Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2023 đạt 3,32%, thấp hơn tới 2,8 điểm phần trăm so với kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP (5,6%) và là mức thấp thứ 2 trong giai đoạn 2011-2023.
Đáng chú ý là có tới 5 địa phương tăng trưởng GRDP âm trong quý I/2023. Riêng, TP HCM luôn được xem là đầu tàu kinh tế nhưng quý I/2023 chỉ đạt mức tăng trưởng 0,7%, thấp kỷ lục so với những năm trước đây.
Nhiều chuyên gia cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng kinh tế trên nhưng có lẽ một trong những nguyên nhân chính là do cán bộ lãnh đạo địa phương, bộ, ban, ngành đang có tâm lý sợ trách nhiệm, không dám làm, không giải quyết linh hoạt, năng động để tháo gỡ khó khăn chung ảnh hưởng liên hoàn đến nhiều lĩnh vực kinh tế.
|
Nhiều chính sách vĩ mô được Chính phủ đưa ra thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản - Ảnh minh họa, nguồn: chinhphu.vn |
Nhiều dự án bị “ngâm”
Chỉ nói riêng tới lĩnh vực bất động sản, thực tế việc sợ trách nhiệm, sợ đưa ra các quyết định đã khiến rất nhiều dự án ảnh hưởng nặng nề, nhiều dự án bị “ngâm” ở nhiều khâu hành chính mà chưa được giải quyết, thậm chí nhiều doanh nghiệp không thể trụ vững.
Theo số liệu khảo sát mới nhất của Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam, có tới 65% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản đến từ vướng mắc chính sách, pháp lý.
Số liệu từ Savills Việt Nam cũng cho thấy, vướng mắc pháp lý đang là nguyên nhân khiến hơn 700 dự án tại Hà Nội và TP HCM bị “treo”. Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn đầu tư (Savills Việt Nam) nhấn mạnh, pháp lý là nguyên nhân lớn nhất khiến thị trường bất động sản Việt Nam mất đi sức hút đối với các nhà đầu tư.
Tại TP HCM, từ đầu năm 2022 đến nay Hiệp hội Bất động sản TP HCM đã có 9 văn bản báo cáo UBND TP đề xuất tháo gỡ vướng mắc pháp lý, thủ tục hành chính cho 156 dự án bất động sản của 121 chủ đầu tư. Tại TP Hà Nội, thông tin về quy hoạch hay phê duyệt chủ trương đầu tư một dự án bất động sản cụ thể một, hai năm trở lại đây là rất hiếm.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới trong Quý I/2023 giảm 63,2% so với cùng kỳ năm 2022; bên cạnh đó số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là tăng 30,2% và tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước.
Quý I/2023 mới có 14 dự án đã hoàn thành với 5.909 căn bằng khoảng 50% so với Quý IV/2022 và bằng khoảng 63,64% so với Quý I/2022. Cụ thể: tại miền Bắc có 9 dự án với 5.679 căn; tại miền Trung có 3 dự án với 137 căn; tại miền Nam có 2 dự án với 93 căn.
Theo như ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam chia sẻ, “các địa phương bây giờ gần như án binh bất động bởi vì động vào đâu cũng thấy khó làm, động vào đâu cũng thấy không thể ký, không thể xử lý hồ sơ, rõ ràng như vậy thị trường không có nguồn cung, không có hàng hóa vì vậy sẽ không có giao dịch, ách tắc”.
|
Nhiều dự án đã được "cởi trói" sau thời gian dài đình trệ - Ảnh minh họa, nguồn: TTXVN |
Kỳ vọng thị trường khơi thông
Trước tình trạng trên, tại phiên họp cải cách thủ tục hành chính diễn ra ngày 19/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo: Chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất của một bộ phận cán bộ, công chức, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm các cơ quan, các bộ, các ngành, giữa Trung ương với địa phương, dứt khoát không xử lý những nhiệm vụ không thuộc thẩm quyền và không đùn đẩy trách nhiệm của mình lên cấp trên và cho các cơ quan khác; phản ứng chính sách, xử lý các thủ tục, nhất là với người dân và doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả hơn nữa.
Trong thời gian qua, tổ công tác của Thủ tướng đã trực tiếp làm việc với các địa phương để tháo gỡ cho hàng trăm dự án bất động sản. Ở TP HCM, qua rà soát của tổ công tác tại 180 dự án nhà ở thì phát hiện trên 80% dự án gặp khó khăn, vướng mắc.
Tương tự, ở Hà Nội có 170 dự án nhà ở, đô thị vướng mắc. Đà Nẵng có 75 dự án khó khăn, vướng mắc. Hải Phòng có 65 dự án khó khăn, vướng mắc. Cần Thơ có 79 dự án bị vướng mắc.
Hầu hết vướng mắc của các dự án bất động sản hiện tại đều liên quan tới pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch, đầu tư và nhà ở, thuộc thẩm quyền của địa phương giải quyết.
Thực tế, từ đầu năm đến nay TP HCM cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp, ra văn bản chỉ đạo đôn đốc các đơn vị Sở, ngành liên quan khẩn trương chủ động rà soát, giải quyết dứt điểm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các dự án bất động sản.
Đầu tháng 3/2023, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường làm việc với chủ đầu tư của 7 dự án bất động sản để xem xét, tháo gỡ vướng mắc. Theo đó, đã có 4/7 dự án có kết luận và chỉ đạo giải quyết. Đây là những dự án dù đã được cấp phép từ lâu nhưng qua thời gian bị vướng thủ tục pháp lý nên dừng triển khai.
Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM cũng vừa “khơi thông” 355 dự án nhà ở đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ hồng) cho người mua nhà trên địa bàn TPHCM. Theo đó, hơn 81.000 căn nhà, gồm căn hộ, nhà ở riêng lẻ, officetel, shophouse sẽ được cấp sổ hồng.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn nằm danh sách chủ đầu tư có các dự án được cấp sổ như Hưng Thịnh, Novaland, Vingroup, Phát Đạt, Him Lam, Gotec Land, Đất Xanh, Đức Khải, Sacomreal...
Trong một cuộc họp đầu tháng 4, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho hay, thành phố đặt mục tiêu đến cuối năm 2023 sẽ giải quyết được 50 dự án bất động sản bị vướng mắc pháp lý.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường thành lập tổ công tác để gỡ vướng cho các dự án của Tập đoàn Novaland ở Đồng Nai và Bình Thuận.
Tại Hà Nội cũng mới cho biết đã “khơi thông” được 7 dự án đủ điều kiện được phép kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai theo Luật Kinh doanh Bất động sản.
Tại tỉnh Bình Dương, Tập đoàn Danh Khôi gần đây cũng phát đi thông báo cho biết dự án Astral City đã được UBND tỉnh hỗ trợ đẩy nhanh quy trình xác định tiền sử dụng đất, hiện khởi động xây dựng cũng như hoàn thành các thủ tục pháp lý còn lại để có thể ký hợp đồng mua bán.
Được biết, tỉnh Thanh Hóa cũng vừa mới chỉ đạo các sở, ngành tham mưu đề xuất các khu vực xây thô và khu vực được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền của dự án Khu đô thị mới Sunrise City.
Có thể thấy với những động thái tích cực, thời gian tới sẽ hứa hẹn nhiều dự án được “cởi trói”, giúp phá băng thị trường bất động sản.
Minh Quang