Anh Điểu Nghĩa ở thôn Sơn Hòa 1, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng cho biết, anh đã trồng cây rau nhíp được 10 năm. “Trước đây người S’tiêng ở đay đã tìm rau nhíp từ rừng về trồng xung quanh nhà hoặc dưới tán cây điều để phục vụ nhu cầu của gia đình. Thấy nhiều người tìm mua lá nhíp, trong khi rừng ngày càng nghèo kiệt nên tôi quyết định tìm thêm cây giống về trồng, mở rộng diện tích” - anh Điểu Nghĩa nói.
|
Anh Điểu Nghĩa bên vườn rau “đặc sản” được trồng dưới tán cây điều của gia đình. Ảnh: H.P |
Theo anh Điểu Nghĩa, trước đây cây nhíp mọc tự nhiên, muốn ăn phải đợi đến mùa mưa. Nhưng giờ đây người dân đã mang về trồng quanh nhà nên có rau ăn quanh năm. Nếu được tưới nước đầy đủ vào mùa khô, chăm sóc, chặt cành đúng kỹ thuật thì cây sẽ cho nhiều lá. Hái lá đúng ngày tuổi, cây sẽ phát triển đều và cho thu hoạch quanh năm.
“Hiện nay gia đình tôi có khoảng 2,5ha rau nhíp xen canh dưới tán điều. Đến mùa mưa rau mọc nhiều, bán khoảng 40.000 đồng/kg, còn mùa nắng ít rau hơn thì giá tăng lên 50.000 đồng/kg. Tôi bỏ mối ở quán ăn, nhà hàng quen ở thị trấn Đức Phong (Bù Đăng) hoặc mang ra chợ bán cho thương lái mua đưa về TP.HCM” - anh Điểu Nghĩa cho hay.
Điều làm anh Điểu Nghĩa lo lắng nhất hiện nay là giá rau nhíp khá bấp bênh tùy theo mùa và không ổn định: “Khi ít rau thì tiểu thương và nhà hàng mua với giá cao, nhưng vào mùa mưa nhiều rau thì họ ép giá. Giá bán hiện nay khoảng 45.000 đồng/kg. Gia đình tôi cho thu nhập mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng từ rau nhíp”.
Còn ông Điểu Men (thôn Sơn Lập, xã Thọ Sơn) bảo rau nhíp là loại cây dễ sống nhưng trồng không đúng cách sẽ khó thành công. Đặc biệt, nó sẽ không phát triển nếu trồng riêng, mà phải trồng dưới tán cây mát.
Ông Điểu Dương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Sơn cho biết, ở xã hiện có khoảng 15ha rau nhíp. Những năm gần đây rau nhíp được nhiều người tìm mua, giá cao hơn trước nên cũng góp phần cải thiện đời sống đồng bào.
>>> Mời quý độc giả xem video về đặc sản chuối tiến vua (nguồn VTC):
Theo Hứa Phương – Hoàng Khanh/Dân Việt