Tứ giác Bến Thành và loạt dự án “rùa bò” của Bitexco trên đất vàng Sài Gòn

Google News

(Kiến Thức) - Không giống dự án The Manor và Tháp tài chính Bitexco đã đi vào hoạt động, một số dự án khác nằm trên đất vàng TP HCM của Tập đoàn Bitexco vẫn trong tình trạng "rùa bò".

Thông tin dự án Cao ốc Khu tứ giác Bến Thành (Spirit of Saigon) của Bitexco thi công, xây dựng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến di tích Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố đang gây xôn xao dư luận. 
Được biết, Bitexco là một trong những Tập đoàn kinh tế đa ngành hàng đầu tại Việt Nam. Trong lĩnh vực bất động sản Tập đoàn Bitexco ghi dấu với nhiều dự án lớn như Tháp tài chính Bitexco – Bitexco Financial Tower, The Manor Central Park, JW Marriott Hotel Hanoi đã đi vào hoạt động.
 Tuy nhiên, Bitexco cũng đang nắm giữ hàng loạt dự án "hoành tráng" trên đất vàng TP HCM chưa có nhiều tiến triển.
The One Ho Chi Minh City (sau đổi tên thành Spirit of Saigon)
Sau khi tòa tháp tài chính Bitexco tạo được hiệu ứng cực lớn ở TP HCM, tập đoàn đã rất tự tin bắt tay vào dự án The One trong Khu tứ giác Bến Thành. Dự án được Sở Xây dựng cấp phép xây dựng vào năm 2013 do Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư khoảng 500 triệu USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Quy mô dự án sẽ 46-55 tầng, trong đó có sáu tầng hầm, tối đa 420 căn hộ ở.
Tuy nhiên, sau đó việc thi công đình trệ dẫn đến tiến độ không như dự kiến. Tháng 5/2016, TP ban hành quyết định phê duyệt giá đất của dự án là 1.443 tỉ đồng. Chi phí bồi thường, hỗ trợ tại dự án khu tứ giác hơn 1.268 tỉ đồng, quận 1 dùng kinh phí của Bitexco để thực hiện.
Tu giac Ben Thanh va loat du an “rua bo” cua Bitexco tren dat vang Sai Gon
 Dự án có vị trí đắt đỏ nhất của trung tâm TP.HCM. Ảnh: PLo.
Tháng 7/2018, Bitexco ký hợp đồng góp vốn với Công ty TNHH Saigon Glory với tài sản góp vốn được định giá là 7.000 tỷ đồng (gồm giá trị quyền sử dụng đất là 4.200 tỷ đồng và tài sản của dự án là 2.800 tỷ đồng). Tháng 10/2019, TP giao Sở Xây dựng hướng dẫn Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco thực hiện các thủ tục chuyển nhượng dự án cho Công ty TNHH Saigon Glory, tham mưu, đề xuất UBND TP theo đúng quy định hiện hành. Cùng đó, TP đã chấp thuận cho lùi thời hạn hoàn thành dự án đến năm 2024.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Bitexco cho hay: “Việc thay đổi chủ đầu tư dự án The Spirit of Saigon nằm trong chiến lược phát triển của Bitexco, nhằm mục tiêu triển khai dự án một cách chuyên biệt hóa và tốt hơn”.
Sau khi chuyển nhượng xong dự án, chủ đầu tư gấp rút triển khai xây dựng. Theo đại diện của Bitexco, tính đến thời điểm tháng 3/2020, dự án đã hoàn thành và nghiệm thu xong phần móng cọc và sáu tầng hầm. Đại diện Bitexco cho biết, dự kiến quý IV/2020 sẽ hoàn thành khối đế.
Trong khi đó, đại diện Saigon Glory cho biết, dù TP cho lùi thời hạn hoàn thành dự án đến năm 2024 nhưng doanh nghiệp này sẽ hoàn thành dự án vào cuối năm 2022, đầu năm 2023.
Dự án khu đô thị Bình Quới- Thanh Đa "treo" giữa lòng Sài Gòn
Năm 2015, liên doanh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng, thời hạn 50 năm. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng, đối tác trong liên doanh với Tập đoàn Bitexco đã rút lui khiến dự án đô thị này tiếp tục bị “treo” nhiều năm nay.
Nguyên nhân khiến Emaar Properties PJSC rút khỏi dự án này, theo một đại diện từ Bitexco, bởi vì đối tác nhận thấy cơ chế chính sách của Việt Nam chưa rõ ràng và nhiều rủi ro. Ngay sau đó, UBND TP.HCM đã thẩm định năng lực và kết luận Công ty Bitexco hoàn toàn đủ năng lực, đồng thời kiến nghị Thủ tướng cho UBND TP.HCM điều chỉnh Quyết định 6288.
Ngày 15/11/2018 UBND TPHCM lại có văn bản gửi Sở kế hoạch Đầu tư TP.HCM yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Tập đoàn Tân Hoàng Minh để tổng hợp, báo cáo và có kiến nghị đề xuất. Theo phương án Tân Hoàng Minh đưa ra doanh nghiệp này sẽ xây dựng Khu đô thị Bình Quới- Thanh Đa trở thành một khu đô thị mang tầm vóc khu vực châu Á và quốc tế bằng việc áp dụng các thiết kế thông minh nhất, đẹp nhất, tiện ích nhất đã được xây dựng ở các nước như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu và Khu vực Bắc Mỹ...

