|
TS. Đào Đình Khả - Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TT-TT) tại Blockchain Festival Vietnam 2018. |
Larson đang là viên chức kinh tế của một lãnh sự quán tại TP.HCM. Anh tham dự Blockchain Festival Vietnam 2018 (vừa diễn ra trong tuần) để tìm hiểu thêm về công nghệ này. "Nó phát triển quá nhanh", anh nói và sau nhiều giờ đồng hồ nghe các diễn giả từ Việt Nam, Trung Quốc, Singapore giới thiệu, Larson chia sẻ: "Tôi dường như vẫn không biết gì cả".
Nhiều người tham dự khác cũng có ý kiến tương tự Larson, không phải vì họ không hiểu các diễn giả nói gì, mà là có quá nhiều kiến thức đến mức nghe xong cũng giống như chỉ mới bắt đầu tìm hiểu.
World Bank đã nhận định, Blockchain đang là một trong số 12 trụ cột công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên thế giới và tại nhiều nước đã có những kết quả đáng khích lệ.
Tính năng phổ biến của các lĩnh vực cần Blockchain là: có sự truyền tin không hiệu quả và chi phí cao của tín thác, có nhu cầu mạnh mẽ về xác nhận và thống nhất dữ liệu, có nhu cầu chia sẻ dữ liệu lớn và sức mạnh tính toán cao.
Việc áp dụng công nghệ Blockchain đã bắt đầu phát sinh trong một số lĩnh vực như thanh toán và bù trừ, bảo mật và giải pháp thay thế, chăm sóc sức khoẻ, chuỗi cung ứng nguồn gốc và tài chính, bản quyền, quảng cáo kỹ thuật số và lĩnh vực trò chơi. Nhưng cái liên quan đến Blockchain được nhiều người biết đang nằm ở lĩnh vực giao dịch tiền mã hóa với các đồng tiền như Bitcoin...
Theo khảo sát mới nhất do Huobi (trụ sở tại Singapore) thực hiện thì hầu hết những người tham gia giao dịch Bitcoin là từ 24-34 tuổi, chiếm 39% trên tổng số. Xếp thứ nhì là lứa tuổi từ 35-44 tuổi chiếm 26%, chiếm 16% tổng số là độ tuổi từ 18-24... Tài sản kỹ thuật số đang dần được quần chúng chấp nhận.
Năm 2017, tổng giá trị vốn hoá thị trường tài sản sản kỹ thuật số thị trường tăng 30 lần, từ 17,74 tỉ USD lên.
Trong khi đó, Hubery Yuan - Hiệu trưởng Học viện Ứng dụng Blockchain Huobi đã chia sẻ báo cáo nghiên cứu về những đặc điểm nổi bật của thị trường Bitcoin Việt Nam với 3 điểm chính.
Ông đánh giá Việt Nam là một quốc gia với ngành tài chính đang trên đà phát triển, trong đó tài chính sử dụng tiền mã hóa như Bitcoin có cơ hội lan tỏa nhanh chóng và gặp ít trở ngại. Tài chính tiền mã hóa sẽ dần thâm nhập và thay thế thị trường tài chính truyền thống ở nhiều khía cạnh khác nhau, riêng với một đất nước như Việt Nam thì sự phát triển của công nghệ trong ngành tài chính có thể vượt quá mong đợi.
Việt Nam cũng là một thị trường rất trẻ với 40% dân số dưới 24 tuổi, một cơ cấu độ tuổi mang lại cơ hội tốt đối với việc tiếp nhận các khái niệm và cải tiến mới. Ngày càng có nhiều người trẻ ở Việt Nam sẵn sàng tìm hiểu về tài sản điện tử. Thống kê của Huobi cho thấy những người tham gia Bitcoin ở Việt Nam đã tăng gấp đôi từ 30.000 người trong năm 2016 lên 60.000 người vào năm 2017. Cùng với tỷ lệ sử dụng các thiết bị di động ngày càng tăng, thị trường này phát triển hơn trong tương lai với việc ngày càng có nhiều người sở hữu ví điện tử cá nhân.
Đáng lưu ý, kể từ khi Kyber Network được giới thiệu với thế giới như một sàn giao dịch phi tập trung vượt trội thì Việt Nam đã chứng minh được năng lực của mình trong ngành công nghiệp Blockchain. Một đại diện khác của Blockchain Việt Nam là Tomochain cũng đã đưa ra các giải pháp chuỗi nhằm mở rộng nền tảng điện toán Ethereum và nhận được sự chú ý rộng rãi, trở thành hạ tầng Blockchain đứng thứ hai trên thị trường phát hành tiền mã hóa vào năm 2018.
Với 2 điển hình là Kyber Network và Tomochain, tương lai của Việt Nam được kỳ vọng sẽ có nhiều dự án Blockchain nổi bật hơn, phía Huobi nhận định.
Thống kê từ Huobi cũng cho thấy hiện có 74.136 người dùng đăng ký ở Việt Nam, khối lượng giao dịch của Bitcoin xếp trong top 3 tại thị trường Đông Nam Á.
Thế nhưng, mặc dù đang có khoảng 12 sàn giao dịch Bitcoin tại thị trường Việt Nam nhưng các dịch vụ giao dịch tiền tệ hợp pháp vẫn chưa ổn định. Chính sách pháp lý của Việt Nam nghiêm ngặt hơn ở các nước Đông Nam Á và có nhiều thay đổi, khung pháp lý cho giám sát tiền mã hoá vẫn đang được xây dựng.
Sự có mặt của ông Lê Ngọc Giang với vai trò một trong những người soạn thảo khuôn khổ pháp lý đối với tiền mã hoá tại Việt Nam (Phòng luật Dân sự và Kinh tế, Bộ Tư pháp) cũng chưa thể làm rõ hơn vấn đề với đại đa số người tham dự nào mong muốn tiếp cận thêm thông tin từ chính quyền. Ông chỉ cho biết: "Chính phủ Việt Nam đã sớm nhận thấy tầm quan trọng của Blockchain và đang nỗ lực tìm giải pháp hỗ trợ để phát triển công nghệ này. Trong đó, một số lĩnh vực ưu tiên có thể sẽ được quan tâm nhiều hơn và có chính sách khuyến khích trước”.
David Nguyễn - Giám đốc Phòng Công nghiệp Việt Nam - Singapore chia sẻ thêm rằng Chính phủ đang lắng nghe và tham gia với các bên liên quan chính trong hệ sinh thái. Khung pháp lý của Việt Nam đang được hoàn thiện. Dự kiến, bản thảo có thể hoàn thành vào cuối năm nay.
Ông cho biết, điều nhà hoạch định chính sách cần làm đối với Blockchain lúc này là cung cấp không gian công nghệ mới, tránh áp đặt dự luật hạn chế trước khi sự không rõ ràng ban đầu được giải quyết; cần giúp các khoản trợ cấp ngầm trở nên công khai và các rủi ro cần được làm rõ; đồng thời bắt đầu lên kế hoạch để cân bằng sân chơi; sự kiến tạo đổi mới cần bắt đầu ở tầng chính phủ.
Hiện chủ yếu các ICO (một hình thức huy động vốn tiền mã hóa từ các nhà đầu tư của các startup) của người Việt như Kyber Network hay Tomochain đều được tiến hành từ Singapore. Cho đến khi các quy định về tiền mã hoá và ICO của Việt Nam được rõ ràng hơn thì các ICO từ Việt Nam sẽ chủ yếu thành lập tại Singapore, nơi được dự báo trở thành trung tâm ICO cho hệ sinh thái Blockchain toàn cầu.
Theo Anh Thư/Motthegioi