Mới đây, giới truyền thông rầm rộ đưa tin, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã CII) vừa thông qua việc giao Chủ tịch Hội đồng quản trị căn cứ tình hình thực tế quyết định việc chi trả cổ tức đợt 1 năm 2019 theo hướng thời điểm chi trả không quá 31/3/2020 và tỷ lệ chi trả khoảng 16% bằng tiền mặt.
Cùng với đó, doanh nghiệp này có kế hoạch mua lại và chuyển nhượng cho bên thứ ba toàn bộ vốn của Shining Armor Limited tại Công ty cổ phần Đầu tư Bất Động Sản Thủ Thiêm River Park. Đồng thời, quyết định thành lập Phòng Quản lý Xây dựng Dân Dụng để quản lý các dự án bất động sản của các đơn vị thành viên.
|
CII ước tính trong năm nay sẽ thu về dòng tiền ít nhất khoảng 2.800 tỷ đồng và "chia chác đậm" cổ đông. (Ảnh minh họa). |
Đáng chú ý, tại đại hội thường niên 2019, Công ty này ước tính trong năm nay sẽ thu về dòng tiền ít nhất khoảng 2.800 tỷ đồng, qua đó đảm bảo được các khoản nợ đến hạn trong năm và còn dư xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.
Như vậy, với dòng tiền ít nhất khoảng 2.800 tỷ đồng thu về được trong năm nay, “ông lớn BOT” CII tuyên bố sẽ chia tiền mặt 32% và tới đây sẽ chi khoảng 16% bằng tiền mặt cho đợt tạm ứng đợt 1 thì ngay lập tức cổ phiếu CII đã tăng mạnh 700 đồng mỗi cổ phiếu tương ứng 3,02% lên 23.850 đồng.
Tuy nhiên trước khi “ông lớn BOT” CII tuyên bố "chia chác đậm" cổ đông thì ít ai biết rằng doanh nghiệp này từng bị nhắc tên trong kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cụ thể, trước đó, CII đã bị nhắc tên trong kết luận thanh tra về công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2, TP.HCM) của Thanh tra Chính phủ.
Theo đó, tại thời điểm thanh tra, CII làm chủ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc, hoàn thiện đường trục Bắc - Nam đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ.
|
Toàn cảnh Khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh Zing.vn) |
Theo thông tin trên Dân Việt, vào ngày 20/4/2016, CII và UBND TP.HCM tổ chức lễ ký kết chính thức "Hợp đồng Xây dựng – chuyển giao Dự án Đầu tư Xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu dân dư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc Nam trong khu Đô thị mới Thủ Thiêm".
Quy mô dự án bao gồm việc xây dựng đường trục Bắc – Nam này dài khoảng 1.1 km, đường nội bộ trong phạm vi khu chức năng số 3 và số 4 với tổng chiều dài khoảng 8.3 km (không bao gồm đường Đại lộ Vòng cung – R1, đường Ven hồ Trung tâm – R2), và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với xây dựng đường: thoát nước mưa, thoát nước thải, cấp nước, cấp điện, chiếu sáng, thông tin liên lạc, hào kỹ thuật, cây xanh.
Tổng vốn đầu tư dự án BT dự kiến đạt khoảng 2.641 tỷ đồng. Để hoàn vốn cho dự án, CII đã nhận được quyết định giao đất, cho thuê đất của dự án BT Thủ Thiêm từ UBND TP.HCM.
CII được TP.HCM giao 90.078,3 m2 đất sử dụng ổn định lâu dài (để xây dựng nhà ở) và 6.053,6 m2 đất sử dụng 50 năm (để xây dựng văn phòng cho thuê), trả tiền thuê đất một lần cho toàn thời gian thuê.
Thanh tra Chính phủ cho rằng chủ đầu tư đề ra biện pháp thi công không phù hợp, phải thay đổi, dẫn đến chi phí thực tế phải giảm so với tổng mức đầu tư là 118 tỷ đồng. Ngoài ra, quá trình triển khai còn có một số khoản chi phí không đúng quy định với tổng giá trị hơn 411 tỷ đồng.
Theo Nhà đầu tư, trước những kết luận thanh tra nói trên, CII đã có văn bản giải trình và khẳng định đây không phải là khoản đã chi sai đồng thời CII hoàn toàn không phải nộp lại ngân sách nhà nước khoản tiền này.
CII là doanh nghiệp chuyên đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực TP.HCM. Thành lập tháng 12/2001 với tư cách là một tổ chức đầu tư tài chính, hoạt động theo mô hình công ty cổ phần đại chúng, CII đã góp phần thực hiện chủ trương xã hội hoá đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của nhà nước, thông qua huy động vốn trung và dài hạn của các tổ chức tài chính, cũng như vốn nhàn rỗi trong dân và các thành phần kinh tế khác.
Ở thời điểm năm 2018, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại CII đã lên đến 53,6%.
Khánh Hoài (Tổng hợp)