Thành tỷ phú nhờ "cả gan" cầm cố nhà để trồng rong nho

Google News

Phát hiện rong nho có nhiều dược tính cao, ông Duy tìm hiểu và học nhiều chuyên gia rồi tìm ra bí quyết trồng loài thực vật này ở Khánh Hòa, giúp thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Cầm cố nhà lấy tiền để trồng rong nho

Hơn 10 năm trước, khi còn làm quản lý dược cho một công ty ở Nha Trang (Khánh Hòa), ông Nguyễn Quang Duy, 42 tuổi, đã thích tìm hiểu về rong nho. Qua tài liệu, ông biết đến rong nho (tên khoa học Caulerpa lentillifera) là loại tảo biển, được ví như “trứng cá hồi xanh" của Nhật Bản, có tính chất dinh dưỡng cao, du nhập vào Việt Nam từ năm 2004. Đặc biệt, loài thực vật này có thể phát triển mạnh ở Khánh Hòa.

Vì thế, ông ấp ủ nuôi trồng rong nho, đưa sản vật của địa phương vào thị trường. "Tôi nghĩ chỉ đọc sách vở, không ứng dụng thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Phải làm thực mới biết", ông Duy nói. Sau đó, ông xin nghỉ việc với mức lương tháng cao để quyết tâm chinh phục loài thực vật này cũng như cho mình một hướng khởi nghiệp mới.

Thanh ty phu nho

Vùng trồng rong nho của ông Duy ở Khánh Hòa, nhìn từ trên cao. (Ảnh: Song Anh).

Thanh ty phu nho

Ông Duy kiểm tra các bể rong nho. (Ảnh: Xuân Ngọc).

Năm 2012, ông Duy đầu tư trồng thử nghiệm 30.000m2 rong nho tại xã Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa. Ông cũng liên kết với nhiều đơn vị khác để vừa làm, vừa tiếp cận nhằm tìm ra công thức chuẩn cho nuôi trồng và chế biến. Sau thử nghiệm, rong nho đạt sản lượng khoảng 2,5 tấn/ha.

Tuy nhiên, trồng rong nho là mô hình mới, việc chăm sóc chưa đạt nhiều kết quả như mong muốn dẫn tới sản lượng thấp.

Rong nho trồng được, ông mang tặng người thân, hàng xóm. Mọi người sử dụng thấy ngon, rồi truyền tai nhau. Ông bắt đầu có khách, song số lượng bán ra không nhiều. Tuy nhiên, điều ông không hình dung được là trồng rong nho quy mô lớn, nhưng người dân chưa biết nhiều về loài thực vật này khiến đầu ra khó khăn, chỉ mang tính chất nhỏ giọt khiến kinh doanh thua lỗ. Số lượng hàng tồn nhiều, ông “đứng ngồi không yên".

Sau nhiều đêm không ngủ, ông tìm ra được căn nguyên vấn đề: quan trọng là việc tiếp cận và đưa sản phẩm ra thị trường, nhưng đơn vị chưa đáp ứng được. Ông đi nhiều nơi trong nước, thậm chí tìm cách qua nhiều nước như Mỹ, Nhật tìm kiếm thị trường quốc tế, với mong muốn nhiều người biết đến lợi ích dinh dưỡng mà sản phẩm rong nho mang lại.

Thanh ty phu nho

Ông Duy nhớ lại thời gian khó khăn, thậm chí phải cầm cố nhà cửa tại ngân hàng lấy vốn để tiếp tục sản xuất rong nho. (Ảnh: Xuân Ngọc).

 

Trải qua những lần đàm phán, nỗ lực của ông Duy cũng được đáp lại khi không lâu sau đó, lô hàng đầu tiên của công ty được đối tác lựa chọn để đưa qua Trung Quốc và Nhật Bản. Khi đó, vợ chồng ông cùng nhân viên tất bật làm để kịp hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, sản phẩm tới nơi thì bị đối tác trả về.

