Sinh viên Hàn Quốc mê mải tiền ảo

Google News

Hàng loạt vụ tin tặc đánh cắp tiền ảo không làm hạ nhiệt “cơn điên loạn” vì tiền ảo của những nhà đầu tư trẻ tại Hàn Quốc.

 
Giảng đường thành nơi giao dịch
Trong một buổi tối cuối tuần tại Đại học Sungkyunkwan tại Seoul. Hơn một chục sinh viên tập trung trong một phòng học chia sẻ mẹo đầu tư vào cái gọi là tiền ảo.
Khi cả nhóm đang im lặng chúi đầu vào máy tính xem giá trị tiền ảo mà họ đầu tư đang nhảy múa, đột ngột vang lên tiếng hét của một ai đó: “Tăng vọt rồi!”.
“Tôi không muốn trở thành một giáo viên toán nữa” – Eoh Kyong-hoon, 23 tuổi, người sáng lập câu lạc bộ Cryptofactor, chia sẻ - “Tôi đã nghiên cứu về tiền ảo 10 tiếng mỗi ngày trong nhiều tháng qua và tôi chắc chắn rằng đó là tương lai của tôi”.
Thất vọng bởi viễn cảnh kinh tế ảm đạm – khi tỉ lệ thất nghiệp cao gấp 3 lần mức trung bình quốc gia – giới trẻ Hàn Quốc đang lao vào tiền ảo bất chấp rủi ro và cảnh báo từ giới chức quản lí.
Đó là một xu hướng khiến các nhà lãnh đạo và quản lí Hàn Quốc phải để mắt tới, đã có những biện pháp mới được ban hành gần đây nhằm giám sát chặt chẽ hoạt động giao dịch tiền ảo tại nước này.
Lo ngại về an toàn và đánh cắp tiền ảo bởi tin tặc cũng đã tăng lên. Một trung tâm giao dịch tiền ảo mới đây đóng cửa và nộp đơn xin phá sản sau khi bị đánh cắp lần thứ hai trong năm nay.
Tuy nhiên với sinh viên Eoh, các biện pháp kiểm soát mới không ảnh hưởng đến kế hoạch của cậu, đặc biệt sau khi Eoh đã kiếm được lợi nhuận gấp 20 lần khoản đầu tư trong 6 tháng qua.
Eoh cho biết nhiều sinh viên mang máy tính xách tay tới lớp để theo dõi biến động khoản đầu tiên tiền ảo và thực hiện giao dịch mua bán. “Thậm chí ngay khi giảng viên đang giảng bài trước mặt họ” – Eoh nói.
Bất chấp rủi ro
Theo các chuyên gia phân tích, các nhà đầu tư trẻ đặc biệt quan tâm tới cái gọi là “altcoin” – tức những loại tiền ảo có giá trị giao dịch thấp hơn nhiều Bitcoin.
Iota, một trong những loại altcoin đang được giao dịch nhiều, có giá 0,82 USD vào cuối tháng 11, nhưng nay đứng giá ở 3,89 USD, tăng 374,4% - theo Coinmarketcap.com. Energo (TSL), một loại altcoin khác, tăng 400% trong cùng kì.
Các nhà đầu tư trẻ cho biết không ngủ trước 2 giờ sáng – khi mà thị trường giao dịch tiền ảo tại những nơi như Hàn Quốc và Nhật Bản yên ắng giao dịch.
Các thành viên của câu lạc bộ cho biết họ gọi cho nhau để cùng đưa ra quyết định quan trọng, và coi chia sẻ thông tin là chìa khoá đánh giá thị trường tiền ảo hỗn loạn.
“Tôi không có kiến thức về tiền ảo hoặc kinh tế học” – Lee Ji-woo, 22 tuổi học chuyên ngành thể thao, chia sẻ. Giờ đây tiền ảo hướng giấc mơ của cô về một tương lai khác: “Tôi có thể có 2 công việc, vừa là vận động viên thể thao và vừa là một nhà đầu tư”.
Cạnh tranh gay gắt việc làm tại Hàn Quốc cũng là nguyên nhân hướng giới trẻ Hàn Quốc quan tâm tới tiền ảo, đặc biệt khi họ nhìn thấy người khác thu lời lớn – theo Shin Dong-hwa, đứng đầu trung tâm giao dịch tiền ảo Korea Blockchain Exchange.
“Bất cứ khi nào họ lên mạng xã hội, họ dễ dàng gặp nhiều người trẻ kiếm bộn tiền từ tiền ảo. Vì vậy, họ lao vào vòng xoáy làm sao kiếm lợi nhanh nhất mà cố tình không quan tâm tới bản chất “ảo” của tiền ảo” – Shin nhận xét.
“Giới trẻ và sinh viên đổ xô vào mua bán tiền ảo nhằm thu lợi khủng trong chỉ một thời gian ngắn” – Thủ tướng Lee Nak-yeon nhận xét – “Đã tới lúc chính phủ hành động để ngăn chặn xảy ra những hậu quả to lớn”.
Theo Thanh Anh/GD&TĐ