Thứ quả quê mùa được biến tấu thành đặc sản vạn người mê

Google News

Người dân đã dùng phương pháp đặc biệt để nâng tầm những quả hồng hết sức bình thường thành đặc sản hồng treo gió, có giá nửa triệu đồng/kg.

Có mặt ở khắp các vùng quê Việt Nam, người tiêu dùng đã khá quen thuộc với các loại hồng từ hồng giòn, hồng ngâm, hồng trứng… được bán đầy các chợ với giá chỉ từ 20-50.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, có 1 loại hồng đặc biệt được người dân “đổi phận” từ những quả hồng chát xít, trải qua thời gian dài hong gió thành đặc sản, bên ngoài dai dai nhưng bên trong đượm mật ngọt, đó là hồng treo gió.

Từ thứ quả hết sức quen thuộc, qua quá trình chế biến cầu kỳ nhiều công đoạn, người nông dân đã tạo nên đặc sản hồng treo gió có giá trị kinh tế cao. (Ảnh: Ngọc Nga).

Hồng treo gió xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ năm 2012, khi các chuyên gia của Nhật Bản sang Việt Nam khảo sát và xác định quả hồng của Đà Lạt có chất lượng tốt, phù hợp để làm hồng treo gió.

Họ đã hướng dẫn cho hơn 100 hộ nông dân tại Đà Lạt phương pháp sản xuất hồng treo gió truyền thống của Nhật Bản. Từ những quả hồng hết sức bình thường trở thành đặc sản, quà quý có giá từ vài trăm nghìn đồng cho tới hàng triệu đồng/kg.

Rời Vũng Tàu lên Đà Lạt sinh sống, tự làm rồi bán đặc sản theo mùa, trong đó có hồng treo, chị Ngọc Nga (trú tại Cầu Đất) cho hay, Đà Lạt vốn được thiên nhiên ưu ái với chất đất màu mỡ, khí hậu mát mẻ, ôn hòa quanh năm nên hoa quả ở đây chất lượng rất tốt, đặc biệt là hồng.

Hồng treo gió được làm từ hồng Đà Lạt có chất lượng tốt nhất. (Ảnh: Ngọc Nga).

Em bé Đà Lạt tỏ rõ vẻ vui mừng khi phụ giúp mẹ thu hoạch hồng. (Ảnh: Ngọc Nga).

Theo chị Nga, mùa hồng Đà Lạt thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm nhưng hồng treo gió chỉ có từ tháng 12 vì sau một mùa thu nắng hanh hao, trái hồng đủ mật bên trong mới được thu hoạch.

“Hồng treo gió xứ Cầu Đất là ngon nhất bởi đây có gió đông đủ lạnh để làm se khô bề mặt trái hồng nhưng cũng vừa đủ nắng để giữ được mật ngọt bên trong không bị khô. Cắn 1 miếng qua lớp vỏ dai dai, dẻo dẻo là tới lớp ruột mềm đượm mật, thơm lừng”, chị Nga giới thiệu.

Được làm từ những quả hồng tươi ngon nhất... (Ảnh: Ngọc Nga).

Quả hồng được treo lên, hong nắng và gió trong khoảng 25-30 ngày. (Ảnh: Ngọc Nga).

Được ghi cụ thể ngày tháng năm trên những dây hồng treo gió để căn ngày thu hoạch.

Nói về các công đoạn làm hồng treo gió, chị Nga cho hay, hồng sau khi hái về sẽ chọn những quả to, chắc tay và không bị dập để làm hồng treo gió. Khi làm, hồng được rửa sạch, vặt bỏ tai rồi gọt vỏ, để lại phần cuống và 1 chút núm phía dưới của quả hồng rồi treo thành từng dây treo lên và gắn giấy ghi cụ thể từng mẻ hồng. Trung bình, mỗi kg hồng treo gió thành phẩm phải mất từ 8-10kg hồng tươi, treo trong 25-30 ngày. Chị Nga cũng tự thiết kế bao bì, làm hình ảnh cho những trái hồng treo mình làm ra.

“Năm nay tôi làm khoảng 2 tấn hồng tươi, khó khăn nhất là khâu hái và vận chuyển bởi các vuông hồng của bà con thường nằm sâu trong thung lũng, rất khó đi. Cây hồng thì cao, cành lại giòn nên vất vả lắm. Mang về, gọt vỏ và treo lên rồi nhưng hàng ngày phải kiểm tra, đeo găng tay rồi mát xa xung quang từng quả cho đều mật”, chị Nga cho hay.

Chị Nga cũng tự thiết kế bao bì cho sản phẩm mình làm ra. (Ảnh: Ngọc Nga).

Mỗi kg hồng treo gió đang được bán với giá từ 450-550.000 đồng/kg nhưng chị Nga làm không đủ bán bởi quả hồng phải trải qua nhiều công đoạn chế biến cầu kỳ, những quả hồng tưởng chừng như hết sức bình thường lại trở thành thứ quả có màu nâu đẹp mắt, ngọt thơm và bổ dưỡng được nhiều người mê mẩn.

Theo phòng Kinh tế TP Đà Lạt, hiện nay, diện tích hồng tại Đà Lạt còn khoảng 370ha, sản lượng quả tươi hàng năm đạt trên 12.500 tấn, chủ yếu được trồng nhiều tại phường 3, phường 4, phường 5, phường 7, xã Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm Hành… Trong đó có 125 hộ sản xuất với sản lượng đạt 81 tấn sấy/năm.

Hồng treo gió dần dần đã trở thành đặc sản riêng của Đà Lạt, được du khách khắp nơi về thăm quan và mua về làm quà biếu.

“Hồng giòn và hồng dẻo sấy khô Đà Lạt rất được du khách ưa chuộng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trên thị trường xuất hiện sản phẩm hồng nhập khẩu từ Trung Quốc gây khó khăn cho người tiêu dùng khi phân biệt hồng Đà Lạt với hồng nhập khẩu. Chính vì vậy, UBND TP Đà Lạt đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ nhãn hiệu độc quyền “Hồng Đà Lạt”, xây dựng thương hiệu với mô hình sản xuất an toàn có nguồn gốc xuất xứ, nâng cao thu nhập và hiệu quả kinh tế”, đại diện Phòng Kinh tế TP Đà Lạt thông tin.

Theo Hồng Cảnh/Dân Việt