Bắp cải, ớt rớt giá thê thảm, nông dân khóc ròng
Tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), trong khi hành tây, cà chua, xà lách, súp lơ có giá cao từ 17.000-35.000 đồng/kg thì bắp cải chỉ còn 1.000/bắp, ớt chuông rớt giá còn 8.000 đồng/kg. Giá bắp cải sụt giảm thê thảm, đẩy nông dân vào thua lỗ nặng, nhiều nhà định băm nhỏ cả vườn để ủ phân.
|
Bắp cải 2-4kg/cây rớt giá còn 1.000 đồng nhưng không ai mua. |
Theo các vựa thu mua nông sản, giá bắp cải, ớt chuông xuống thấp do nhiều vùng khác cũng sản xuất được. Hơn nữa, do tác động bởi nCovid-19 nên việc xuất khẩu các loại rau này sang thị trường Trung Quốc, Campuchia gặp khó khăn dẫn đến các thương lái đồng loạt ngưng gom hàng.
Còn tại xã Nghĩa Dũng, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, nhiều hộ trồng ớt để chín khô đầy đồng do giá chỉ còn 8.000 đồng/kg.
Sầu riêng tại vườn giá rẻ như cho, ở chợ vẫn đắt đỏ
Vì dịch Covid-19, tại nhà vườn, sầu riêng rớt giá gần một nửa. Ở Tiền Giang, giá hàng chục nghìn tấn sầu riêng từ 55.000-60.000 đồng/kg xuống còn 28.000-35.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tại Hà Nội, giá sầu riêng tại các chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng hoa quả 3 miền hoặc các trang bán hoa quả online, từ 110.000-350.000 đồng/kg (tùy loại).
Theo người bán, hiện giá vận chuyển sau Tết vẫn cao nên mặt hàng không giảm giá.
Thanh long, dưa hấu tăng giá trở lại
Sau một thời gian giá rớt thê thảm, rẻ như cho vì dịch Covid-2019, mấy ngày gần đây, giá các mặt hàng trái cây như dưa hấu, thanh long, chôm chôm,... đã hồi phục, tăng mạnh trở lại.
Giá thanh long lên mức 35.000-45.000 đồng/kg, tăng hơn 20.000 đồng/kg.
|
Giá thanh long đã tăng mạnh trở lại. |
Chôm chôm Java được mua tại vườn ở Vĩnh Long từ 12.000-13.000 đồng/kg. Chôm chôm đường giá từ 15.000-16.000 đồng/kg và chôm chôm Thái khoảng 25.000 đồng/kg.
Giá dưa hấu ở Gia Lai cũng tăng lên mức 3.000-4.000 đồng/kg.
Theo một chuyên gia, giá trái cây tăng mạnh trở lại do hàng hoá không còn ứ đọng tại các cửa khẩu. Một lượng rất lớn các loại trái cây cũng đang được đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Thần thánh hóa "thẻ diệt virus" như kim bài ngăn cả virus Corona
Lợi dụng dịch bệnh, một loại thẻ khử mùi được nhiều lái buôn online thần thánh hóa, như một loại “kim bài” miễn nhiễm các loại virus, vi khuẩn trong đó có cả virus Corona. Từ những lời quảng cáo của những người nổi tiếng cùng với niềm tin vào các sản phẩm của Nhật nên rất nhiều người bỏ ra 200.000 -300.000 đồng để mua mà không hiểu gì về tác dụng của các loại thẻ này.
|
Hà Nội phát hiện gần 300 thẻ đeo được quảng cáo có thể diệt virus |
Tuy nhiên, chiều 19/2, lực lượng chức năng bắt giữ gần 300 thẻ đeo diệt virus do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có kiểm định chất lượng tại khu vực cổng chợ thuốc Hapulico (Hà Nội).
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Y tế cảnh báo đây chỉ là cách phòng virus corona mơ hồ từ cư dân mạng. Người dân nên cảnh giác kẻo "tiền mất, tật mang".
Tôm hùm 'giải cứu' bán chạy
Không xuất khẩu được sang Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tôm hùm ở Phú Yên đang được kêu gọi giải cứu với giá giảm từ 200.000 - 300.000 đồng/kg so với cùng thời điểm. Nhưng giá 200.000 đồng/kg tôm hùm như thông tin trên mạng là hoàn toàn không có.
|
Tôm hùm giá rẻ đang hút khách. |
Nhiều cửa hàng hải sản, hệ thống siêu thị đang bán rất chạy mặt hàng tôm hùm Khánh Hoà, Phú Yên với mức giá từ 500.000-900.000 đồng/kg, tuỳ kích cỡ, loại hàng đông lạnh hay tươi sống.
Còn qua kênh online, tôm hùm xanh, tôm hùm baby của các tỉnh ven biển miền Trung được rao bán tràn lan, với mức giá 550.000 - 630.000 đồng/kg, loại 5-7 con một ký. Loại 3 - 5 con một ký giá từ 750.00-900.000 đồng/kg.
Song khách hàng cần tỉnh táo với các loại tôm chết, ngộp hoặc hàng đông lạnh, tôm lột sẵn giá sẽ rẻ hơn, chất lượng thịt cũng giảm đi.