Hiện Tập đoàn Bitexco vẫn đang là nhà đầu tư chính tại khu Bình Quới – Thanh Đa. Trước đó, trả lời với báo chí, đại diện Bitexco cho biết, những thông tin về việc UBND TP.HCM quyết định xoá toàn bộ những nỗ lực của Bitexco trong thời gian qua để chuyển dự án qua hình thức đấu thầu sẽ gây thiệt hại cho công ty. Cũng như, gây thiệt hại xã hội và tiếp tục tạo sự bức xúc của người dân vì hàng chục năm qua họ đã mong chờ dự án được triển khai.

“Nếu đấu thầu lại thì thời gian cho các bước theo Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP là hơn 700 ngày (hơn hai năm). Còn nếu được chỉ định và trở thành nhà đầu tư, Bitexco đủ năng lực để triển khai dự án, còn nếu đấu thầu thì Bitexco cũng sẽ tham gia đấu thầu theo quy định của nhà nước. Không có chuyện Bitexco tháo chạy khỏi dự án như một số thông truyền thông có đưa”, đại diện Bitexco từng khẳng định.

Dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh (hay dự án khu Mả Lạng)
Năm 2006, dự án Khu đô thị Nguyễn Cư Trinh (quận 1) với hành lang giao thông 4 tuyến đường: Trần Đình Xu - Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh - Nguyễn Cư Trinh được TP.HCM chuyển giao cho Bitexco đầu tư xây dựng sau khi chủ đầu tư cũ đã treo hơn 10 năm. Trong đó, khu đô thị đa chức năng được xây dựng trên diện tích khoảng 600.000 m2, khu tái định cư khoảng 100.000 m2, khu bệnh viện Sài Gòn khoảng 36.000 m2.
Dự kiến việc di dời, tái định cư bắt đầu từ tháng 6/2018.
Tuy nhiên, theo thông tin đăng tải trên Dân Việt ngày 3/3/2020, báo cáo của UBND Quận 1 về tiến độ các dự án trọng điểm cho biết, dự án tứ giác Nguyễn Cư Trinh (hay còn gọi dự án khu Mả Lạng) đã tiến hành điều tra khảo sát, đo đạc nhà - đất của 1.360 hộ dân và tổ chức tại dự án, còn 3 hộ chưa thực hiện.
Tính đến thời điểm báo cáo, dự án đã triển khai bản vẽ hiện trạng và đất đối với 1.151 trường hợp; đã dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ đối với các trường hợp nhà đất chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tu giac Ben Thanh va loat du an “rua bo” cua Bitexco tren dat vang Sai Gon-Hinh-2
 Những con hẻm chật hẹp trong khu Mả Lạng. Ảnh: Dân Việt
Về dự án tái định cư, chủ đầu tư là Tập đoàn Bitexco đang trình phê duyệt hồ sơ thiết kế, quy hoạch 1/500. Để thống nhất giá bán, giá cho thuê mua căn hộ chung cư tái định cư, UBND Quận 1 đã có công văn số 925, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, nhưng đến nay chưa có kết quả.
