóng tiền theo đúng tiến độ và quy định trong hợp đồng đã ký với Trung tâm phát triển quỹ đất và Trung tâm đấu giá của TP.HCM. Đồng thời đã lên phương án thiết kế, đầu tư, kinh doanh mới phù hợp nhất để có hiệu quả, mặc dù lợi nhuận theo tính toán là khá thấp không đúng như kỳ vọng ban đầu.
Tuy nhiên, sau khi lắng nghe rất nhiều dư luận xã hội theo chiều hướng khác nhau và thấy rằng kết quả trúng đấu giá ở mức cao như vậy là có thể dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt; đặc biệt là sau khi tiếp thu ý kiến nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Tập đoàn nghiêm túc kiểm điểm và nhận thấy rằng việc trúng đấu giá với kết quả trên sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và kinh tế nói chung.
“Chúng tôi xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, điều này đã được nêu trong quy định đấu giá và hợp đồng đã được ký kết ba bên giữa tôi với Trung tâm phát triển quỹ đất TP.HCM và Trung tâm đấu giá của TP.HCM và chấp nhận chịu mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định của pháp luật về việc đấu giá tài sản công”, ông Dũng viết trong tâm thư.
5.671 nạn nhân bị Địa ốc Alibaba lừa đảo
Hồi giữa tháng 11/2021, Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung lần 3, đề nghị truy tố Nguyễn Thái Luyện - Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Alibaba, em ruột Nguyễn Thái Lĩnh cùng 21 đồng phạm về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “rửa tiền”.
|
Ba anh em Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực (từ trái sang). |
Kết luận điều tra bổ sung lần 3 được hoàn tất khi có thêm 1.600 nạn nhân đến trình báo. Như vậy, tính đến nay, đã có 5.671 nạn nhân bị Địa ốc Alibaba lừa đảo chiếm đoạt với tổng số tiền lên đến 2.435 tỷ đồng.
Trước đó, vụ án Công ty CP Địa ốc Alibaba đã gây chấn động thị trường bất động sản phía Nam. Bởi Alibaba đã “vẽ” 58 dự án ma, không đáp ứng điều kiện pháp lý tối thiểu nhưng vẫn ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và trả lãi suất để chiếm đoạt tiền của nhiều người.
Quy hoạch sân bay, giá đất Bình Phước và Bình Thuận đẩy cao
Cuối tháng 2/2021, tại các xã của huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) xuất hiện rầm rộ cảnh tượng giới đầu tư khắp nơi đổ về đây giao dịch đất đai khi có thông tin sẽ có quy hoạch sân bay lưỡng dụng trên cơ sở mở rộng sân bay quân sự Técníc Hớn Quản.
Trong đó, giao dịch diễn ra “nóng” nhất là ở hai xã An Khương và xã Tân Lợi của huyện Hớn Quản, giá đất nông nghiệp tại đây liên tục được đẩy lên cao, nhà đầu tư sang tay trong ngày lãi từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng. Đất trồng cao su cũng được hét lên tới 2 tỷ đồng/sào (1.000m2). Tuy nhiên, chính quyền địa phương ngay sau đó đã phát cảnh cáo.
|
Tại khu vực xã An Khương nhộn nhịp các giới đầu cơ đến hỏi mua đất sau khi có thông tin quy hoạch làm sân bay (Ảnh: Tuổi Trẻ Thủ Đô). |
Chưa đầy 1 tháng sau, xã Thiện Nghiệp (TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) cũng nhanh chóng “sốt đất”. Từng tốp xe ô tô chở nhà đầu tư đổ về đây săn đất khi có thông tin dự án sân bay Phan Thiết sắp khởi công.
Dự án sân bay quân sự kết hợp dân dụng được quy hoạch rộng 543ha tại xã Thiện Nghiệp, TP.Phan Thiết. Dự kiến khởi công đầu năm 2015 và hoàn thành năm 2018 nhưng đến nay dự án vẫn án binh bất động.
TP.Thủ Đức thành lập, giá đất tăng vọt
Tại thời điểm đầu năm 2021, sự kiện thành lập TP.Thủ Đức (TP.HCM) được xem là động lực cho sự phát triển kinh tế ở địa phương. Đi cùng với đó, giá nhà đất tại nơi này lập tức tăng phi mã.
|
Ảnh minh họa. |
Giá nhà đất tại đây ghi nhận mức tăng 20% - 40%. Trong đó, tại phường Trường Thọ, nơi quy hoạch trung tâm TP.Thủ Đức, giá đất mặt tiền lập đỉnh 120 triệu đồng/m2.
Các khu vực khác tăng dao động từ 30 triệu đồng/m2- 60 triệu đồng/m2. Tại quận 2, nhiều khu vực có giá đất tăng mạnh so với năm 2020, lập đỉnh mới 140 triệu đồng/m2.
Bên cạnh đó, phân khúc căn hộ chung cư ở TP.Thủ Đức cũng có mức tăng khá nhanh, dao động 10 triệu đồng – 15 triệu đồng/m2. Hiện giá căn hộ chung cư tại đây không dưới 40 triệu đồng/m2.
Hơn 37.000 căn hộ ở TP.HCM sắp được cấp sổ hồng
Để đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng cho người dân, TP.HCM chia ra 2 trường hợp giải quyết. Cụ thể, với các dự án có phát sinh nghĩa vụ tài chính bổ sung, Sở Tài nguyên và Môi trường phải chủ động phối hợp rà soát để giải quyết. Còn với dự án có vi phạm xây dựng, Sở Xây dựng được giao phối hợp xử lý dứt điểm để cấp sổ hồng.
Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, mục tiêu từ nay đến tháng 12/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cùng các sở, ngành và chủ đầu tư dự án giải quyết cấp giấy chứng nhận cho 37.421 căn nhà đã đủ điều kiện.
Đồng thời, tháo gỡ những dự án còn vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận cho người mua, cụ thể như: Những dự án có vi phạm xây dựng; những dự án phải rà soát, xác định nộp nghĩa vụ tài chính bổ sung do dự án có thay đổi các chỉ tiêu quy hoạch... và vướng mắc cấp giấy chứng nhận cho loại hình bất động sản mới (shophouse, Officetel).
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đã đề xuất các giải pháp giúp tăng thu ngân sách nhà nước, vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Trong đó, nhấn mạnh việc tháo gỡ ngay “ách tắc, vướng mắc” về tính tiền sử dụng đất và cấp “sổ đỏ” cho các dự án.
Theo HoREA, việc chưa xác định tiền sử dụng đất dự án vừa làm giảm nguồn thu ngân sách thành phố; vừa gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người mua nhà vì không được cấp “sổ đỏ” để đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người mua nhà. Nếu khẩn trương giải quyết hồ sơ nộp tiền sử dụng đất của hàng chục dự án nhà ở thương mại thì ngân sách nhà nước của thành phố sẽ có thể thu được hàng nghìn tỷ đồng.
Khánh Hoài (T/H)