Tiền phải chảy vào đúng nơi cần tiền

Google News

Ngân hàng hiểu khách hàng, hiểu dự án, nắm được hiệu quả sử dụng vốn. Tiền phải tìm được đến nơi cần tiền, phục vụ sản xuất kinh doanh, nếu không, doanh nghiệp sẽ gặp khó năm 2023.

Tự xoay xở

“TP.HCM có chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp nhưng lúc này thành phố còn khó khăn về nguồn lực. Công ty đã nhiều lần nhận được hỗ trợ nên mới có được quy mô như ngày hôm nay. Lúc này, chúng tôi nghĩ mình có thể tự vượt qua được năm 2023”, đây là những chia sẻ của Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc, ông Nguyễn Văn Trí, với PV. VietNamNet khi được hỏi về chính sách hỗ trợ mà nhiều doanh nghiệp mong chờ.

Theo ông Trí, đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất khuôn mẫu chính xác, chỉ cần công ty làm sản phẩm đạt yêu cầu kỹ thuật, đối tác sẽ tìm tới, không quá lo thiếu đơn hàng. Năm 2022, doanh nghiệp đạt doanh thu 130 tỷ đồng, trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ thu về khoảng 4 triệu USD (tương đương 93 tỷ đồng).

Sự chủ động của Công ty Lập Phúc cũng giống nhiều doanh nghiệp khác ở khu vực TP.HCM thời điểm hiện tại. Trước những biến động kinh tế khó đoán, giới chủ doanh nghiệp muốn tự xoay sở linh hoạt thay vì để bị xoay.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO Meet More Coffee, cho biết, quý II/2023 sẽ rất khó đối với nhiều doanh nghiệp. Trước dự báo trên, công ty đã sớm tìm kiếm thị trường dự phòng, tiếp cận bạn hàng mới ở châu Âu như các nước Séc, Ba Lan, Pháp, Đức, Nauy…

Tien phai chay vao dung noi can tien

Nhiều doanh nghiệp đang có sự chủ động nhất định trong bối cảnh hiện nay. (Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng)

Ở chiều ngược lại, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe (chuyên sản xuất, chế biến hạt điều), ông Nguyễn Hoàng Đạt cho hay, tỷ giá biến động, doanh nghiệp sẽ điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu 2023, tập trung vào bán hàng tại nội địa. Hiện, sản phẩm của doanh nghiệp đang có mặt ở hầu hết các hệ thống phân phối lớn trên cả nước.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), thông tin, doanh số nhiều nhóm ngành sụt giảm nhưng doanh thu lĩnh vực chế biến lương thực thực phẩm vẫn tăng trên 10% trong năm 2022. Hiện, đơn đặt hàng từ các nước đối tác tăng cao. Trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch FFA đề xuất, thay vì chính sách hỗ trợ lãi suất 2% giải ngân không hiệu quả, Nhà nước nên duy trì giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đã áp dụng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ như trong năm 2022 (chính sách này có hiệu lực từ 1/2-31/12/2022).

Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM, chung quan điểm, cần kéo dài chính sách giảm thuế VAT, kích cầu mua sắm trong dân, giúp doanh nghiệp đảm bảo doanh thu bán hàng. Mặt khác, giới doanh nghiệp không cần hỗ trợ mà cần đồng hành đường dài, ngành ngân hàng không nên có động thái tăng lãi suất thời điểm này.

Chính sách tiền tệ quá thắt chặt?

Đề cập tới câu chuyện lãi suất, tại Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng TP.HCM năm 2023” diễn ra tháng 1/2023, ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh TP.HCM, cho hay, sau “phát pháo” đầu tiên giảm 1% lãi suất cho tất cả đối tượng khách hàng của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), hơn 10 ngân hàng khác đã hưởng ứng lời kêu gọi của Thống đốc.

Kết quả, lãi suất đầu vào dù tăng nhưng đầu ra kiềm giữ ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, mức lãi suất 10% đầu ra vẫn còn cao, cần kéo giảm để hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2023.

Tien phai chay vao dung noi can tien-Hinh-2

Tiền phải tìm được đến nơi cần tiền, phục vụ sản xuất kinh doanh (Ảnh minh họa: Cafebiz)

Phó Tổng giám đốc Vietcombank, ông Đặng Hoài Đức thông tin, nhà băng giảm lãi suất 1%/năm đối với các khoản vay VND cho khách hàng hiện hữu từ ngày 1/11/2022 đến hết 31/12/2022, ước tính, tổng số khoảng 175.000 khách hàng được giảm lãi suất, với quy mô tín dụng hơn 500.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% dư nợ hiện hữu tại Vietcombank. Riêng tại TP.HCM, ước tính hơn 40.000 khách hàng được hỗ trợ.

Tới ngày 14/12/2022, đơn vị tiếp tục cho vay ngắn hạn bổ sung vốn lưu động kinh doanh Tết 2023, lãi suất ưu đãi giảm từ 0,2-1% với kỳ vọng hỗ trợ vốn cho 10.000 khách hàng là cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo ông Đức.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), ông Từ Tiến Phát, cho hay, nhà băng đã giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với lãi suất ưu đãi từ 1-4% tùy từng phân khúc, tình hình khó khăn của doanh nghiệp. Có khoảng 160.000 khách hàng được thụ hưởng chính sách này. Vừa qua, ngân hàng cũng giảm 1%/năm lãi suất cho khách hàng hiện hữu và khách hàng mới vay.

Đại diện ACB đề nghị các ngân hàng tại TP.HCM chung tay ổn định lãi suất huy động, tuân thủ cam kết không vượt quá 9,5%/năm lãi suất huy động, từ đó, thúc đẩy giảm lãi suất cho vay.

Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Phan Văn Mãi, mong muốn NHNN, các tổ chức tín dụng định hướng tập trung vốn cho sản xuất kinh của doanh nghiệp trên địa bàn. Đầu tàu kinh tế phải được đảm bảo nhiệm vụ kinh tế. Ông cho rằng, thời gian qua, việc vừa kiểm soát lạm phát, vừa sợ sai phạm trong hoạt động của ngành ngân hàng khiến việc thực hiện chính sách tiền tệ không phải chặt chẽ mà là thắt chặt, thậm chí quá thắt chặt.

“Từng ngân hàng thương mại hiểu khách hàng, hiểu dự án, nắm được hiệu quả sử dụng vốn. Rất mong việc thực hiện chính sách chặt chẽ nhưng linh hoạt, tiền phải tìm được đến nơi cần tiền, phục vụ sản xuất kinh doanh. Nếu không, doanh nghiệp sẽ gặp khó”, ông Mãi nói.

  
Theo Trần Chung/Vietnamnet