Những ngày qua, thông tin cơ quan chức năng thành phố Chiba (Nhật Bản) phát hiện vi khuẩn Coliform trong sữa đậu nành "Fami Calcium Soymilk" do Công ty Next Trading ở phường Mihama, thành phố Chiba, nhập khẩu từ Việt Nam khiến dư luận không khỏi xôn xao. Sản phẩm này là của Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy), Giám đốc Điều hành là ông Ngô Văn Tụ.
|
Dây chuyền sản xuất sữa tại Vinasoy. (Ảnh: vinasoy.com). |
Theo tìm hiểu, Vinasoy có công ty mẹ là Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, với cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán mã QNS.
Năm 2022, Đường Quảng Ngãi ghi nhận doanh thu 8.553 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2021 và vượt 7% kế hoạch doanh thu. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 1,287 tỷ đồng, tăng 3% và vượt 28% kế hoạch lợi nhuận năm.
Doanh thu mảng đường cả năm đạt 1.972 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận gộp từ 23,4% năm 2021 giảm xuống còn 19,1% năm 2022, chủ yếu do giá mía nguyên liệu tăng cao hơn mức tăng giá bán đầu ra.
Dù vậy, sữa đậu nành mới là sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất với 52% tổng doanh thu, đem về 4.305 tỷ đồng doanh thu và gần 1.752 tỷ đồng lãi gộp cho Đường Quảng Ngãi. Theo đó, năm 2022, Công ty đã tiêu thụ 265 triệu lít sữa đậu nành, giảm 2% so với năm 2021.
Các mảng kinh doanh khác như nước khoáng, bánh kẹo, nha đều chứng kiến tăng trưởng.
Năm 2023, Đường Quảng Ngãi lên kế hoạch thu về 8.400 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm ngoái. Trong khi đó, lãi sau thuế dự kiến đạt 1.008 tỷ đồng, giảm tới 22% và là mức thấp nhất kể từ năm 2014.
Về kế hoạch đầu tư năm 2023, Đường Quảng Ngãi sẽ tăng cường quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh các dự án như dự án mở rộng công suất Nhà máy Đường An Khê lên 18.000 tấn mía/ngày, dự án nhà máy Điện sinh khối An Khê, dự án dây chuyền sản xuất đường tinh luyện RE có công suất 1.000 tấn đường/ngày, đầu tư máy móc đổi mới công nghệ cho mảng bánh kẹo cũng như tiếp tục nghiên cứu, xây dựng dự án sản xuất Ethanol, dự án thịt từ thực vật để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Năm 2023, Đường Quảng Ngãi dự kiến mức cổ tức tối thiểu 15%, giảm một nửa so với năm 2022. QNS cũng lên kế hoạch trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu ESOP dựa vào kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023.
Theo báo cáo của Nielsen, Vinasoy tiếp tục duy trì và giữ vững vị thế dẫn đầu ngành sữa đậu nành tại Việt Nam với thị phần 87,8% và đứng thứ 2 trong ngành hàng sữa uống liền tại Việt Nam với 17,6% thị phần.
Trước đó, kênh NHK Japan cho biết cơ quan chức năng thành phố Chiba (Nhật Bản) phát hiện vi khuẩn Coliform trong sữa đậu nành "Fami Calcium Soymilk" do Công ty Next Trading ở phường Mihama, thành phố Chiba, nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo cơ quan chức năng thành phố Chiba, lô sữa đậu nành này được nhập khẩu vào ngày 6/3. Đến ngày 27/3, Trạm kiểm dịch Osaka của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã tiến hành kiểm tra và phát hiện sản phẩm sữa dương tính với vi khuẩn Coliform.
Ngày 28/3, thành phố Chiba đã yêu cầu công ty này thu hồi và xử lý số sữa đậu nành trên. Công ty nhập khẩu sữa đậu nành cho biết đa số sản phẩm thuộc lô hàng chưa phân phối ra thị trường, nhưng một số gói 200 ml đã được bán tại một cửa hàng chuyên bán đồ ăn Việt Nam ở thành phố Iga, tỉnh Mie.
Phản hồi thông tin trên, Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) cho biết, sau khi nhận thông tin, nhà nhập khẩu ở Nhật đã thu hồi toàn bộ lô hàng này và gửi mẫu cho đơn vị thứ ba tại Nhật Bản để kiểm định.
Phía công ty đã kiểm tra mẫu lưu đối chứng cùng mã sản xuất tại nhà máy và không phát hiện bất thường. Công ty cũng đã gửi mẫu cho các cơ quan kiểm định độc lập để có kết quả cuối cùng. Thông tin về kết quả sẽ được công khai cập nhật.
Khánh Hoài (T/H)