Sai phạm tại dự án 25.000 tỷ đồng khiến Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng bị bắt

Google News

Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp bị cáo buộc đã nhận hối lộ của ông Nguyễn Cao Trí liên quan đến siêu dự án hơn 25.000 tỷ đồng.

Bộ Công an vừa khởi tố ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng với cáo buộc nhận hối lộ liên quan đến dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh.
Sai pham tai du an 25.000 ty dong khien Chu tich tinh Lam Dong bi bat
Ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, trước khi bị khởi tố. 
Theo tìm hiểu, dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư vào cuối năm 2010 cho Công ty CP Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh (Công ty Sài Gòn Đại Ninh).
Tổng vốn đầu tư dự án này lên đến 25.243 tỷ đồng, với diện tích đất gần 3.600 ha nằm trên địa bàn 4 xã của huyện Đức Trọng gồm: Phú Hội, Tà Hine, Ninh Loan và Ninh Gia.
Dự án có 6 phân khu chức năng, khi hoàn thành có quy mô dân số lưu trú thường xuyên khoảng 19.734 người. Tiến độ thực hiện từ năm 2010 - 2018. Tuy nhiên, sau 13 năm được giao đất, Công ty Sài Gòn Đại Ninh vẫn chưa đầu tư hoàn chỉnh dự án. Ngược lại, dự án chỉ mới thực hiện được một số hạng mục như: 15 nhà làm việc và nghỉ dưỡng của chuyên gia, 1 hội trường, 6 trạm dừng chân, khoảng 20 km đường nội bộ và trồng hơn 10 ha rừng trên diện tích lấn chiếm đã được giải tỏa.
Sai pham tai du an 25.000 ty dong khien Chu tich tinh Lam Dong bi bat-Hinh-2
Dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh nhìn từ trên cao. (Ảnh: Dân Việt).
Tại dự án này đã để rừng bị phá lên đến hơn 257 ha và trên 111 ha đất rừng bị lấn chiếm. Trước đó, năm 2017, Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng có quyết định yêu cầu chủ đầu tư bồi thường giá trị thiệt hại về tài nguyên rừng tổng cộng 6,66 tỷ đồng, nhưng đến giữa năm 2020, doanh nghiệp mới nộp 1,67 tỷ đồng.
Sai pham tai du an 25.000 ty dong khien Chu tich tinh Lam Dong bi bat-Hinh-3
 Một góc siêu dự án hơn 25.000 tỷ đồng khiến Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng bị bắt. (Ảnh: Dân Trí).
Hơn nữa, quá trình triển khai dự án, Công ty Sài Gòn Đại Ninh còn thường xuyên bị cơ quan chức năng yêu cầu thực hiện các nghĩa vụ tài chính.
Cụ thể, năm 2012, tỉnh Lâm Đồng cho phép chủ đầu tư chuyển mục đích sử dụng hơn 1,6 triệu m2 đất sang đất ở (giao đất có thu tiền sử dụng đất). 6 năm sau, Bộ Tài chính mới xác định số tiền sử dụng đất của Công ty Sài Gòn Đại Ninh là 158 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã không tuân thủ nghĩa vụ tài chính, dù được đôn đốc nhiều lần nhưng chủ đầu tư vẫn không nộp hơn 100 tỷ đồng. Công ty Sài Gòn Đại Ninh còn nợ đọng hơn 6,6 tỷ đồng tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên, môi trường rừng.
Sai pham tai du an 25.000 ty dong khien Chu tich tinh Lam Dong bi bat-Hinh-4
 Toà nhà trung tâm bỏ hoang. (Ảnh: PLO).

Sai pham tai du an 25.000 ty dong khien Chu tich tinh Lam Dong bi bat-Hinh-5
Nhiều hạng mục trong dự án được làm dở dang, bỏ hoang. (Ảnh: Dân Việt). 
Ngoài ra, Công ty Sài Gòn Đại Ninh còn vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng hội trường không phép (khoảng 560m2), 15 căn nhà chuyên gia không có trong quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 được phê duyệt, không có giấy phép xây dựng...
Đến ngày 12/6/2020, Thanh tra Chính phủ có kết luận 929/KL-TTCP về việc công bố kết luận thanh tra quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Kết luận có kiến nghị chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của 3 dự án vi phạm pháp luật về đất đai và đầu tư, trong đó có dự án của Công ty Sài Gòn Đại Ninh. Công ty này đã có văn bản gửi nhiều cơ quan chức năng, kiến nghị xem xét lại việc thu hồi dự án.
Tiếp đó ngày 8/7/2021, Thanh tra Chính phủ lại có Thông báo kết luận sửa đổi một số nội dung Kết luận thanh tra số 929/KL-TTCP ngày 12/6/2020 về việc quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng do ông Trần Văn Minh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ ký.
Trước khi sửa đổi bổ sung kết luận này, Thanh tra Chính phủ đã lập tổ công tác để thẩm tra, trong tổ công tác có ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng.
Đầu năm 2022, UBND tỉnh Lâm Đồng gia hạn tiến độ cho dự án 24 tháng và yêu cầu chủ đầu tư tập trung nguồn lực triển khai hoàn thành. Thế nhưng, đến nay siêu dự án 25.000 tỷ đồng không có gì tiến triển thêm.
Vốn điều lệ của Công ty Sài Gòn Đại Ninh thời điểm thực hiện dự án khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh là 300 tỷ đồng, gồm 7 cổ đông sáng lập, trong đó có Công ty TNHH thương mại Phương Nam sở hữu 273.000 cổ phần, chiếm 91% và 6 cổ đông khác, chiếm 9%.
Sau đó, ông Nguyễn Cao Trí (53 tuổi, trú tại TP HCM) dùng Công ty TNHH Capella Hospitality (Công ty con của Công ty Capella) thay Công ty Bến Thành để mua lại 51% vốn điều lệ Sài Gòn Đại Ninh, với giá 1.530 tỷ đồng. Từ tháng 1/2021, ông Nguyễn Cao Trí trở thành người đại diện pháp luật của công ty này.

Khánh Hoài (T/H)