Ảo thuật gia "mê chim"
Những chú chim công đực xòe đuôi khoe sắc, biểu diễn là hình ảnh đầu tiên kích thích thị giác khi chúng tôi đến trang trại nuôi chim công của anh Vũ Tiến Đạt.
Anh Đạt cho biết, thời gian gần đây, thời tiết ở Lâm Đồng có mưa liên tục nên chúng ít ra ngoài, nhưng khi trời nắng thì chim công đực sẽ ra ngoài tắm nắng, khoe bộ lông sặc sỡ của mình.
Chàng trai sinh năm 1992 cho biết, anh là một ảo thuật gia, thường xuyên phải đi lưu diễn ở các địa phương khác, thậm chí phải đi nước ngoài. Đây cũng chính là cơ duyên của anh đối với chim công.
"Trước đây tôi hay đi lưu diễn nước ngoài như ở Hàn Quốc, Nhật Bản và các tỉnh trong nước thì thấy người ta nuôi chim công đẹp quá nên khi về Việt Nam tôi đã tìm hiểu về mô hình đó. Lúc đó Việt Nam ít người nuôi, giá chim công giống cao...", anh Đạt chia sẻ.
"Năm 2018, tôi chấp nhận giá cao để mua 4 con chim công từ Hưng Yên đưa về Bảo Lộc nuôi. Sau đó, tôi đến Chi cục Kiểm lâm TP. Bảo Lộc để đăng ký nuôi theo quy định.
|
Chim giống được bán ra thị trường hơn 3 triệu đồng/cặp. |
Đến nay, từ 4 con chim giống tôi đã nhân đàn lên gần 400 con chim công từ 9 tháng tuổi trở lên, trong đó có 70 con chim bố mẹ", anh Đạt chia sẻ thêm.
Anh Đạt cũng cho biết, thời gian đầu, anh gặp nhiều khó khăn khi nuôi 4 con chim công. Trên thị trường không có một loại thuốc riêng biệt nào cho loài chim công, chính vì vậy, anh phải thử nghiệm các loại thuốc trên gia cầm cho công. Thậm chí, anh Đạt phải dùng cả thuốc kháng sinh trên người cho chim công.
Đến năm 2020 thì anh Đạt đã thành công khi sử dụng thuốc dành cho người cho đàn chim công của mình. Vì vậy, đàn chim công của anh Đạt đã phát triển ổn định, ít bị bệnh và chết.
Bán hơn 3 triệu đồng mỗi cặp chim công giống
Chia sẻ với phóng viên, anh Đạt cho hay, chim công là loài chim sinh sản chậm, mỗi năm một con công cái chỉ đẻ khoảng 30 quả trứng. Vì nuôi tập trung nên anh Đạt phải thường xuyên giao lưu, trao đổi công đực với các trại nuôi chim công khác. Điều này giúp cho chim công giống được khỏe và không bị trùng huyết.
Ôm một con chim công đực trên tay, ông Đạt cho biết: "Để chim công sinh sản ổn định, tôi cũng phải canh thời gian để cho chúng giao phối, đảm bảo chất lượng trứng. Chim công đực chúng rụng lông từ tháng 4 đến tháng 5. Vào thời gian này, chúng không giao phối nên dù công cái có đẻ cũng không có phôi.
Vì vậy, phải chờ tới tháng 10, khi chim công mọc được bộ lông dày, đẹp thì mới tiến hành ghép để chúng giao phối. Với chim cái thì chúng chỉ đẻ khoảng 30 trứng mỗi năm, số trứng này tôi đưa đi ấp nở nhân tạo, tỷ lệ nở đạt khoảng 70%".
Hiện nay, anh Đạt đang nuôi các loại chim công như công trắng, trông xanh, công ngũ sắc và đặc biệt là công má vàng là động vật quý hiếm nằm trong sách Đỏ của VIệt Nam.
Đây cũng là các loài chim được thị trường ưa chuộng hiện nay. Anh Đạt hiện đang cung cấp chim cho khách hàng ở hầu hết các tỉnh như TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng), Thanh Hóa, Hải Phòng, Hưng Yên, Huế...
|
Những chú chim công đực xòe đuôi khoe sắc, biểu diễn. |
Mỗi năm, anh Đạt cung cấp ra thị trường hàng trăm cặp chim công giống. Với chim công 5 tháng tuổi, anh Đạt bán ra thị trường với giá khoảng 3,5 triệu đồng/cặp trống mái, chim công 1 tháng tuổi sẽ có giá thấp hơn, khoảng 1,5 triệu đồng/cặp trống mái.
"Hiện nay, tôi đa số bán công qua các nền tảng mạng xã hội, facebook, tiktok. Cũng từ các nền tảng số trên, tôi chia sẻ các kỹ thuật chăm sóc chim công cho khách hàng và những người có nhu cầu chứ không hề giấu nghề.
Qua nhiều năm chăm sóc, tôi thấy công khá dễ chăm sóc, thức ăn của chúng chủ yếu là thóc, cám gà, rau, củ, quả. Không chỉ bán công giống, tôi còn bán cả lông công nữa, lông của chúng dùng để làm vật liệu trang trí rất đẹp", anh Vũ Tiến Đạt thông tin.
Cũng theo anh Đạt, hiện công giống trong trại được anh chia theo lứa tuổi để chăm sóc trong các chuồng nuôi.
Trong khi đó, công trưởng thành được nuôi trên nền trấu khô nhằm giữ ấm và bảo vệ chân chim công không bị tổn thương.
Văn Long - Hoàng Anh/ Dân Việt