Ngày 25/11, được sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay".
Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng); đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường và lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương; lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; trên 50 chuyên gia, nhà khoa học và đại diện hàng trăm doanh nghiệp bất động sản.
|
Toàn cảnh buổi hội thảo. |
Doanh nghiệp bất động sản “khó trăm bề”
Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, trong giai đoạn vừa qua, sự phát triển và đóng góp hiệu quả của thị trường bất động sản Việt Nam đã góp phần quan trọng làm nên sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước và trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ngành bất động sản vẫn giữ vai trò quan trọng đối với việc thu hút, gia tăng lao động. Các doanh nghiệp bất động sản đã tạo ra việc làm cho hàng triệu lao động và thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội, đời sống cho người lao động tại nhiều địa phương.
Tuy nhiên, chưa bao giờ doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đối diện với nhiều khó khăn như giai đoạn hiện nay, nhất là về cơ chế, chính sách đầu tư, về nguồn vốn tín dụng và thị trường. Dù thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nói riêng thời gian qua chưa thực sự phát huy hết tiềm năng và thế mạnh, nhiều mảng thị trường chưa được khai thác và đầu tư có hiệu quả. Không thể phủ nhận rằng, cơ chế và chính sách đối với thị trường bất động sản trong thời gian qua còn những hạn chế nhất định.
|
Ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng. |
Trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa, hướng đến tầm nhìn 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, việc phát triển thị trường bất động sản hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia - đô thị hóa nhanh và bền vững, cần xây dựng chiến lược tầm nhìn dài hạn, và có chính sách cụ thể được thể chế hóa, nhằm thúc đẩy thị trường phát triển minh bạch, lành mạnh và ổn định dài hạn...
Chủ tịch Hiệp hội BĐS thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu chia sẻ, nguồn cung các dự án nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh, đã sụt giảm mạnh. Vướng mắc lớn nhất là vấn đề pháp lý, mà cụ thể là quy định dự án để xây dựng nhà ở thương mại phải có 100% đất ở thuộc quyền sử dụng hợp pháp mới được công nhận là chủ đầu tư, dẫn đến trong 5 năm qua, hàng trăm dự án nhà ở thương mại trong cả nước không thể triển khai thực hiện (Khoản 1, Điều 75 Luật Đầu tư 2020). Bởi nhiều dự án có diện tích đất hỗn hợp, đất nông nghiệp chưa hoàn thiện thủ tục chuyển đổi...
Ngoài nguyên nhân trên, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, còn có nguyên nhân nhiều doanh nghiệp mua gom đầu cơ, gọi là thu gom rất nhiều đất để phát triển dự án nhưng thực chất chỉ phát triển có lệ. Trong khi các doanh nghiệp khác cần lại thiếu đất, thiếu dự án trầm trọng. Thực trạng này gây lãng phí đất đai nghiêm trọng, làm đình trệ tài chính và khiến thị trường rơi vào rủi ro...
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest nhìn nhận, ách tắc lớn nhất trên thị trường bất động sản hiện nay là do khung pháp lý. Có lẽ chính vì bất động sản phải chịu sự tác động điều tiết của 12 Luật khác nhau. Trong đó, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đất Đai, Luật Đầu tư… là “xương sống” của thị trường nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, thiếu đồng bộ.
Các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản
Tại 2 phiên thảo luận của Hội thảo, các chuyên gia đã cùng đưa ra những giải pháp tháo gỡ những chồng chéo trong thủ tục đầu tư, ảnh hưởng đến nguồn cung của thị trường bất động sản, tháo gỡ các vướng mắc về Thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng... Đồng thời đưa ra những kiến nghị về sửa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng... và những chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp nhằm kéo giảm giá nhà, cân bằng cung cầu trên thị trường. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng kiến nghị tháo gỡ khó khăn về tài chính - công nghệ cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
|
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Khôi. |
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị, xây dựng lại quy trình triển khai thực thi các thủ tục và công khai, minh bạch. Cụ thể là các bước chấp nhận chủ đầu tư, thu tiền sử dụng đất...
Trong tham luận, PGS.TS.Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay, chính sách trong giai đoạn ngắn hạn và trung hạn 2022 - 2023 và đến 2025, để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản, cần hướng đến các chủ thể khác nhau với các nhóm chính sách khác nhau. Trong đó chú trọng chính sách nâng đỡ những doanh nghiệp mạnh, những địa bàn thuận lợi. Gỡ vướng mắc pháp lý, tập trung phê duyệt dự án mới. Giảm thuế, phí, không phạt chậm nộp thuế phí và các nghĩa vụ tài chính liên quan đến bất động sản.
Đồng thời cần có chính sách cứu những doanh nghiệp khó khăn, những địa bàn khó khăn, đơn cử như đề xuất xem xét giảm 2 điểm % lãi suất cho vay để doanh nghiệp bất động sản giảm gánh nặng lãi suất trong giai đoạn phòng tránh Covid-19.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ thị trường bất động sản thông qua phát triển cơ sở hạ tầng. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân đầu tư công có tác động mạnh đến thị trường bất động sản, giải ngân đầu tư công thấp sẽ làm cho thị trường bất động sản không được hưởng lợi từ vốn ra khỏi hệ thống để vận hành vào nền kinh tế.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia phân tích, pháp lý không minh bạch, rõ ràng đã dẫn đến nhiều rắc rối trên thị trường bất động sản. Giá bất động sản đã tăng cao. Nhiều người trẻ nghĩ 1,5 tỷ đồng có thể mua được một căn chung cư "ngoài vành đai", cách xa trung tâm, nhưng giá thực tế có thể đã lên đến 2,5 tỷ đồng. Vì vậy, ông Nghĩa đề xuất, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Bộ Xây dựng nên chăng thành lập một bộ phận rà soát lại toàn bộ quỹ đất trong thành phố để thu hồi hoặc đánh thuế thật mạnh.
Về tín dụng cho bất động sản, TS. Lê Xuân Nghĩa kiến nghị nên có sự đối xử phân biệt với các dự án bất động sản để những doanh nghiệp nào có mục tiêu phát triển dự án tốt nhận được sự ưu đãi phát triển dễ dàng hơn. Ngoài ra, cần tìm cách giải ngân vốn cho bất động sản hợp lý hơn.
|
TS. Vũ Tiến Lộc ĐBQH, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, phát biểu. |
TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam nhìn nhận, mọi con đường liên quan tới đất đai đều đi qua hệ thống pháp lý. Pháp lý rất quan trọng trong việc phát triển lĩnh vực bất động sản. Vì vậy, điểm nghẽn lớn nhất trong bất động sản hiện nay cũng chính là vấn đề pháp lý và cần phải có những giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn này.
“Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có đề án cụ thể phát triển tầm nhìn cấp quốc gia cho thị trường bất động sản Việt Nam. Vì vậy, tôi cho rằng, Bộ Xây dựng cần có sự quan tâm và là đầu mối lãnh đạo hiệp hội bất động sản để có những chiến lược phát triển thị trường bất động sản Việt Nam”, ông Lộc khẳng định.
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, thị trường bất động sản Việt Nam được được đánh giá còn nhiều dư địa phát triển và kỳ vọng sẽ sớm phục hồi khi nhu cầu ở nhiều phân khúc vẫn tích cực. Khi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ được triển khai mạnh mẽ và có sự điều chỉnh về cơ chế, chính sách, đặc biệt là hành động của các địa phương, thị trường bất động sản Việt Nam chắc chắn sẽ tăng tốc và bứt phá.
Hoàng Minh