Bỏ rau màu chuyển đổi sang trồng ổi lê Đài Loan
Bà Lưu Thị Tân, Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp trồng ổi lê xã Đồng Cẩm dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng ổi của các thành viên chi hội.
Giữa bạt ngàn màu xanh cây ổi, trên các cây ổi người trồng đã cẩn thận bọc túi nilong từng quả ổi để bảo vệ, tránh bị tác động bởi thời tiết, ruồi vàng châm, chim mổ, sâu đục quả để quả ổi phát triển và đạt chất lượng.
Dưới các gốc ổi, chủ ruộng đang bón kali, tưới nước chăm sóc để cây ổi có dinh dưỡng nuôi quả để quả ổi được ngọt thơm. Có ruộng ổi, người dân cũng đang khẩn trương thu hoạch quả để kịp cân, bán cho khách.
Bà Tân cho biết, trước đây trên những cánh đồng này, chúng tôi canh tác cây rau màu và trồng củ đậu. Trồng cây rau màu, củ đậu vất vả, hầu như ngày nào cũng phải có mặt trên đồng. Tuy trồng cũng có lãi nhưng vất vả.
Khi được hỏi vì sao trồng rau màu, củ đậu có lãi, bà con lại chuyển đổi sang trồng ổi? Bà Tân cho biết: Đặc thù, đồng đất nơi đây, chủ yếu là đất thịt, trũng không phù hợp với trồng cây rau màu. Mỗi khi mưa dễ bị ngập úng nên không phù hợp trồng rau màu. Đồng đất này phù hợp hơn với trồng cây lâu năm.
Bà Tân cũng cho biết thêm, năm 2018, ở địa phương có ông Nguyễn Đức Hải là người đầu tiên đưa về giống ổi lê Đài Loan về trồng thí điểm. Thấy cây ổi phát triển tốt, quả đẹp, ăn ngọt, bán được giá cao, thu nhập tốt hơn thu nhập từ cây rau màu và củ đậu nên nhiều hộ đã bỏ trồng rau màu, củ đậu chuyển đổi sang trồng ổi lê Đài Loan.
Nhận thấy đất đai thổ nhưỡng địa phương phù hợp với trồng cây lâu năm hơn trồng ràu màu nên lãnh đạo xã Đồng Cẩm cũng đã quy hoạch vùng trồng cây ăn quả với diện tích 38 ha, trong đó người dân đã phát triển trồng được 20 ha ổi.
Năm 2022, Hội Nông huyện Kim Thành chỉ đạo, hướng dẫn Hội Nông dân xã Đồng Cẩm thành lập chi hội nghề nghiệp trồng ổi lê an toàn Đồng Cẩm. Hiện chi hội có 35 thành viên, trồng với tổng diện tích 5,2 ha ổi lê, trong đó hộ trồng nhiều từ hơn 1 mẫu đến hơn 2 mẫu, hộ trồng ít cũng có diện tich từ 3 – 5 sào ổi.
Để chi hội hoạt động hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương, Hội Nông dân huyện Kim Thành tổ chức các buổi tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng, bón phân, tỉa cành, quy trình chăm sóc cây ổi an toàn.
Đồng thời các cấp Hội Nông dân còn hỗ trợ vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tem truy suất nguồn gốc, bao bì… đến các hộ trong chi hội.
Ngoài hỗ trợ đó, các cấp hội còn tín chấp cho thành viên mua phân bón trả chậm, tạo điều kiện cho hội viên vay vốn sản xuất. Nhờ vậy, khi chuyển đổi sang trồng ổi các thành viên trong chi hội không gặp khó khăn gì.
Bà Tân cho biết: Từ những kiến thức được tập huấn, các thành viên của chi hội đã áp dụng để chăm sóc cánh đồng ổi của gia đình mình. Thời điểm nào cây cần chất gì sẽ bón chất ấy cho cây, hay thời điểm nào cần cắt tỉa cành thì sẽ cắt tỉa, đồng thời thực hiện nghiêm quy định phun thuốc sinh học và tuân thủ thời gian quy định sau khi phun bao ngày mới được thu hoạch, để bảo đảm an toàn sinh học.
Hay để cho quả ổi có vị ngọt, người trồng sẽ tăng cường bón kali. Nhờ đó, quả ổi lê ở Đồng Cẩm luôn có vị ngọt thơm và bán với giá cao hơn so với các sản phẩm quả ổi ở nơi khác.
Ổi lê bán được giá, lãi cao
Theo nhiều chủ ruộng nơi đây, quả ổi lê Đồng Cẩm to vừa phải, cùi dày, ăn thơm, giòn, ngọt hơn so với ổi thông thường, trọng lượng trung bình 7 – 10 quả/kg. Do khách quen dùng ổi lê, lại bán được giá cao hơn các loại ổi khác nên người dân Đồng Cẩm chỉ trồng ổi lê.
Theo bà Tân chi hội trưởng, giá bán luôn ổn định từ 10.000 – 12.000 đồng/kg, có lúc giá đạt 18.000 đồng/kg, giá cao hơn một số loại ổi khác từ 2000 – 5000 đồng/kg. Với năng suất ước 1,3 tấn quả/sào, người trồng ổi Đồng Cẩm thu được 18 triệu đồng/sào, trừ chi phí lãi 14 triệu đồng.
Bà Tân cũng cho biết thêm, gia đình bà trồng 3 sào ổi lê. Hàng năm, sau khi bán trừ chi phí bà còn lãi được hơn 40 triệu đồng.
Trên cánh đồng ổi, chúng tôi gặp ông Vũ Ngọc Thuỳ, thôn Đồng Xá Nam đang trộn kali để bón cho 1,5 mẫu ổi.
