Sinh viên sập bẫy kinh doanh đa cấp kể lại phút sa chân

Google News

K. tâm sự, điều khiến cậu thức tỉnh và quyết định bước chân ra khỏi công ty kinh doanh đa cấp này là vì Lan, cô bạn thân nhất.

Dễ dàng sập bẫy
Vẽ ra môi trường làm việc năng động, học hỏi nhiều kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng, mức thu nhập hấp dẫn... cùng những lời quảng cáo "có cánh", các công ty "ma" đã khiến nhiều sinh viên rơi vào vũng bùn của các mạng lưới bán hàng kinh doanh đa cấp.
 Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Bạn Nguyễn Thế K (sinh viên năm thứ hai Đại học Sư phạm Hà Nội) nhớ lại giây phút còn là “con mồi” của mạng lưới kinh doanh đa cấp. K chia sẻ: “Đang lúc em muốn đi làm kiếm thêm thu nhập thì cậu bạn cùng quê đang học Đại học Mỏ Địa chất gọi điện rồi hỏi có muốn đi làm thêm không, công việc nhàn, thu nhập lại cao. Thấy hấp dẫn, em gật đầu ngay với mong muốn được học hỏi thêm kinh nghiệm và kiếm được thật nhiều tiền”.
K nhớ lại buổi gặp gỡ đầu tiên: “ Hôm ấy, cậu bạn em đưa tới khu tập thể trên đường Láng, có khoảng 20 người và giới thiệu đây đều là các anh em trong công ty. Mọi người rất thân thiện, nhiệt tình.
Sau đó, có một bạn mặc bộ vest sang trọng đứng lên diễn thuyết cho em về mô hình kinh doanh, em đóng vai trò là những người trung gian cung cấp sản phẩm tới tay người tiêu dùng và sẽ lấy hoa hồng theo phần trăm từ các sản phẩm bán được.
Tuy nhiên, các sản phẩm mà người này giới thiệu với giá “trên trời”, loại rẻ nhất là kem đánh răng cũng 135 ngàn, nước rửa bát 150 ngàn còn các loại mỹ phẩm thì giá khỏi phải nói luôn.
Từ lúc ấy K đã tự vẽ ra cho mình về giấc mơ sớm trở thành người giàu có nhờ tham gia mạng lưới kinh doanh đa cấp. K ra sức kêu gọi bạn bè thân thiết, kể cả họ hàng, thậm chí là mẹ em tham gia cùng. Lúc đầu, K rủ đứa bạn thân làm cùng, nó cứ nộp vào công ty 1 triệu thì K được hưởng 20% (200 nghìn đồng).
Hóa ra, hệ thống kinh doanh này chỉ dựa vào việc tuyển dụng người mới để có thu nhập, còn mấy sản phẩm như kem đánh răng, mỹ phẩm thì giá toàn đắt gấp 3 lần ngoài thị trường. Làm việc 3 tháng K phát hiện ra những người cũ cuối cùng cũng đi hết vì họ không mời được thành viên và lại càng không biết bán hàng. Sau đó, các thủ lĩnh lại tổ chức hội thảo kĩ năng sống để thu hút người tham gia.
K tâm sự, điều khiến cậu thức tỉnh và quyết định bước chân ra khỏi công ty đa cấp này là vì Lan. Lan là cô bạn thân nhất cùng cấp 3, cùng chí hướng muốn làm giàu nhanh chóng, Lan đã đồng ý tham gia mạng lưới kinh doanh cùng K.
“Số tiền bố mẹ vay mượn cho Lan và em gái nộp học phí kì đầu và tiền nhà trọ là 9 triệu Lan đã nộp hết vào công ty đa cấp này. Thành viên Lan chẳng mời được, số mỹ phẩm và kem đánh răng giá “trên trời” cũng không bán được cho ai. Tay trắng, Lan đã gửi cho em một tin nhắn tuyệt mệnh rồi uống thuốc ngủ tự tử. May thay, em gái Lan đi học về phát hiện kịp và đưa đi cấp cứu.
Nếu Lan có mệnh hệ gì thì cả đời này em sẽ phải sống trong ân hận vì chính em là người rủ Lan tham gia cùng. Từ cú sốc ấy, em quyết định nói không với công ty đa cấp này và sắn sàng chịu mất số tiền hơn 7 triệu đã bỏ vào đó”.
Giờ đây, cậu sinh viên này vẫn thấy mình thật may mắn vì có thể dũng cảm bước chân được khỏi vũng bùn đa cấp.
Bệnh tham tiền mù quáng của giới trẻ?
Chia sẻ về vấn đề sinh viên sập bẫy mạng lưới kinh doanh đa cấp biến tướng, thạc sĩ Nguyễn Thanh Xuân – Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Hội sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà nội cho hay: “Bán hàng đa cấp tại các nước phát triển là một hình thức kinh doanh mang lại lợi nhuận kinh tế khủng.
 
Tuy nhiên, tại Việt Nam, hình thức này bị biến tướng nhiều phức tạp, các tổ chức, cá nhân đã lợi dụng lòng tham của học sinh, sinh viên để phát triển mạng lưới thành viên thu lợi nhuận bất chính.
Các hình thức tiếp cận học sinh, sinh viên ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp thông qua các lời mời dự hội thảo, tham quan, gặp gỡ những người thành đạt có thu nhập khủng. Thậm chí còn trá hình trong các lớp tập huấn kĩ năng sống, kĩ năng xã hội và các lớp đào tạo miễn phí.
Thông qua chương trình chào tân sinh viên đầu năm học, chương trình táo quân do Đoàn trường tổ chức, Hội sinh viên Đại học Sư phạm Hà nội luôn nhắc nhở, hướng dẫn để sinh viên đủ tỉnh táo không tự đẩy mình thành nạn nhân của vũng bùn đa cấp.
Bên cạnh đó, TS Mai Quốc Khánh, giảng viên khoa Tâm lí học, Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay: “Học sinh, sinh viên là đối tượng rất dễ sa lưới đa cấp bởi lẽ họ là những người có nền tảng kiến thức ở mức độ tương đối. Do đó, họ có những kĩ năng cơ bản để thực hiện quá trình giao tiếp, ứng xử với những người khác, khiến đối tượng giao tiếp của họ (cụ thể là những người thân, bạn bè và những người khác trong xã hội…) dễ nghe và dễ tin. Bên cạnh đó, họ cũng có khả năng thiết lập, duy trì và mở rộng các mối quan hê xã hội rất nhanh và hiệu quả.
Hơn nữa, họ lại là những người trẻ, có hoài bão luôn muốn có công việc mang lại thu nhập cao nhưng lại không tiêu tốn nhiều thời gian và sức lực. Nói cách khác, họ rất hám lời.
Các em sinh viên đã từng “sa lưới” đa cấp cũng cần có nhận thức rõ về sai lầm của mình và xác định “khoản tiền đầu tư” đó là bài học đắt giá cho hành trình tiến vào tương lai của mình. Cùng với đó, hãy chia sẻ với các bạn, nhóm bạn hoặc phạm vi rộng hơn để mọi người hiểu rõ hơn về loại hình kinh doanh này.
Theo Infonet