Ra chợ, chị em "giật mình" vì rau dập nát giá vẫn tăng mạnh

Google News

Do ảnh hưởng của trận mưa lớn trong ngày 27- 28/9 khiến cho nguồn cung nhiều loại rau, củ, nhất là rau xanh bị thiếu hụt. Từ đó, đẩy giá rau ở các chợ dân sinh tại địa bàn tỉnh Hà Nam tăng cao so với bình thường.

Giá rau tăng cao sau mưa lớn

Khảo sát tại một số chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Phủ Lý cho thấy, các loại rau xanh có giá bán tăng khá cao trong 2 ngày 28 và 29/9. Trong đó, tăng mạnh nhất là rau muống ngọt với giá bán từ 7.000 đồng/mớ lên 12.000 đồng/mớ. Ngoài ra, rau mồng tơi cũng tăng mạnh từ 4.000 đồng/mớ lên 7.000 đồng/mớ; rau ngót từ 4.000 đồng/mớ lên 6.000 đồng/mớ; rau cải xanh từ 20.000 đồng/kg lên 27.000 đồng/kg. Các loại rau gia vị như hành lá, rau mùi tăng 30%.

Các loại củ, quả như bí xanh, cà rốt, cà chua, khoai tây có giá bán tăng nhẹ từ 2-5.000 đồng/kg (tùy loại). Còn đối với các loại hoa quả như dưa hấu, cam, nho… giá bán trong ngày 29/9 cũng tăng nhẹ, từ 3-5.000 đồng/kg.

Theo các tiểu thương, giá rau xanh, củ quả tăng đáng kể so với những ngày trước là do mưa lớn trong các ngày 27-28/9 đã khiến cho nhiều diện tích rau màu bị ngập úng dẫn đến nguồn cung bị thiếu hụt. Tại nhiều khu vực chợ, các tiểu thương chỉ nhập được rau về bán với số lượng bằng một phần hai, một phần ba so với những ngày trước. Chất lượng rau cũng kém hơn do bị dập nát vì ngập lụt.

Ra cho, chi em

Giá các loại hoa quả cũng tăng nhẹ trong ngày 29/9 sau mưa lớn.

Bà Nguyễn Thị Hương, một tiểu thương bán rau củ quả tại chợ Quy Lưu (phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý) cho biết: Phần lớn rau củ ở trong cửa hàng tôi đều nhập từ các vườn rau ở thành phố Phủ Lý và một số huyện như Bình Lục, Lý Nhân về bán. Mưa lớn trong ngày hôm trước đã khiến các vườn rau bị dập nát, hư hỏng nhiều và trở nên khan hiếm.

Sang đến ngày 29/9 rau xanh càng trở nên hiếm hơn nên tôi chỉ nhập được vài ba mớ rau muống, rau mồng tơi và ít rau cải ngọt về bán. Rau thì ít, giá nhập vào cao, rau lại bị nát và thối nhiều do bị ngập nước nên cũng khó bán hơn ngày thường. Khách hàng thì thưa thớt và khi mua rau đều chê xấu, lựa chọn rất kỹ khiến việc bán hàng cũng khó khăn hơn.

Việc rau xanh tăng giá cũng gây khó cho người tiêu dùng, nhất là những lao động có thu nhập trung bình, thấp vì phải cân đối chi tiêu cho bữa ăn hàng ngày. Có mặt tại chợ Bầu (phường Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý), chị Trần Thị Thu, tổ 2, phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý cho biết: Tôi thường xuyên mua rau quả và thực phẩm ở chợ này vì hàng hóa tươi và đa dạng. Thế nhưng hai hôm nay, rau vừa nát vừa đắt. Bình thường gia đình tôi thưởng xuyên sử dụng rau muống trong bữa ăn hàng ngày nhưng với giá bán như hiện nay, tôi không dám mua rau muống về ăn nữa.

"Do điều kiện kinh tế gia đình không mấy dư dả nên khi giá tất cả các loại rau củ đều tăng đã khiến tôi phải tính toán lại mức chi cho các loại thực phẩm khác trong bữa cơm gia đình" - chị Thu nói.

Ra cho, chi em

Khách hàng chọn mua rau xanh tại một sạp hàng ở chợ Quy Lưu, thành phố Phủ Lý.

Cũng như chị Thu, chị Lại Thị Hương, chủ một sạp hàng bán đồ ăn chín tại đường Trần Quang Khải, phường Lê Hồng Phong (thành phố Phủ Lý) cũng “giật mình” khi đi chợ nghe giá rau xanh tăng cao so với những ngày trước.

Chị Hương cho biết: Tôi bán đồ ăn chín phục vụ đối tượng chính là sinh viên và công nhân lao động làm việc tại khu công nghiệp Châu Sơn có thu nhập thấp nên việc rau củ tăng giá cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc bán hàng của tôi. Hôm nay tôi đi chợ thấy một số loại rau xanh có giá tăng gấp 2-3 lần so với những ngày trước. Vì vậy, tôi phải cân đối, tính toán lại các món rau chế biến để làm sao khách hàng vẫn chấp nhận được mức giá bán mà lượng thức ăn vẫn đảm bảo, không bị giảm đi về số lượng, chất lượng món ăn.

Với những khó khăn đang gặp phải vì giá rau “leo thang”, nhiều tiểu thương và người tiêu dùng đang mong trong những ngày tới, khi thời tiết thuận lợi trở lại, nguồn cung rau xanh sẽ được đảm bảo để giá cả trở lại bình thường. Từ đó, giúp ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

Theo Nguyễn Oanh/Báo Hà Nam