Các khu công nghiệp (KCN) với môi trường tập trung đông người, làm việc trên dây chuyền cố định không thể đảm bảo giãn cách, là điều kiện rất thuận lợi để COVID-19 lây lan và bùng phát. Việc COVID-19 bùng phát trong các KCN, là một đòn đánh rất mạnh vào kinh tế cũng như vào y tế. Dịch bệnh tại đây sẽ lây lan nhanh, bùng phát mạnh trong một thời gian ngắn, đòi hỏi có sự tập trung hỗ trợ y tế rất lớn; đi kèm theo đó là việc kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi một dây chuyền, một nhà máy phải dừng sản xuất, sẽ ảnh hưởng đến một loạt chuỗi cung ứng, nhà máy khác trong cả nước, thậm chí là trên toàn cầu.
Apple đã phải tạm dừng hoạt động sản xuất tại Bắc Giang thời gian vừa qua, ngay khi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tuyên bố chấp nhận rủi ro, thiệt hại để đảm bảo an toàn cho cả nước. Việc 4/5 KCN lớn nhất trên địa bàn Bắc Giang phải ngừng hoạt động, có thể coi là quyết tâm rất lớn của UBND tỉnh Bắc Giang trong việc phòng chống dịch. Cần phải nói thêm, trong nhiều năm qua các KCN này đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp FDI lớn, là động lực để Bắc Giang nằm trong top các tỉnh có tăng trưởng tổng sản phẩm cao hàng đầu cả nước.
Foxconn hiện đang trong quá trình thiết lập nhà máy với vốn đầu tư 260 triệu USD tại KCN Quang Châu, dự kiến sẽ đi vào vận hành trong quý 3/2021 tới đây, cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và giãn cách xã hội. Tuy nhiên, rủi ro này là hoàn toàn có thể chấp nhận được, vì so với việc chống dịch trên quy mô lớn hay trong các khu công nghiệp, việc tạm dừng làm việc từ trước khi dịch bệnh bùng phát, có thể xem là một lựa chọn khôn ngoan.
Đánh giá về thiệt hại khi dịch bệnh lây lan trong KCN, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận: “Hiện nay Việt Nam như cánh đồng trũng, bên ngoài sóng to, gió lớn chúng ta phải bao đê cho chặt, chỉ một chỗ rò rỉ, một tổ kiến hổng không bịt kín lại thì có thể làm sập cả đê". Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương phải quán triệt thật sâu sát đến các địa phương. Để xảy ra dịch bệnh trong các KCN có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Nền kinh tế của đất nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu chúng ta để "thủng" các KCN.
Theo thống kê, Việt Nam hiện tại có 369 khu công nghiệp, gần 30 khu cửa khẩu, chế xuất với khoảng 3,8 triệu lao động; 700 cụm công nghiệp với khoảng 600 nghìn lao động.
Không chỉ có môi trường làm việc tập trung khiến dịch bệnh dễ lây lan, các khu công nghiệp còn là nơi tập trung nhiều nhà trọ, dịch vụ ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí - đều là những địa điểm nguy cơ cao có thể phát tán dịch bệnh.
Ví dụ như tại Bắc Giang, tính từ ngày 8/5 khi phát hiện ca mắc đầu tiên, chỉ sau hơn một tuần đã phát hiện 400 ca F0, số lượng F1 tăng theo cấp số nhân. Ban đầu, dịch bệnh khởi phát từ một nhà máy, sau đó đã lan ra nhiều KCN khác, rồi lan ra cả các địa phương khác trên toàn tỉnh.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khuyến cáo, các hoạt động sinh hoạt tập thể trong các KCN cần có sự điều chỉnh phù hợp. Ví dụ như, tại các bếp ăn, ngoài việc thực hiện vách ngăn bàn ăn, doanh nghiệp nên điều chỉnh giờ ăn theo ca để đảm bảo khoảng cách an toàn, tránh tập trung quá đông người...
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần rà sát lại toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch và sẵn sàng kích hoạt các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao nhất.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, Việt Nam đang phải đối mặt với làn sóng dịch thứ 4, chủ yếu là do chủng Delta từ Ấn Độ gây ra. Quy mô của làn sóng dịch thứ 4 vì đó cũng sẽ phức tạp và nguy hiểm hơn những đợt dịch trước đó. Do đó, cần nâng cao khả năng chẩn đoán, đảm bảo cung cấp đầy đủ thuốc, vật tư hàng hóa, thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch của Bộ Y tế và tuân thủ triệt để các quy định của nhà nước khi có yêu cầu.
Trần Hoài