Samsung tham vọng "phủ" Việt Nam bằng 20 tỷ USD

Google News

Tập đoàn Samsung đã và đang lên kế hoạch đầu tư hàng loạt dự án "khủng" ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực: công nghiệp, giao thông, bất động sản...

Đầu tư 20 tỷ USD 
Tại báo cáo nội dung hợp tác quý III/2014 trong lĩnh vực đầu tư với Samsung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong lĩnh vực điện tử năm 2014 Samsung đã "rót" thêm 5,4 tỷ USD vào Việt Nam. 
Cụ thể, công ty Samsung Display đã đầu tư 1 tỷ USD vào nhà máy tại Yên Phong, Bắc Ninh sản xuất các thiết bị màn hình điện đại. 
Sau khi đi vào hoạt động ổn định, dự kiến sẽ sản xuất 50 triệu sản phẩm/năm, sử dụng 8.000 lao động với giá trị sản xuất đạt 6 tỷ USD/năm, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm điện thoại di động của Samsung, cũng như giảm giá trị nhập khẩu linh kiện điện tử liên quan. Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư đăng ký của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam có thể tăng lên thành 20 tỷ USD. 
Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư đăng ký của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam có thể tăng lên thành 20 tỷ USD. Ảnh: TL 
Tại TP. HCM, công ty Samsung Electronics cũng đầu tư dự án Samsung CE Complex (SECC) tại Khu công nghệ cao, với vốn đầu tư 1,4 tỷ USD. 
Tại Thái Nguyên, triển khai giai đoạn II dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên với quy mô đầu tư 3 tỷ USD. 
Trong lĩnh vực hạ tầng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, công ty Samsung C&T và Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương đã ký Biên bản ghi nhớ MOU về việc phát triển Dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 3 tại Hà Tĩnh. 
Theo đó, triển khai dự án theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư dự kiến 2,45 tỷ USD. 
Thời điểm hiện tại, công ty Samsung C&T đã thuê các công ty cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng điện 1&2 chuẩn bị Báo cáo khả thi và dự kiến trình Chính phủ xem xét, phê duyệt vào cuối tháng 2/2015. 
Ở lĩnh vực giao thông, Samsung cho biết sẽ nghiên cứu và xin tham gia đầu tư, xây dựng, vận hành một trong số hạng mục thuộc dự án sân bay Long Thành nếu được Quốc hội phê duyệt. 
Ngoài ra, ở lĩnh vực công nghiệp, Samsung cũng cho biết dự án Tổ hợp nhà máy đóng tàu tại Cam Ranh (Khánh Hòa) có thể được triển khai vào cuối năm 2015, sau khi đã làm việc chi tiết với các bộ ngành liên quan về điều kiện đầu tư. 
"Dự án có quy mô 2,6 - 2,8 tỷ USD, chia làm 2 giai đoạn gồm giai đoạn 1 từ năm 2015-2018, giai đoạn 2 từ năm 2018 - 2025, với quy mô khoảng 300 ha và sẽ trở thành một trong 10 nhà máy đóng tàu lớn nhất thế giới", báo cáo Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết. 
Ở lĩnh vực bất động sản, Samsung đã đồng ý địa điểm đầu tư trung tâm R&D do UBND thành phố Hà Nội giới thiệu tại khu Manor Central Park, và hiện đang tiến hành thương thảo điều kiện đầu tư với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội. 
Lĩnh vực công nghệ thông tin, Samsung SDS đang trao đổi với Viettel về hợp tác phát triển hệ thống quản lý xe buýt và y tế thông minh tại việt Nam. 
Như vậy, với việc tham gia vào các lĩnh vực kể trên, Samsung hiện đang là tập đoàn nước ngoài đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư đăng ký lũy kế đạt trên 12,6 tỷ USD. 
Theo đó, Bộ Kế hoạch Đầu tư đánh giá, đây là những lĩnh vực, dự án phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. "Nếu các dự án đang xúc tiến triển khai có kết quả thuận lợi, đến hết năm 2017, tổng vốn đầu tư đăng ký của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam có thể tăng lên thành 20 tỷ USD", Bộ Kế hoạch Đầu tư tính toán. 
Vì sao Samsung chọn Việt Nam? 
Các dự án, nhà máy hiện đang hoạt động tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, Samsung đang dần hiện thực hóa định hướng biến Việt Nam thành "cứ điểm sản xuất toàn cầu" lớn nhất thế giới mà Samsung đã đặt ra trước đó. 
Từng chia sẻ trong buổi làm việc trước đó với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh, ông Ha Chan Ho, cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, Cố vấn cao cấp chiến lược của Samsung cho biết, một nguyên tắc rất cơ bản của Samsung khi đầu tư tại Việt Nam, đó là mang lại lợi ích cho cả hai bên - “win - win”. 
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trong buổi làm việc cũng thông tin, Samsung khi vào Việt Nam đã nhận được đánh giá cao, vì các cam kết đầu tư được thực hiện nghiêm túc và nhanh chóng. "Samsung cũng đã nhận được các cơ chế ưu đãi tốt nhất từ Chính phủ Việt Nam. 
Vì vậy, khi đã sản xuất - kinh doanh có lợi nhuận, phải đóng góp cho Việt Nam, để mang lại lợi ích lâu dài cho cả hai bên", Bộ trưởng Vinh nêu ý kiến.
Theo Nguyễn Thảo/Diễn đàn đầu tư