“Họ phản hồi rằng, do vận chuyển lâu, rong nho bị hư hỏng đành phải hủy, trong khi tổng lô hàng của tôi cả tỷ đồng”, ông Duy nhớ lại.

Thua lỗ nặng, việc kinh doanh của công ty “rối như cuộn chỉ" vì không thể xoay xở dòng tiền. “Căng thẳng là điều lúc đó tôi luôn gặp phải. Bởi, chỉ vì khát khao nuôi thành công rong nho, tôi mới đẩy mình vào cảnh éo le", ông tâm sự. Nhớ lại lúc ấy nhà không có gì đáng giá để bán, ông đành cầm cố căn nhà duy nhất của gia đình phải để tiếp tục sản xuất và sang Nhật Bản học hỏi kinh nghiệm.

Từ những lần rong ruổi, ông Duy nhận ra, điều quan trọng của rong nho là quản lý về hàm lượng và an toàn thực phẩm, môi trường nuôi không được sử dụng hoá chất. Sản phẩm này có thời gian bảo quản khá ngắn, từ 2-3 tháng, muốn bản quản lâu hơn thì phải hạn chế tạp chất và vi khuẩn.

Đến năm 2014, thông qua chương trình hợp tác, ông Duy kết nối được với đoàn chuyên gia Nhật Bản để học đến thăm và kiểm nghiệm vùng nuôi rong nho ở thị xã Ninh Hòa.

Kết quả, đoàn chuyên gia đánh giá, rong nho trồng tại địa phương phát triển tốt, chất lượng hơn "thủ phủ" rong nho thế giới ở Okinawa (Nhật Bản) nên có lời đề nghị xuất khẩu sản phẩm của công ty sang thị trường Nhật. Từ đó, rong nho có đầu ra và ổn định.

Thanh ty phu nho

Rong nho được đánh giá có nhiều chất dinh dưỡng. Ảnh: Xuân Ngọc.

Thanh ty phu nho

Công nhân xử lý, đóng gói rong nho trước khi đưa ra thị trường. Ảnh: Xuân Ngọc.

"Thủ phủ" trồng rong nho lớn nhất nước

Hơn 10 năm trồng rong nho, trải qua nhiều lần thua lỗ với tiền tỷ nhưng không nản lòng, ông Duy đã mở rộng được quy mô nuôi. Từ 30.000m2 ban đầu, nay diện tích trồng rong nho của công ty lên tới 85ha, nằm ở Ninh Hòa, Cam Ranh (Khánh Hòa) và cả Ninh Thuận, Phú Yên,... Ông dự kiến phát triển thêm 80ha trong thời gian tới.

Rong nho sau khi thu hoạch sẽ được đưa về hàng chục bể lớn được phun sương, sục nước liên tục tại xưởng ở ngoại ô TP. Nha Trang. Nơi đây, hàng chục công nhân tất bật làm việc. Họ chia ra các bể chăm sóc, vớt rong rồi đưa vào sơ chế để thành phẩm.

Ông Duy cũng hoàn thiện quy trình sản xuất, xây dựng nhà máy đóng gói và chế biến, công thức và quy trình sản xuất được thực hiện kỹ lưỡng, đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu sang nước ngoài như HACCP, ISO, FDA...

Trung bình mỗi tháng công ty xuất khẩu khoảng 40 tấn rong nho, trong đó hai thị trường lớn là Nhật Bản và Mỹ, 30 tấn cho phục vụ thị trường trong nước. Mỗi năm, công ty đạt tổng doanh thu hàng chục tỷ đồng. Thời gian tới, công ty sẽ nghiên cứu đưa ra nhiều sản phẩm từ rong nho, đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường ở châu Âu, châu Á.

Đặc biệt, năm 2020, công ty sản xuất và chế biến rong nho của ông còn được tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng chứng nhận kỷ lục có diện tích nuôi trồng và sản lượng thu hoạch rong nho Nhật Bản lớn nhất nước.

Theo Xuân Ngọc/Vietnamnet