Thiết bị tiết kiệm điện có 'thần thánh' như lời giới thiệu?

Google News

Nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Do đó, nhiều người chạy xô đi mua thiết bị tiết kiệm điện mà không hay biết rằng, công dụng của nó không "thần thánh"như những gì người bán quảng cáo.

Thị trường thiết bị tiết kiệm điện "nở rộ"

Thời gian gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu sử dụng điều hòa, quạt làm mát tăng mạnh, kéo theo đó là số điện cũng tăng lên. Trước tình trạng này, không ít hộ gia đình lựa chọn mua các thiết bị tiết kiệm điện, được quảng cáo rộng rãi trên mạng xã hội, trang thương mại điện tử, cửa hàng…

Khảo sát nhanh trên các trang thương mại điện tử như: Lazada, Tiki, Shoppe, không khó để tìm mua các thiết bị tiết kiệm điện có xuất xứ Hàn Quốc, Trung Quốc....Giá mỗi thiết bị tiết kiệm điện này có giá dao động từ 200.000 đồng đến hàng triệu đồng. Đặc điểm chung của những sản phẩm này là nhỏ gọn, cầm vừa trong lòng bàn tay. Cấu tạo bên ngoài được thiết kế như một chiếc hộp nhỏ bằng nhựa, có đèn báo sáng. Đặc biệt là phần lớn các thiết bị tiết kiệm điện năng đều được bán qua đường online, tránh rủi ro mà các chủ hàng thực hiện.

Có thể thấy, giữa một "rừng" các loại thiết bị tiết kiệm điện, thì tụ bù tiết kiệm điện ICEVN do Trung tâm bảo trợ tàn tật ICEVN (nay là Công ty CP Tập đoàn Thanh niên Việt Nam) sáng chế thu hút khách hàng nhất. Lý do khiến hàng nghìn người sẵn sàng mua tụ bù điện bởi những thông tin và bằng chứng có vẻ đáng tin cậy mà người bán trưng ra như “phát minh bởi vua sáng chế - giáo sư Trần Văn Tín”, “giấy chứng nhận giám định của phân viện Khoa học Hình sự (KHHS) của Bộ Công an”.

Thế nhưng, Giáo sư Trần Văn Tín - người sáng chế dòng sản phẩm tụ bù tiết kiệm điện ICEVN - khẳng định tụ bù tiết kiệm điện không có khả năng giảm hóa đơn tiền điện tới 10-15% như quảng cáo. Thay vào đó, tụ bù chỉ có có tác dụng giảm phần điện năng hao phí do đường dây và phụ tải, góp phần ổn định dòng điện chứ không giảm công suất tiêu thụ dòng điện như nhiều người lầm tưởng.

Vậy, làm sao những dòng sản phẩm trên lại được tin dùng? Bởi hầu hết những quảng cáo liên quan đến các thiết bị tiết kiệm điện đều "thổi phồng" khả năng giảm được từ 30 - 50% tiền điện hàng tháng. Thế nhưng, thực tế không phải như vậy!

Để lấy được niềm tin của khách hàng, người bán quay video cắm thiết bị tiêu thụ điện năng vào ổ sau đó sử dụng thêm sản phẩm được quảng cáo. Điện năng tiêu thụ hiển thị trên thiết bị đo sẽ lập tức giảm xuống chỉ còn một nửa. Thực tế, đây chỉ là chiêu trò với thủ thuật riêng.

Thiet bi tiet kiem dien co 'than thanh' nhu loi gioi thieu?

Đa dạng các loại thiết bị tiết kiệm điện trên thị trường

Công dụng thiết bị tiết kiệm điện không "thần thánh" như chào mời

Thực tế, việc các sản phẩm tiết kiệm điện trên có thực sự giúp gia đình tiết kiệm hay không? Nhiều khách hàng vẫn mơ hồ đặt dấu chấm hỏi? Theo các chuyên gia, thực tế, thiết bị dùng để hỗ trợ giảm điện năng tiêu thụ nhưng mức giảm chỉ 1-5% trong điều kiện tối ưu, áp dụng với các thiết bị có công suất nhỏ như quạt thường không có điều khiển.

Còn các thiết bị tiết kiệm điện trên thị trường được bán với giá từ vài trăm nghìn, cấu tạo đơn giản, không thể giúp giảm lượng điện năng tiêu thụ nhiều như quảng cáo. Thay vì tin tưởng những sản phẩm tiết kiệm điện chưa được xác minh công dụng, người dân nên áp dụng các biện pháp tiết giảm điện năng tiêu thụ trong gia đình.

Theo ông Trần Văn Thịnh, Trưởng bộ môn thiết bị điện - điện tử, Khoa Điện (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, thiết bị nào khi cắm vào nguồn điện cũng tiêu thụ một lượng điện nhất định. Về nguyên lý, các thiết bị đó chỉ giúp chế độ tải của các thiết bị hoạt động tốt hơn. Trong các nghiên cứu và thực tế hiện nay mới chỉ thực hiện tiết kiệm được từ 1 - 5% lượng điện tiêu thụ là rất nhiều. Với thiết bị tiết kiệm điện chỉ với bằng một ít vẩy nhựa đen bôi lên, với vài con tụ và cuộn dây... trong kết cấu mà lại có thể tiết kiệm tới 40 - 50% lượng điện tiêu thụ thì chỉ có thể là trò lừa bịp.

Vì vậy, người tiêu dùng hiện tại nên cảnh giác với các sản phẩm tiết kiệm điện nhập khẩu trôi nổi ngoài thị trường vì phần lớn đây chỉ là thiết bị bù công suất phản kháng, giảm tổn thất trên hệ thống điện, chứ hoàn toàn không có chức năng tiết kiệm điện như quảng cáo. Kể cả trong trường hợp trên thị trường có những loại thiết bị thực sự có tác dụng làm công tơ điện chạy chậm lại thì ngành điện sẽ bị thiệt hại nặng nề. 

Liên quan đến các thiết bị tiết kiệm điện được quảng cáo rộng rãi với khả năng tiết kiệm điện tối ưu, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) đã giao cho Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 phối hợp với Viện Đo lường Việt Nam tiến hành thử nghiệm, kiểm tra hai mẫu thiết bị Power Factor Saver model SD001 và mẫu Electricity Saving Box model SD -001 của hãng Electriccity Saving Spike Buster. Kết quả cho thấy, nếu sử dụng các loại thiết bị tiết kiệm điện năng này trong các hộ gia đình thì hoàn toàn không tiết kiệm được tiền điện mà hộ gia đình phải chi trả hàng tháng, không làm thay đổi chỉ số điện năng trên công tơ điện ghi nhận lượng điện mà hộ gia đình tiêu thụ.

Trước đó, Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung và Ban Kiểm tra giám sát Mua bán điện Tổng công ty Điện lực miền Trung cũng đã phối hợp thực hiện một số thí nghiệm để phân tích, xác minh về khả năng tiết kiệm điện của các thiết bị này. Theo đó, sau quá trình thí nghiệm cho thấy, không thể làm giảm được lượng điện năng tiêu thụ của tải.

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khuyến cáo người tiêu dùng nên cảnh giác với các sản phẩm quảng cáo khả năng tiết kiệm điện trôi nổi ngoài thị trường vì phần lớn đây chỉ là thiết bị bù công suất phản kháng, giảm tổn thất trên hệ thống điện, chứ hoàn toàn không có chức năng tiết kiệm điện.

Theo Viet Q