Bện rơm xuất khẩu được Công ty (Cty) CP Nông sản bao bì Long An (nay là Xí nghiệp Bao bì và Thủ công mỹ nghệ thuộc Cty Mecofood), phường 5, TP.Tân An, tỉnh Long An chọn đầu tư kinh doanh từ đầu năm 1997. Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay, nghề vẫn “sống”, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông nhàn.
Phù hợp với lao động nông nhàn
Thời gian qua, Chi nhánh Cty CP Nông sản bao bì Long An (ấp 3, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa) thu hút nhiều lao động làm nghề bện rơm xuất khẩu. Hầu hết người làm ở đây đều là lao động nhàn rỗi ở nông thôn, có tay nghề từ 10-20 năm. Bà Nguyễn Thị Nước (58 tuổi), ngụ xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, có trên 10 năm làm nghề bện rơm, chia sẻ: “Nghề này không cực, phù hợp với phụ nữ lớn tuổi ở nông thôn. Vì làm hưởng theo sản phẩm nên trung bình, tôi kiếm khoảng 100.000 đồng/ngày”.
Còn chị Mai Thị Khoắn (46 tuổi), ngụ ấp 3, xã Mỹ Phú, bộc bạch: “Tôi làm nghề này khá lâu, thu nhập khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Nghề này không tốn nhiều công sức nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tính nhẫn nại. Hàng ngày, những lúc không bện rơm, trang trí thì tôi chuẩn bị nguyên liệu làm lõi sản phẩm”.
“Phần lõi tuy không nhìn thấy nhưng cũng phải làm sạch sẽ, không được lẫn tạp chất. Các sản phẩm làm ra phải có “hồn” và bảo đảm độ tinh xảo thì khách hàng mới tin dùng” - chị Đoàn Thị Ngôi, ngụ xã Mỹ Phú - một “lão làng” với “thâm niên” gần 20 năm làm nghề, chia sẻ kinh nghiệm.
|
Nghề bện rơm xuất khẩu sang Nhật Bản góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn huyện Thủ Thừa (Long An) một cách hiệu quả. Từ đó, họ có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống, ổn định kinh tế gia đình. |
Ông Trần Văn Kim Sơn (66 tuổi), ngụ xã Mỹ Phú, trước đây, làm thuê, làm mướn nhưng bây giờ cũng “đầu quân” cho chi nhánh. Ông Sơn nói: “Sức khỏe tôi yếu hơn trước nên không thể làm thuê, làm mướn mãi. Nhờ có người giới thiệu, lại phù hợp với lứa tuổi nên tôi xin vào làm nghề bện rơm để có đồng ra, đồng vô trang trải cuộc sống”.
Được thị trường Nhật Bản ưa chuộng
Các sản phẩm rơm bện xuất khẩu được chủ trang trại, nông dân đất nước “mặt trời mọc” ưa chuộng. Thậm chí, tại tỉnh Niigata của Nhật Bản, hàng năm, vào khoảng tháng 8 đến tháng 11, tại công viên Uwasekigata còn tổ chức lễ hội nghệ thuật rơm (Wara Art),quy tụ nhiều nghệ nhân, sinh viên, khách nước ngoài tham gia. Gần đây, rơm ở Nhật Bản khan hiếm nên họ tìm nguyên liệu từ các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Theo thông tin của Cty CP Nông sản bao bì Long An, năm 2008 được xem là thời gian hoàng kim khi xuất khẩu qua Nhật Bản mặt hàng được bện từ rơm (gọi tắt là Gobo) với trị giá hơn 700.000USD. Nhìn chung, thị trường Nhật Bản tương đối ổn định đối với mặt hàng này.
Sản phẩm được bện từ rơm là loại hàng mỹ thuật - mỹ nghệ, chủ yếu dùng trang trí và làm vật thờ cúng, phục vụ đời sống tâm linh trong các ngôi nhà, đền thờ ở nông thôn Nhật Bản. Sản phẩm được làm từ thân cây lúa xanh sấy khô, sau đó tết, bện theo kiểu mẫu mà khách hàng đặt; đôi khi, người làm nghề còn sáng tạo theo ý tưởng của khách hàng. Khi mua nguyên liệu, Cty chọn lựa kỹ chứ không mua đại trà; chủ yếu là thân cây của các loại lúa: Nàng hoa 9, Nàng thơm Chợ Đào, Tài nguyên,... Việc thu mua rơm, rạ để làm lõi bên trong sản phẩm cũng mang đến nguồn thu nhập cho nông dân sau mỗi đợt thu hoạch lúa.
Thị trường rơm bện xuất khẩu ổn định
Theo Phó Trưởng phòng Kinh doanh Cty CP Xây lắp cơ khí và Lương thực - thực phẩm (Cty Mecofood) - Phạm Thành Hưng, hiện nay, Xí nghiệp Bao bì và Thủ công mỹ nghệ do Cty quản lý có trên 100 công nhân chuyên làm hàng Gobo. Trong đó, nhiều công nhân nữ có tay nghề cao, thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng. Hàng năm, Cty xuất trên 40 container hàng Gobo qua thị trường Nhật Bản.
Từ năm 1997 đến nay, Cty luôn cố gắng để nghề bện rơm được duy trì và ngày càng phát triển. Tuy nhiên, vì thu nhập của người mới vào nghề chưa cao, làm việc thủ công nên nhiều lao động chưa gắn bó với nghề. Gần đây, một số Cty trong nước cũng làm mặt hàng này nên có sự cạnh tranh; tuy nhiên, sản phẩm Gobo có thị trường khá ổn định và Cty Mecofood là đối tác tin tưởng của thị trường Nhật Bản. Sản phẩm Gobo của Cty Mecofood đã có thương hiệu ở Nhật Bản.
Cũng theo ông Hưng, nghề bện rơm thủ công chỉ cần đào tạo từ 1-3 tháng là làm được. Nhưng để đẹp, đáp ứng yêu cầu của đối tác thì kinh nghiệm rất quan trọng, người làm nghề phải cần mẫn, siêng năng, sáng tạo và kiên trì.
Có thể nói, nghề bện rơm xuất khẩu góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn một cách hiệu quả. Từ đó, họ có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống, ổn định kinh tế gia đình./.
Theo Đ.Lâm /Báo Long An