Bào ngư, cua hoàng đế nhập khẩu giá giảm mạnh
Trong khi tôm hùm của các vùng biển miền Trung giảm mạnh nhiều mặt hàng hải sản ngoại cũng đang bán giá rẻ, khuyến mãi tại Sài Gòn.
Bào ngư Hàn Quốc (khoảng 5 con/kg) giá 99.000 đồng/con, giá cũ là 135.000 đồng/con; cua hoàng đế giá còn 1,850 triệu đồng/kg, giá cũ từ 1,9-2,15 triệu đồng/kg, khách còn được tặng thêm nửa ký tôm hùm baby sống khi mua sản phẩm này.
Giá tôm hùm Alaska ngoại có mức giá mua từ nguồn dưới 1 triệu đồng, mức giá chưa giảm khoảng 1,3-1,5 triệu đồng/kg; cua hoàng đế từ mức 2-2,3 triệu đồng/kg (loại ngon nhất là con 2-3 kg/con) giảm còn 1,8 triệu đồng/kg mức giá lẻ, và 1,3-1,6 triệu đồng/kg nếu mua sỉ.
Giết mổ heo bệnh, heo chết bán cho công nhân
Ngày 13/2, lực lượng chức năng kiểm tra và phát hiện một cơ sở ở huyện Long Thành (Đồng Nai) giết mổ số lượng lớn heo bệnh, heo chết không rõ nguồn gốc và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
|
Lượng lớn heo bệnh, heo chết đang được giết mổ |
Chủ cơ sở khai nhận đã thu mua heo chết từ các trang trại trên địa bàn xã Bàu Cạn, với giá 50 ngàn đồng một con, sau đó mang về mổ, pha lóc thịt rồi bán cho công nhân trong các Khu công nghiệp.
Cũng liên quan đến buôn bán thịt heo thối, mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh ở phường 10, TP. Đà Lạt có khoảng hơn 1 tấn, trong đó có khoảng hơn 200 kg thịt heo đã hư hỏng, bốc mùi hôi thối.
Dẻ sườn bò siêu rẻ chỉ 75.000 đồng/kg bán tràn lan
Trên mạng xã hội, dẻ sườn bò siêu rẻ được bán tràn lan. 1 kg dẻ sườn bò đã rút xương được bán với giá dao động từ 120.000-170.000 đồng, thậm chí chỉ còn 75.000 đồng nếu người mua lấy số lượng lớn.
|
Đây có thực sự là dẻ thịt bò?
|
Nhiều người tỏ ra nghi ngại về chất lượng sản phẩm, không biết đó có thực sự là thịt bò tươi, ngon như lời quảng cáo.
Tuy nhiên, nhiều dân buôn nhận định đây là dẻ sườn trâu Ấn Độ đông lạnh, không phải dẻ sườn bò.
Giá gà công nghiệp lao dốc, gà đẻ thải loại giá cao ngất
Những ngày này, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá gà công nghiệp đồng loạt lao dốc. Tại thủ phủ chăn nuôi gà Đồng Nai, giá gà công nghiệp lông trắng từ 10.000-13.000 đồng/kg; gà công nghiệp lông màu giá 20.000-27.000 đồng/kg.
Trái ngược cảnh giá gà công nghiệp đang “chạm đáy”, giá gà đẻ thải loại ổn định, ở mức cao. Gà đẻ thải loại hiện 55.000 đồng/kg, đắt ngang đặc sản gà đồi, cao gấp 2-3 lần giá gà công nghiệp.
Giá thịt lợn giảm mạnh
Sau lời kêu gọi của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong ngày 16/2 đã lập tức điều chỉnh giá thịt lợn giảm ngay xuống mức 72.000-75.000 đồng/kg.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, giá thịt lợn phải ở mức độ hợp lý, hài hòa. Còn giữ giá thịt lợn quá cao sẽ khiến người tiêu dùng quay lưng vì họ có rất nhiều lựa chọn khác như: tôm, trứng, cá.
Vắt nước cam bán, kiếm tiền triệu mỗi ngày
Mấy ngày nay, ở phía Bắc, đặc biệt là tại Hà Nội, nước cam bỗng trở thành mặt hàng này đắt như tôm tươi, liên tục “cháy hàng”. Nhờ đó, dân buôn bán vỉa hè, thậm chí mẹ bỉm sữa có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày. 1kg cam vắt được 1 chai 500ml nước cam, được bán với giá 35.000 đồng/chai. Có người bán được gần tạ cam, cho lãi cũng được khoảng 1,5 triệu đồng.
Hàng điện máy đua nhau giảm giá
Các trung tâm, siêu thị điện máy tại TP.HCM cho biết sau Tết vẫn chạy nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hầu hết mặt hàng như tivi, tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh, điện gia dụng từ vài phần trăm cho đến hơn 40%. Trong đó, chủ yếu vẫn là tivi.
Các nhà bán lẻ hàng điện máy tại TP.HCM cho rằng do các hãng đưa về hàng loạt sản phẩm mới (model 2020) nên buộc các mẫu trước đó phải giảm mạnh để giải phóng hàng tồn. Ngoài ra, nhiều nhà sản xuất cũng đã khấu hao xong vốn đầu tư công nghệ mới nên giá thành sản phẩm cũng giảm đáng kể.
Theo Hạnh Nguyên(Tổng hợp)