Các sự cố trên có phản ánh trong tình hình kinh doanh quý 3 của những doanh nghiệp này?
Sau sự cố “bà hỏa”, Rạng Đông vẫn báo lãi tăng trưởng
Những ngày cuối tháng 8/2019, nhà xưởng tại Hà Nội của CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL) cháy lớn, khiến nhiều người dân trong vùng phải sơ tán. Theo Rạng Đông, vụ cháy không gây thiệt hại về người, ước tính thiệt hại tài sản khoảng 150 tỷ đồng, dưới 5% tài sản công ty.
Tuy vậy, ảnh hưởng nhất mà vụ cháy này để lại là vấn đề về môi trường, đời sống của người dân trong khu vực đảo lộn.
Dù vậy, do sự cố này xảy ra trong tháng 8 nên kết quả kinh doanh trong quý III/2019 mà Rạng Đông vừa công bố không bị ảnh hưởng, thậm chí còn tăng khá mạnh.
Theo đó, doanh thu thuần quý III đạt gần 900 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế tăng đến 22%, đạt gần 65 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Rạng Đông ghi nhận 1,928 tỷ đồng doanh thu và 161 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đều tăng trên 20% so với 9 tháng năm 2018.
Với kết quả trên, Rạng Đông đã thực hiện 79% kế hoạch doanh thu và 75% kế hoạch lợi nhuận cho cả năm 2019.
Theo giải trình của Rạng Đông, kết quả kinh doanh quý III/2019 tăng trưởng so với cùng kỳ là nhờ giảm chi phí hợp lý, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, giảm giá thành, ứng dụng ERP vào hoạt động sản xuất kinh doanh…
Trong báo cáo tài chính quý III/2019, Rạng Đông chưa công bố về số liệu thiệt hại từ vụ hỏa hoạn. Tuy nhiên công ty cũng công bố sơ qua tình hình rằng đang kết hợp với đơn vị bảo hiểm, đơn vị giám định độc lập, kiểm toán và các cơ quan chức năng khác kiểm kê, đánh giá hiện trường để xác định giá trị thiệt hại do sự cố gây ra.
Trên thị trường chứng khoán, kể từ khi sự cố xảy ra, cổ phiếu RAL lau sàn trong nhiều phiên tuy nhiên đến nay đã hồi phục trở lại, ghi nhận chỉ giảm nhẹ 8%, hiện đang giao dịch quanh mốc 76.000 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 22/10).
Viwasupco báo lãi đậm sau sự cố nước bẩn
Một công ty đang dính phải sự cố về nước bẩn là CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco, VCW). Theo báo cáo tài chính quý III/2019 vừa công bố, Viwasupco vẫn tăng trưởng tốt, thu về trăm tỷ đồng trong quý giữa ồn ào đang vướng phải.
Cụ thể, doanh thu quý III của Viwasupco đạt 137 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018. Biên lợi nhuận còn được cải thiện lên hơn 60% trong khi cùng kỳ gần 58%.
Doanh thu tài chính gấp đôi so với cùng kỳ, chi phí tài chính lại không phát sinh. Nhờ vậy mà Viwasupco báo lãi sau thuế hơn 72 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ.
Kết quả lũy kế trong 9 tháng cũng khá khởi sắc, doanh thu thuần đạt gần 402 tỷ đồng, lãi sau thuế gần chạm mốc 200 tỷ đồng. Biên lãi ròng của Viwasupco khá cao, đạt gần 50%.
Trước khi gặp sự cố về chất lượng nước cung cấp, Viwasupco là một trong những cái tên đứng đầu thị trường cung cấp nước sạch Hà Nội. Dù hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu, song tỷ suất sinh lời từ hoạt động kinh doanh của Công ty thuộc nhóm dẫn đầu thị trường.
Đà tăng trưởng của Viwasupco bắt đầu từ năm 2012. Năm 2018, doanh thu cấp nước của Viwasupco đạt 469 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước, với biên lợi nhuận gộp từ hoạt động cấp nước hơn 57%. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 230 tỷ đồng, tăng đến 26% so cùng kỳ.
Miễn nhiễm với sự cố đang gặp phải, cổ phiếu VCW lại ghi nhận kết quả giao dịch khởi sắc hơn với khối lượng giao dịch trung bình vài trăm cổ trong mỗi phiên, thị giá tăng hơn 8% so với giá chốt phiên 21/10 tại 35,900 đồng/cổ phiếu.
Đức Quân báo lỗ trong quý III
Ngược lại với hai doanh nghiệp trên, CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (FTM) đang có những biến động mạnh về mức độ lao dốc của cổ phiếu và sự từ nhiệm của người đứng đầu.
FTM vừa trải qua một cơn “sóng dữ” với chuỗi giảm sàn liên tiếp 30 phiên từ phiên 14/8 và đã kết thúc trong phiên sáng 27/9, tức đánh mất hơn 88% thị giá. Trước khi có con sóng rớt thảm này, cổ phiếu FTM đạt mức tăng gần 60% so với thời điểm một năm trước.
Hiện kết phiên 21/10, cổ phiếu FTM có giá hơn 4.000 đồng/cổ phiếu, mất đến 84% thị giá kể từ ngày bắt đầu chuỗi giảm điểm kinh hoàng.
Trước những biến động tiêu cực này, FTM cho biết nguyên nhân cổ phiếu giảm sàn đến từ việc kinh doanh không đạt kỳ vọng (lỗ hơn 31 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019) do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Từ đó một số nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu FTM đã lo ngại và bán số lượng cổ phiếu lớn ra thị trường.
“FTM vẫn đang hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường với 3 ca sản xuất liên tục. Trước tình hình kinh doanh khó khăn, Ban lãnh đạo FTM đang nỗ lực tập trung nâng cao kết quả hoạt động Công ty. Ngoài ra, FTM vẫn đang tích cực mở rộng các thị trường xuất khẩu mới như Hàn Quốc và Thái Lan… để giảm thiểu sự phụ thuộc từ thị trường Trung Quốc" - thông cáo báo chí của FTM trong ngày 18/09 cho hay.
Nhưng liệu rằng FTM có hoạt động bình thường hay không khi mà báo cáo tài chính quý 3/2019 tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn khiến Công ty bị lỗ gộp 1.3 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, FTM lỗ hơn 12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi ròng hơn 4 tỷ đồng. Đây cũng đã là quý thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp này kinh doanh lỗ.
Cộng hưởng với kết quả kinh doanh thu lỗ trong nửa đầu năm thì sau 9 tháng, FTM đạt doanh thu 810 tỷ đồng và lỗ hơn 43 tỷ đồng.
Phương Nguyễn