Chị Lê Khánh Linh sinh năm 1992 ở Nông Cống, Thanh Hóa. Sau khi tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, chị lập gia đình năm 2016. Nhờ bố mẹ chồng cho một khoản tiền, hai vợ chồng vay mượn thêm để cất nên ngôi nhà để ở vào năm 2017 tại làng bún Phú Đô – Nam Từ Liêm – Hà Nội. Chồng chị làm trong ngành hàng không nên mức thu nhập cũng đáng kể, bên cạnh đó chị cũng có mở 1 quán nhỏ chia làm hai để vừa kinh doanh cà phê và lẩu cùng 2 mặt bằng cho thuê lại, tổng thu nhập mỗi tháng cũng được thêm khoảng 20 triệu đồng nữa.
Từ hai bàn tay trắng, chị Linh đã sở hữu cho mình một thương hiệu chè Thái khá nổi tiếng tại Hà Nội
Khi công việc kinh doanh và cuộc sống gia đình đang thuận lợi, thì những sự cố bất ngờ liên tục ập đến. Đầu tiên là việc chủ nhà thông báo cắt hợp đồng cho thuê mặt bằng kinh doanh. Dù cố gắng thương thảo nhưng rốt cuộc chị buộc phải đóng cửa hàng và thanh lý hợp đồng với khách thuê lại của mình chỉ trong vòng 1 tuần. Mặc dù không nhận được đồng nào từ việc chủ nhà phá hợp đồng nhưng chị lại mất tới 50 triệu đồng để đền bù cho bên thuê lại (hoàn tiền cho thuê chưa sử dụng và bồi thường đơn phương chấm dứt hợp đồng).
Ngay sau khi vừa giải quyết xong việc chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh thì đến cuối năm 2019, chồng chị có dấu hiệu bị trầm cảm do áp lực công việc. Trong lúc tinh thần kém tỉnh táo, anh lại rước thêm vào người khoản nợ 80 triệu đồng nữa. Sau hai biến cố, chị thất nghiệp và ôm khoản nợ hơn 100 triệu đồng cùng một người chồng bị trầm cảm, một con thơ.
Trong giai đoạn bế tắc nhất của cuộc sống, chị nhận được sự trợ giúp về tâm lý của một người bạn. Những lời khuyên của người bạn thân giúp chị dần ổn định tâm lý để làm lại từ đầu. Chị xác định xin vào làm ở các công ty thì không ổn do phải giám sát chồng lúc này như trông 1 đứa trẻ, con lại đang còn nhỏ trong khi ông bà hai bên không ai có thể phụ được.
Do đó, chị quyết định tìm kiếm một công việc có thể làm tại nhà. Lúc này niềm đam mê về nấu nướng với món chè Thái Lan được ăn hồi còn nhỏ do người Bà nuôi nấu ở quê đã giúp chị vượt qua khó khăn. Chị cho biết người Bà nuôi của mình là người Thái Lan sang Việt Nam lấy chồng và lập nghiệp. Chính món chè Thái cũng đã trở thành nguồn thu nhập chính của cả gia đình Bà trong suốt hơn 40 năm qua.
Chị Linh chia sẻ thương hiệu chè Thái của mình có khởi nguồn từ căn bếp đã ngót nghét 40 năm này
Và chính tại làng bún Phú Đô cũng là yếu tố giúp chị nâng cấp kỹ thuật nấu chè của mình. Chị chia sẻ mình nấu bánh lọt bỏ vào chè bằng bếp củi và nồi gang để giữ được mùi vị mộc như bếp của người bà nuôi của mình, nguyên liệu sử dụng chủ yếu là gạo, lá nếp và cốt dừa. Theo chị Linh, có lẽ tới thời điểm hiện tại, chè Thái là món chè duy nhất không sử dụng nguyên liệu công nghiệp, không phụ gia. Bởi vậy cảm giác khi ăn rất khác. Thanh mát, nhẹ nhàng. Lâu lâu không ăn lại nhớ.
