Từ 11 triệu đồng, nam sinh viên thành ông chủ sau 1 năm

Google News

Đang học Đại học, cậu sinh viên bỗng xin bảo lưu kết quả một năm về khởi nghiệp. Với số vốn ban đầu chỉ 11 triệu đồng, cậu đã có doanh thu lên đến hơn 200 triệu đồng/tháng vào cuối năm 2019.

Mới tốt nghiệp cấp 3, Bùi Hữu Nghĩa muốn tự do về tài chính, không muốn xin bố mẹ nên anh quyết định vừa học đại học vừa kinh doanh. “Tôi đi làm thêm từ năm học lớp 11 nên biết quý trọng đồng tiền. Khi tốt nghiệp lớp 12, tôi nghĩ “phi thương bất phú” nên tôi quyết định kinh doanh một sản phẩm gì đó để kiếm tiền, độc lập tài chính”, anh chia sẻ.

Vốn là người thích nghệ thuật, thích mặc quần áo đẹp, Nghĩa đã quyết định kinh doanh thời trang bình dân phù hợp với sở thích và tài chính của anh lúc bấy giờ. Nhưng khi bắt đầu kinh doanh, đó cũng là thời điểm anh đang học năm nhất khoa Ngoại Ngữ, Đại học Công nghiệp TP.HCM. Anh đã gặp không ít khó khăn bởi chưa có kiến thức, kinh nghiệm nhiều về kinh doanh.

Bùi Hữu Nghĩa quyết định bảo lưu kết quả học tập để khởi nghiệp.

Nghĩa kể lại khi mới bắt đầu anh bán hàng quan mạng xã hội. Tuy nhiên, hiệu quả không cao, mà chạy quảng cáo thì mất quá nhiều tiền, anh không có nhiều tiền đến vậy. Gia đình thì không có ai kinh doanh, không thể học hỏi được. Anh tìm hiểu và bán hàng qua sàn thương mại điện tử, đơn hàng có khá hơn chút nhưng vẫn ngày có, ngày không.

Đến đầu 2019, nam sinh viên đã quyết định vừa bán trên mạng vừa bán qua sàn thương mại điện tử. Cố gắng học hỏi, đơn hàng dần có tiến triển tốt hơn. “Đó cũng là thời điểm tôi chuẩn bị kết thúc năm nhất Đại học. Tình hình kinh doanh đang phát triển tốt mà tôi nghĩ nếu duy trì cả 2 việc: vừa học vừa làm thì sẽ không có gì đạt kết quả tốt. Tôi chỉ có thể chọn một.

Nếu tiếp tục học, việc kinh doanh có thể bị bỏ lỡ cơ hội. Còn nếu chọn bảo lưu 1 năm để tập trung kinh doanh, tận dụng cơ hội thì lại sợ kinh doanh không thành công, “đi chậm” hơn so với bạn bè, bỏ lỡ 1 năm học hành và giao lưu…”, anh cho hay.

Trong thời gian suy nghĩ, anh có đọc được câu nói của Jack Ma: “Đừng cố làm người giỏi nhất, mà hãy là người đi đầu. Bây giờ không phải là thời cá lớn nuốt cá bé nữa, mà là cá nhanh nuốt cá chậm”.

Chỉ sau 1 năm bảo lưu kết quả, anh đã đạt một số thành tựu nhất định trong quá trình khởi nghiệp.

Nên sau gần 2 tháng suy nghĩ, anh cũng quyết định bảo lưu kết quả để kinh doanh, chớp lấy cơ hội trước sự phản đối của cả gia đình. Và đến nay, Nghĩa cho rằng quyết định này đúng đắn cho đến bây giờ.

Từ 11 triệu đồng trong tay, Nghĩa biết muốn có lãi phải có nguồn hàng ổn định và giá rẻ từ xưởng gia công. Suốt 2 tháng hè 2019, chàng trai trẻ chạy chiếc xe cub 50 của bố đi khắp các chợ đầu mối để tìm nguồn hàng. Nhận quá nhiều lời từ chối, vì có xưởng giá cả phù hợp, chất lượng tốt nhưng yêu cầu đặt hàng số lượng lớn. Có nơi chấp nhận số lượng ít nhưng giá lại cao. Cũng một số xưởng lại giá rẻ, nhận số lượng ít thì chất lượng lại kém.

Sự cố gắng cuối cùng cũng được đền đáp sau 2 tháng ròng rã tìm xưởng. Cậu đã tìm được xưởng may phù hợp với các tiêu chí đề ra, đó là vừa giá rẻ, chất lượng tốt mà nhận gia công số lượng ít. Chủ xưởng may là cựu sinh viên cùng trường.

“Thời gian đầu kinh doanh quả thật đáng nhớ và nhiều kỷ niệm với tôi. Đôi lúc, tôi còn thấy tủi thân và cô độc bởi nắng hay mưa đều một mình đi lấy hàng. Có lần, tôi chạy xe trời mưa còn bị ngã khiến hàng bẩn, rách, tôi thì ngã ra đường. Do trời mưa, không ai giúp đỡ, tôi lúc đó tủi thân lắm. Nhưng nghĩ, mình đã quyết định bảo lưu học, phải quyết tâm hơn, không thể chùn bước và cũng không còn con đường nào khác cả nên cứ cố gắng thôi”, anh tâm sự.

Các bạn hỗ trợ Nghĩa trong quá trình kinh doanh thời trang.

Với suy nghĩ đó, anh tập trung toàn bộ thời gian, sức lực của mình vào kinh doanh. Shop của anh cũng có mặt trên 4 sàn thương mại điện tử lớn của nước ta. Có thời điểm, anh phải thuê đến 7 nhân viên phụ đóng gói, vận chuyển hàng. Cuối năm 2019, khi tổng kết doanh thu, chàng trai trẻ lọt top 200 nhà bán hàng có doanh thu từ 200-250 triệu đồng/ tháng.

Khoảng giữa năm 2020, Nghĩa gây dựng thêm một thương hiệu thời trang cao cấp mới. Tuy nhiên, do dịch bệnh đã khiến mọi kế hoạch của anh bị chững lại. Doanh thu của mảng thời trang bình dân cũng giảm đáng kể. Tuy nhiên, anh cho biết dành thời gian này để học hỏi thêm kiến thức mới. Anh cũng trở lại trường học và quyết định chuyển sang ngành Quản trị kinh doanh sau 1 năm nghỉ. Và khi hết dịch, anh dự định sẽ phát triển mảng thời trang cao cấp thành thương hiệu nổi tiếng.

Theo Anh Thư / Dân Việt