Mới đây, Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình (mã: QBS) vừa công bố thông tin nhận được quyết định của Chi cục thuế huyện Thủy Nguyên - TP Hải Phòng về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế.
Cụ thể, Xuất nhập khẩu Quảng Bình bị phạt hành chính gần 864 triệu đồng, do có hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Đồng thời, công ty phải khắc phục hậu quả buộc nộp đủ số tiền thuế thiếu vào ngân sách Nhà nước hơn 4,3 tỷ đồng và tiền chậm nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp gần 849 triệu đồng.
Như vậy, tổng số tiền phạt, truy thu và chậm nộp thuế mà Xuất nhập khẩu Quảng Bình phải nộp là hơn 6 tỷ đồng.
|
Soi lãi lỗ XNK Quảng Bình, công ty vừa bị phạt thuế 6 tỷ (ảnh minh họa: Internet). |
Cổ phiếu bị kiểm soát
Được biết, Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình được thành lập vào ngày 12/3/2007 và có địa chỉ trụ sở chính tại số 23, lô 01, Khu 97 Bạch Đằng, phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng. Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật công ty là bà Vũ Thị Dương. Tại ngày 31/12/2023, công ty có vốn điều lệ là hơn 693 tỷ đồng.
Theo giới thiệu tại website doanh nghiệp, Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình được biết đến như một nhà xuất nhập khẩu hàng đầu Việt Nam về phân bón và hóa chất. Công ty là nhà xuất khẩu lớn nhất cả nước về mặt hàng phân bón DAP, với khoảng 60% thị phần xuất khẩu phân DAP và khoảng 20% thị phần xuất khẩu các loại phân bón còn lại của cả nước. Đồng thời, công ty cũng là nhà nhập khẩu và phân phối hàng đầu về lưu huỳnh và axit Sulfuric với khoảng 50% thị phần nhập khẩu, phân phối lưu huỳnh và 40% thị phần nhập khẩu phân phối axit Sulfuric tại Việt Nam.
Đáng chú ý, Xuất nhập khẩu Quảng Bình nhận được quyết định xử phạt của Chi cục thuế huyện Thủy Nguyên - TP Hải Phòng giữa lúc kết quả kinh doanh không mấy tích cực. Theo báo cáo tài chính quý IV/2023 mới được công bố, Xuất nhập khẩu Quảng Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt 114 tỷ đồng, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán giảm gần 6% so với cùng kỳ năm 2022, do đó công ty báo lợi nhuận gộp chỉ vỏn vẹn 414 triệu đồng.
Cùng đó, doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ giảm mạnh 86% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 90,6 tỷ đồng, trong khi đó các chi phí khác cũng đều giảm. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận âm hơn 39 tỷ đồng
Kết quả, sau khấu trừ chi phí, Xuất nhập khẩu Quảng Bình báo lỗ sau thuế âm hơn 39 tỷ đồng trong quý IV/2023, giảm so với số lỗ gần 42 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, đây là quý có lợi nhuận ảm đạm nhất của doanh nghiệp trong năm 2023.
Lỗ lũy kế 242 tỷ đồng
Kết thúc năm 2023, Xuất nhập khẩu Quảng Bình ghi nhận doanh thu thuần tăng 26% lên hơn 453 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán tăng tương ứng dẫn đến lãi gộp tăng mạnh từ gần 187 triệu đồng lên hơn 2,2 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty có khoản lợi nhuận khác 29 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 39 tỷ đồng). Dù vậy, doanh thu không đủ bù cho chi phí khiến lợi nhuận sau thuế của Xuất nhập khẩu Quảng Bình ghi nhận âm hơn 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 lỗ gần 139 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối kế toán, tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Xuất nhập khẩu Quảng Bình đạt mức 492 tỷ đồng, giảm gần 15% so với đầu năm, tương ứng giảm 86 tỷ đồng. Trong đó, chiếm phần lớn là các khoản phải thu ngắn hạn hơn 415 tỷ đồng; hàng tồn kho hơn 55 tỷ đồng; công ty ghi nhận chỉ còn hơn 10 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền.
Đáng chú ý, tại cuối năm 2023, nợ phải trả của Xuất nhập khẩu Quảng Bình giảm hơn 68% so với đầu năm, xuống còn hơn 29 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay tài chính ngắn hạn giảm mạnh từ hơn 42 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn gần 67 triệu đồng. Tuy nhiên, nợ vay tài chính dài hạn (toàn bộ là vay cá nhân) lại tăng từ gần 817 triệu đồng đầu năm lên gần 14 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ghi nhận hơn 463 tỷ đồng.
Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2023 của Xuất nhập khẩu Quảng Bình là âm hơn 242 tỷ đồng. Đây cũng là lý do khiến cổ phiếu QBS của công ty tiếp tục bị Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) giữ nguyên diện kiểm soát theo quy định.
Để khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát, Xuất nhập khẩu Quảng Bình cho biết đang tiến hành tái cấu trúc các hoạt động kinh doanh cũng như đôn đốc thu hồi các khoản công nợ phải thu của khách hàng và đã hoàn thành nghĩa vụ chi trả các khoản gốc và lãi vay đối với ngân hàng và các nhà cung cấp.
Mặt khác, doanh nghiệp cũng đang tập trung vào mảng kinh doanh thế mạnh, đồng thời tìm kiếm nguồn khách hàng tiềm năng với kỳ vọng năm 2024 sẽ đạt được hiệu quả kinh doanh như mong muốn, giảm lỗ lũy kế, cải thiện tình trạng chứng khoán bị kiểm soát.
Liên Hà Thái