Loạt tướng ra đi vì đấu đá căng thẳng
Hội đồng quản trị của Công ty CP Xây dựng Coteccons (CTD) vừa công bố nghị quyết thông qua đơn từ nhiệm của ông Từ Đại Phúc - Phó Tổng giám đốc kể từ ngày 12/10/2020.
|
Ông Từ Đại Phúc - Phó Tổng giám đốc Coteccons vừa từ nhiệm sau 18 năm công tác tại doanh nghiệp này. |
Đáng chú ý, ông Từ Đại Phúc không phải tướng đầu tiên rời khỏi Coteccons sau 18 năm công tác, từ tháng 8 tới nay, nhân sự cấp cao của Coteccons liên tục biến động khi ông Nguyễn Bá Dương và dàn lãnh đạo cũ dưới thời ông lần lượt rời đi như: Ông Nguyễn Sỹ Công - Tổng giám đốc, ông Trần Quang Quân - Phó Tổng giám đốc, ông Trần Văn Chính - Phó Tổng giám đốc, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Thành viên Hội đồng quản trị.
Sau khi ông Từ Đại Phúc rời đi, ban giám đốc của Coteccons chỉ còn có ông Võ Thanh Liêm - Quyền Tổng giám đốc, người đã có 19 năm gắn bó với Coteccons, cùng với đó là hai Phó Tổng giám đốc ông Phạm Quân Lực, Trần Trí Gia Nguyễn. Trong đó, ông Lực và ông Gia Nguyễn vừa được bổ nhiệm giữa tháng 10/2020.
|
Ban Điều hành Coteccons vào năm 2016. Từ trái sang phải lần lượt là các ông Trần Văn Chính, Từ Đại Phúc, Nguyễn Bá Dương, Trần Quang Quân, Trần Quang Tuấn, Phan Văn Vĩnh. Thời điểm này, ông Dương vẫn là Tổng Giám đốc Coteccons, còn lại là các Phó Tổng Giám đốc. Tất cả những tướng này đều đã từ nhiệm khỏi Coteccons. |
Lợi nhuận Coteccons giảm sâu
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 của Coteccons cho thấy, doanh thu thuần giảm 55%, lợi nhuận sau thuế giảm 46%, lần lượt đạt 2.776 tỷ đồng và 88,7 tỷ đồng. Lợi nhuận quý này Coteccons cũng thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay.
Đây là quý đầu tiên sau 5 năm quý tăng liên tiếp, biên lợi nhuận gộp của Coteccons giảm từ 6,13% về 6,05%.
Coteccons giải trình rằng, do chịu tác động của dịch bệnh, nhiều dự án giãn tiến độ xây dựng dẫn đến doanh thu giảm. Đồng thời, Công ty có khoản giảm trừ doanh thu 31 tỷ đồng của công trình đã quyết toán, dẫn đến lợi nhuận gộp giảm.
|
Lợi nhuận của Coteccons giảm sâu. (Ảnh minh họa). |
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, Coteccons đạt 10.301 tỷ đồng doanh thu thuần, 369 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm lần lượt 37% và 23% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, sau 9 tháng đầu năm 2020, Coteccons đã thực hiện được 64% kế hoạch doanh thu và 61% mục tiêu lợi nhuận cả năm. EPS 4 quý gần nhất đạt gần 8.000 đồng.
Tính đến thời điểm ngày 30/6, tổng tài sản của Coteccons đạt 14.056 tỷ đồng, giảm 13% cùng kỳ. Trong đó, Công ty có 3.557 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, bao gồm tiền, tương đương tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Hàng tồn kho giảm 1% so với đầu kỳ, còn 1.458 tỷ đồng.
Lối thoát nào cho Coteccons?
Dưới thời của ông Nguyễn Bá Dương, Coteccons từ một doanh nghiệp non trẻ nhanh chóng phát triển và bùng nổ, vượt mặt cả những đàn anh như Hòa Bình, Fecon, UDIC, Vina Conex… để trở thành doanh nghiệp đứng đầu trong ngành xây dựng Việt Nam.
Năm 2002, Coteccons đã được giao cho công trình lớn đầu tiên ở Phú Mỹ Hưng, quận 7. Chủ đầu tư sẵn sàng ứng 15% vốn, ngân hàng cho vay 10 tỷ đồng không cần thế chấp. Đến năm 2004, tên tuổi của Coteccons càng được biết đến khi doanh nghiệp này được Bitexco giao làm dự án The Manor trên vùng đầm lầy ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh.
Giai đoạn từ 2013-2017, có thể nói là giai đoạn hoàng kim của Coteccons, khi doanh nghiệp ghi nhận đà tăng trưởng nhanh, từ trên 4.000 tỷ đồng giai đoạn 2011-2012 lên tới hơn 27.000 tỷ đồng vào năm 2017, gấp 6 lần sau 5 năm. Tăng trưởng doanh thu trung bình của Coteccons giai đoạn 2013-2017 cũng lên tới 45%/năm. Cùng với đó, tăng trưởng lợi nhuận bình quân năm giai đoạn này là 54%/năm.
Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của Coteccons bắt đầu suy giảm từ năm 2018 khi doanh thu chỉ tăng 5% và lợi nhuận giảm 9%. Số liệu càng xấu hơn trong năm 2019 khi doanh thu sụt giảm 17% còn lợi nhuận giảm tới 53% về mức thấp nhất 5 năm.
Cùng với đó là mâu thuẫn nội bộ ở Coteccons xuất hiện giữa nhóm cổ đông ngoại đại diện là Kusto Group với ban lãnh đạo Coteccons. Thậm chí, ngay trước thềm Đại hội, nhóm cổ đông ngoại này nhiều lần đưa ra các cáo buộc về xung đột lợi ích của Coteccons với các Công ty liên quan, trong đó có Ricons.
Các chuyên gia cho rằng, mâu thuẫn nội bộ của Coteccons kéo dài do quản trị doanh nghiệp không được đảm bảo chính là nguyên nhân dẫn tới kết quả kinh doanh, giá cổ phiếu CTD liên tục sụt giảm trong thời gian qua. Để tình hình kinh doanh của Coteccons vực dậy có lẽ doanh nghiệp này cần nhanh chóng kiện toàn bộ máy nhân sự, ổn định “người nhà”, đồng thời đưa ra những chiến lược mới trong hoạt động kinh doanh?
Khánh Hoài (tổng hợp)