Pháp lý thực hiện dự án cũng chưa “thông” khi vẫn còn những vướng mắc, kiến nghị công bố kết quả thanh tra dự án của người dân chưa được giải quyết.
UBND Quận 1 cho biết, sau khi Sở Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến về pháp lý thực hiện dự án và có ý kiến chỉ đạo của UBND TP, UBND Quận 1 sẽ chỉ đạo đơn vị tham mưu thực hiện các bước tiếp theo.
Gần 20 năm đằng đẵng, những cuộc đối thoại đã diễn ra, một số chủ trương về luật pháp liên quan cũng đã thay đổi, nhưng dự án khu Mả Lạng vẫn chưa thể hoàn thành.
Sở Văn hoá và Thể thao TP HCM vừa có văn bản báo cáo UBND TP HCM về việc xây dựng công trình cao ốc khu tứ giác Bến Thành làm ảnh hưởng đến công trình Bảo tàng Mỹ thuật, quận 1.
Theo đó, ngày 18/8/2020, Sở Văn hoá và Thể thao phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát thực tế tại di tích Bảo tàng Mỹ thuật. Đoàn kiểm tra ghi nhận công trình Cao ốc Khu tứ giác Bến Thành đang thi công xây dựng, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến di tích Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố.\
Theo ông Trần Thanh Bình – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, ngay từ khi công trình Cao ốc Khu tứ giác Bến Thành bắt đầu khởi công xây dựng, việc đào sâu xuống lòng đất để thi công phần móng và tầng hầm đã làm 3 toà nhà hiện hữu của Bảo tàng bị tác động.
Cụ thể, đã xảy ra tình trạng lún, nứt mặt sân công viên, mặt sàn, tường… của 3 toà nhà. Hiện tượng nứt tường xuất hiện ngày càng nhiều hơn, các đường nứt ngày càng lớn hơn. Toà nhà 1 bị ảnh hưởng nặng nhất, nhà bảo vệ ở cổng số 1 Lê Thị Hồng Gấm tường nứt lớn, trần nhà bị bong tróc, rơi xuống.
Trước đó, vào ngày 12/3/2017 đã xảy ra sự cố ở khu vực sân trong toà nhà 1, phù điêu “cá hoá long” ở đầu mỗi ống thoát nước từ tầng mái xuống đã bị nứt, rơi xuống, một số phù điêu phía trước toà nhà bị nứt.
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cho hay, sau một thời gian tạm ngưng, đến cuối năm 2019 công trình Cao ốc Khu tứ giác Bến Thành tiếp tục thi công lên các tầng cao. Việc xây dựng này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu 3 toà nhà hiện hữu của Bảo tàng.
Dự án Cao ốc Khu tứ giác Bến Thành có tên thương mại là The Spirit of Saigon, toạ lạc 4 mặt tiền đường Phạm Ngũ Lão – Phó Đức Chính – Lê Thị Hồng Gấm – Calmette (quận 1).
Chủ đầu tư dự án cao ốc Khu tứ giác Bến Thành là Công ty TNHH Saigon Glory, vốn điều lệ 7.000 tỷ đồng. Saigon Glory là công ty con có 100% vốn sở hữu của Tập đoàn Bitexco.
Hoàng Minh (tổng hợp)