"Sức khoẻ" doanh nghiệp dưới trướng lãnh đạo nữ trong quý 3

Google News

Trong quý 3, không ít doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, chưa thể trở lại sau dịch Covid thì một số đơn vị đặc biệt là doanh nghiệp được lãnh đạo bởi phụ nữ ghi nhận kết quả khởi sắc.

Nữ tướng có tiếng nhất phải kể đến bà Mai Kiều Liên. Trong hơn 46 năm làm việc tại Vinamilk (VNM), trong đó có 3 thập kỉ ở cương vị Tổng Giám đốc, bà Mai Kiều Liên được biết đến như một lãnh đạo nổi tiếng với tinh thần luôn đổi mới sáng tạo, không ngại thay đổi.
Trong quý 3 vừa qua, VNM công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 với tổng doanh thu hợp nhất đạt 16.094 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.363 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, công ty hoàn thành lần lượt 70,2% và 69,1% kế hoạch năm.
 Nữ tướng của VNM Mai Thị Kiều Liên.
Kết quả kinh doanh này được củng cố nhờ mức tiêu dùng ngành sữa ổn định trở lại. Đồng thời, Vinamilk cũng đang triển khai nhiều dự án tái định vị, tái cấu trúc mạnh mẽ để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn và tối đa hóa các lợi thế sẵn có về thương hiệu, quy mô kinh tế, sức mạnh tài chính trong bối cảnh môi trường cạnh tranh tăng cao.
Thời gian gần đây khi thị trường chứng khoán bắt đầu thể hiện sự bất ổn, cổ phiếu Vinamilk vẫn duy trì nhịp giao dịch tương đối ổn định. Trong quý 3, cổ phiếu VNM được khối ngoại mua ròng gần 12,6 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 920 tỷ đồng.
Dù gặp khó trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19, Vĩnh Hoàn (VHC) của CEO Trương Thị Lệ Khanh đã vực dậy và báo lãi tăng mạnh trong quý vừa qua nhờ vào hoạt động kinh doanh chính.
Theo đó, doanh thu thuần trong quý của công ty đạt 3.261 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ. Khấu trừ các chi phí, VHC lãi trước thuế 546 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ và lãi sau thuế 460 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ. Lãi ròng 450 tỷ đồng, tăng 76%.
Lũy kế 9 tháng, VHC ghi nhận doanh thu thuần đạt 10.755 tỷ đồng, tăng 69% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.815 tỷ đồng, tăng 179% so với cùng kỳ.
Nữ tướng của VHC Trương Thị Lệ Khanh.
VHC đang thực hiện chiến lược đầu tư cho cơ hội gia tăng lợi nhuận thông qua chuỗi giá trị. Bên cạnh hoạt động truyền thống xuất khẩu cá tra, bà Khanh đang hướng VHC đến tăng doanh số bán mỡ cá và bột cá 20% trong năm nay, tăng 60% doanh số sản phẩm collagen và gelatin nhờ nhà máy mới đi vào hoạt động…
Với những thành tích chèo lái VHC trở thành những công ty top trong ngành, Chủ tịch Trương Thị Lệ Khanh đã được tạp chí Forbes công bố 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á năm 2020.
Ngoài ra, bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch FPT Retail cũng vinh dự được tạp chí Forbes vinh danh trong năm đó. Bà Nguyễn Bạch Điệp đã đến làm việc tại FPT sau khi tốt nghiệp vào năm 1994 và kéo dài mối lương duyên này đến tận hiện tại khi được giữ chức Chủ tịch của FPT Retail.
Bà Điệp cho biết đó là con đường không mấy dễ dàng bên cạnh những thành tích mà FPT đạt được như mọi người đã thấy còn có rất nhiều những khó khăn khi biến động thì trường, bài toán về mặt bằng, đóng mở các chi nhánh cửa hàng, duy trì và đẩy mạnh doanh thu,…
Trong quý gần nhất, FRT đạt 7.700 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Quý 3, Công ty lãi ròng hơn 84 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ.
 Nữ tướng của FRT Nguyễn Bạch Điệp.
Trong đó, chuỗi nhà thuốc Long Châu được xem là một trong những lá chủ bài của FRT với kết quả đầy hy vọng thời gian qua. Trong quý 3, Long Châu có doanh thu gấp 2,1 lần cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu đạt 6.500 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ, đóng góp 30% vào doanh thu hợp nhất của Công ty. Thời điểm cuối tháng 9/2022, Long Châu đang sở hữu 800 nhà thuốc trên cả nước, mở mới 400 điểm bán so với đầu năm, hoàn thành kế hoạch mở mới của cả năm.
Về tình hình quý 4, FRT cho rằng nền kinh tế cũng như thị trường tài chính đang bước vào giai đoạn “mùa đông”, mang đến nhiều rủi ro khó lường từ lạm phát, lãi suất, cho đến biến động tỷ giá. Điều này dẫn đến dự đoán gia tăng về chi phí, làm giảm sức mua.
Một nữ tướng khác - một kỹ sư điện lạnh Nguyễn Thị Mai Thanh là người chèo lái Cơ điện lạnh (REE) từ những năm 80 - 90 để phát triển thành một tập đoàn lớn hiện nay...
Trải qua nhiều khó khăn, REE ngày càng bứt tốc trong công cuộc kinh doanh. Trong quý 3 vừa rồi, REE ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.233 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, REE cũng ghi nhận tới hơn 358 tỷ đồng lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Hiện tính tới 30/9/2022, doanh nghiệp đang có 18 công ty liên kết và 31 công ty con, nhiều trong số đó là các doanh nghiệp mảng thuỷ điện và nước.
Khấu trừ các khoản chi phí, REE báo lãi sau thuế 834 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với thực hiện quý 3/2021, trong đó lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ là 681 tỷ đồng.
 Nữ tướng của REE Nguyễn Thị Mai Thanh.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của REE tăng tốt 61% lên hơn 6.300 tỷ đồng. Kết quả lợi nhuận sau thuế đạt 2.545 tỷ đồng, gấp 2,1 lần cùng kỳ năm trước.
Như vậy, so với kế hoạch đặt ra năm 2022 là doanh thu hợp nhất 9.247 tỷ đồng và lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ 2.061 tỷ đồng (lần lượt tăng 60% và 10% so với thực hiện năm ngoái), kết thúc quý 3, REE đã hoàn thành 68% chỉ tiêu doanh thu và gần về đích với chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Với chiến lược hiện tại, bà Mai Thanh đang hướng REE đến mô hình công ty Holdings - sở hữu các doanh nghiệp hàng đầu trong ba lĩnh vực cơ điện lạnh, bất động sản và cơ sở hạ tầng tiện ích (điện, nước) tại Việt Nam.
Anh Nhi