Vừa trộn kali ông Thuỳ cho biết, trước đây khu ruộng trồng ổi này ông trồng rau màu, nhưng làm rau màu vừa vất vả sớm hôm, vừa lãi thấp. Sau đó, ông chuyển đổi sang trồng ổi lê. Với kiến thức được tập huấn, ông Thuỳ đã chăm sóc vườn ổi phát triển tốt. Quả được bọc nilong cẩn thận nên quả ổi có mã đẹp. Cũng như kinh nghiệm của những người trồng ổi Đồng Cẩm để cho ổi có độ ngọt, mỗi tháng ông Thuỳ bón bổ sung kali 2 lần nên chất lượng ổi của ông nói riêng và người trồng ổi Đồng Cẩm nói chung luôn được khách hàng ưa chuộng.
Nếu tính bình quân, người trồng ổi lê Đồng Cẩm lãi 14 triệu đồng/sào, thì với diện tích 1,5 mẫu ổi, ông Thuỳ lãi hơn 200 triệu đồng.
Ông Thuỳ cho biết: Trước đây gia đình tôi trồng rau màu, tôi thấy vừa vất vả, lại lãi thấp còn từ khi trồng ổi tôi thấy nhàn hơn, đỡ vất vả hơn, lãi cao hơn so với trồng rau màu.
Nhiều hộ thấy trồng ổi lê bán được giá, lãi cao nên ngoài diện tích ruộng của gia đình, còn đi thuê ruộng để mở rộng diện tích trồng ổi như gia đình bà Đồng Thị Sáu, thôn Đồng Xá Nam có tổng diện tích 2 mẫu trồng ổi.
Trước đây, cũng như bao gia đình trong thôn, trong xã, bà Sáu cũng chủ lực là cây rau màu. Sau đó, bà cũng chuyển đổi sang trồng ổi. Gia đình bà cũng là một trong những hộ đầu tiên chuyển đổi diện tích trồng cây rau màu sang trồng ổi. Thấy trồng ổi lê lãi cao, bà hào hứng đi thuê, mượn thêm ruộng để trồng ổi. Đến nay, gia đình bà Sáu có diện tích 2 mâu ổi.
Từ khi trồng ổi, thu nhập của gia đình bà Sáu cao hơn trước. Hiện nay, mỗi năm với diện tích 2 mẫu ổi, bà Sáu thu lãi khoảng từ 260 – 280 triệu đồng.
Xây dựng thương hiệu ổi lê Đồng Cầm
Nói về hướng phát triển của chi hội nghề nghiệp trồng ổi lê Đồng Cẩm, bà Lưu Thị Tân, chi hội trưởng cho biết, thời gian tới, chi hội sẽ tiếp tục phát triển về số lượng thành viên vào chi hội bằng việc kết nạp thêm thành viên là các hộ trồng ổi khác trong xã. Đồng thời, phổ biến khoa học kỹ thuật chăm sóc ổi theo tiêu chuẩn an toàn VietGap cho các thành viên mới.
Vì hiện nay, diện tích trồng ổi trong xã có 20 ha, trong khi đó, số thành viên chi hội hiện có mới trồng được 5 ha ổi, khi kết nạp thêm thành viên, diện tích trồng ổi của chi hội sẽ tăng lên.
Khi đó, chi hội sẽ đồng bộ việc sản xuất, chăm sóc theo quy trình VietGap, hướng đến sản xuất để sản phẩm ổi lê Đồng Cẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Có như vậy, ổi lê Đồng Cẩm sẽ có thương hiệu trên thị trường, giúp cho việc sản xuất, tiêu thụ được thuận lợi, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên chi hội.
Đánh giá về hoạt động chi hội nghề nghiệp trồng ổi lê Đồng Cẩm, ông Bùi Quốc Trưởng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kim Thành cho biết, xuất phát từ chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh Hội, thứ hai nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của Ban Thường vụ Huyện uỷ giao cho tổ chức hội, với vai trò tổ chức Hội, chúng tôi đã lựa chọn tham gia phát triển kinh tế bằng các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp.
Sau khi có chủ trương phát triển kinh tế, địa phương đã chuyển đổi, quy hoạch thành vùng trồng cây ăn quả lâu năm. Căn cứ vào đó, chúng tôi đã chỉ đạo Ban chấp hành Hội Nông dân xã Đồng Cẩm xây dựng chi tổ hội nghề nghiệp. Từ nghiên cứu của hội viên, chọn ra giống ổi lê vừa có giá trị kinh tế, so với canh tác trồng màu đỡ vật vả hơn. Sau đó, chúng tôi chỉ đạo ra quyết định thành lập chi hội nghề nghiệp trồng ổi lê Đồng Cẩm.
Qua báo cáo kết quả sản xuất của chi hội, qua đánh giá được người dân, người tiêu dùng chấp nhận chất lượng của quả ổi này. Giá cả quả ổi lê Đồng Cẩm so với giá thị trường bao giờ cũng cao hơn một chút. Bên ngoài thị trường giá ổi giao động từ 5000 đến 10.000 đồng/kg nhưng đối với ổi này, giá giao động từ 12.000 đến 18.000 đồng/kg.
Tuy thời gian triển khai chưa lâu, mới được hơn 1 năm nhưng chúng tôi cũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các hộ thành viên, chất lượng hoạt động của chi hội. Qua làm việc với chi hội, tôi cũng như các hội viên thấy rất phấn khởi khi có mô hình trồng ổi này.
Theo Nguyễn Việt/Dân Việt