Sữa Đông Trùng Hạ Thảo Hồng Sâm Ngọc Linh quảng cáo “láo”: Có dấu hiệu buôn bán hàng giả?

Google News

(Kiến Thức) - Luật sư Hà nhận định, Công ty TNHH Tập đoàn sữa dinh dưỡng Quốc tế Việt Nam New Zealand vi phạm quảng cáo sữa bột Đông Trùng Hạ Thảo Hồng Sâm Ngọc Linh có dấu hiệu của việc buôn bán hàng giả, giả mạo về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm chưa được kiểm định lại,… Do vậy, cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ.
 

Thông tin về sự việc Công ty TNHH Tập đoàn sữa dinh dưỡng Quốc tế Việt Nam NewZealand mượn danh hình ảnh Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên và Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam quảng cáo “láo” sản phẩm sữa bột Đông Trùng Hạ Thảo Hồng Sâm Ngọc Linh nhằm "móc túi" khách hàng đang gây xôn xao dư luận.
Tiếp đó, dư luận đặt nhiều nghi vấn: Công ty TNHH Tập đoàn sữa dinh dưỡng Quốc Tế Việt Nam NewZealand vi phạm luật quảng cáo như thế nào? Nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu sữa bột Đông Trùng Hạ Thảo Hồng Sâm Ngọc Linh ra sao? Phải chăng, các cơ quan quản lý nên có cuộc thanh kiểm tra đối với hoạt động của doanh nghiệp này để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng?
Sua Dong Trung Ha Thao Hong Sam Ngoc Linh quang cao “lao”: Co dau hieu buon ban hang gia?
 
Nhìn nhận sự việc trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Phạm Thu Hà - Văn phòng luật sư Trung Hòa, đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP, hàng giả đã được quy định rất rõ ràng, cụ thể: Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký; Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc trong các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;
Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.
Như vậy, đối hành vi của Công ty TNHH Tập đoàn sữa dinh dưỡng Quốc tế Việt Nam New Zealand mượn danh hình ảnh Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên và Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, giả mạo địa chỉ trụ sở của Viện là địa chỉ văn phòng để bán sữa bột Đông Trùng Hạ Thảo Hồng Sâm Ngọc Linh có dấu hiệu của việc buôn bán hàng giả?
Ngoài ra, LS cho biết, doanh nghiệp này còn có dấu hiệu trong việc giả mạo về nguồn gốc, chất lượng chưa được kiểm định lại, hạn sử dụng , ngày sản xuất không công khai,… ?

Video: Công ty TNHH Tập đoàn sữa dinh dưỡng quốc tế Việt Nam NewZealand mượn danh hình ảnh Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam để giới thiệu sản phẩm sữa bột Đông Trùng Hạ Thảo Hồng Sâm Ngọc Linh.

Theo luật sư Hà, nếu doanh nghiệp có hành vi nêu trên, có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Cụ thể, tại Điều 192 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, tùy một số trường hợp.
Hoặc phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn; g) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; h) Làm chết người;i) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên; k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
l) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; m) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;n) Tái phạm nguy hiểm.
Theo luật sư Hà, pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt: a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng; c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
Vị luật sư nhấn mạnh, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả không chỉ vi phạm pháp luật còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức trong kinh doanh, gây hại cho người sử dụng. Do vậy, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ các vấn đề liên quan đến Công ty TNHH Tập đoàn sữa dinh dưỡng Quốc tế Việt Nam NewZealand. Nếu có vi phạm cần phải xử lý nghiêm khắc.
*Kiến Thức tiếp tục thông tin.
Đoàn Khang