Cũng chỉ sau một tuần bán chè Thái trên các hội nhóm, diễn đàn online và app công nghệ chị đã có khách hỏi mua sỉ. Do đó, cứ sau một đêm, đơn hàng tăng theo đơn vị cả trăm kg. Đỉnh điểm có ngày chỉ tính riêng thị trường Hà Nội chị bán được tới 500kg chè/ngày. Làm nhiều nên thời gian nghỉ ngơi của chị chỉ khoảng 2 giờ mỗi ngày nhưng bù lại tiền lãi thu được lên tới 8 triệu đồng/ngày. Điều này giúp chị có một khoản thu nhập khá và nhanh chóng trả hết khoản nợ hơn 100 triệu của gia đình vướng phải.
Tuy nhiên, chỉ sau một tháng kinh doanh chè Thái chị gặp nhiều vấn đề phát sinh do thiếu hàng (thiếu nguyên liệu là lá nếp để làm bánh lọt), tranh chấp trong việc bán hàng online,... Đỉnh điểm chị bị nghi cướp khách của cửa hàng khác, bị họ thuê giang hồ tìm tới nhà đe dọa. Lo sợ cho cuộc sống của cả nhà, chị nghỉ bán hàng để bình tâm lại.
Cô chủ 9X cho biết công đoạn chế biến bánh lọt rất quan trọng để có được những cốc chè Thái có hương vị riêng
Dù định bỏ nghề bán chè Thái để tìm mặt hàng khác kinh doanh, nhưng hàng ngày chị vẫn nhận được những cuộc điện thoại từ các khách hàng cũ trước đây. Bên cạnh đó, chị nhận ra rằng làm chè Thái giúp mình quên đi mọi tủi hờn gặp phải trong cuộc sống, giúp mình bình tâm hơn. Nên quyết định trở lại với công việc nấu chè.
Và mỗi mẻ nấu chè Thái trước đây tối đa được 50kg và chị phải mất 2 giờ đồng hồ để chế biến. Dù vất vả nhưng sự động viên từ các khách hàng giúp chị có thêm động lực và dồn nhiều tâm huyết hơn vào món ăn đường phố này.
Thông qua những chia sẻ trong các hội nhóm kinh doanh online, chị tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của những người bạn làm thế kế trong lĩnh vực đồ ăn, founder bên chuyên tổ chức sự kiện, IT .... những người này giúp chị xây dựng cho mình riêng một thương hiệu chè Thái và kết nối với các nhà hàng, siêu thị thực phẩm sạch, hội ăn chay,... Đến nay mỗi ngày chị cung ứng ra thị trường tới 300kg chè thái các loại. Với khách lẻ, hiện mỗi cốc chè đang được bán với giá từ 15.000đ đến 25.000đ. Hàng vào các siêu thị thực phẩm sạch thì có giá bán lẻ cao hơn.
Chị Linh chia sẻ chè Thái như 1 cái phao duy nhất để chị có thể bám vào lúc nguy khó
Để nâng cao hiệu suất trong công việc, chị đã đầu tư một chiếc máy trộn trị giá 50 triệu về chế lại cho phù hợp với nhu cầu chế biến bánh lọt. Bên cạnh đó, chị cũng đã biến ngôi nhà riêng của mình trở thành một xưởng nấu chè Thái. Vì thế cơ sở chè thái của chị hiện nay có thể cho ra sản lượng lớn và ổn định với chất lượng không đổi như nấu thủ công trước đây.
Chị Linh chia sẻ chè Thái như 1 cái phao duy nhất để chị có thể bám vào lúc nguy khó. Nhờ nó chị đã sống khác đi. Chị cũng tiết lộ, mình đã nhận được nhiều lời đề nghị để nhượng quyền thương hiệu chè của bản thân. Tuy nhiên, chị cho biết muốn đi chậm từng bước một để quản lý tốt nên chưa nhận lời với đối tác nào.
Và dù chưa biết sẽ đưa thương hiệu chè Thái của mình đi bao xa, nhưng 9X này thừa nhận đã gặt hái nhiều thành quả có giá trị hơn cả tiền bạc trên con đường kinh doanh mặt hàng ẩm thực đường phố này.
Theo Trung Kiên/Dân Việt