Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 3,43 điểm (0,38%) xuống còn 894,04 điểm. HNX-Index tăng 0,6 điểm (0,47%) lên 128,47 điểm. UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (0,18%) lên 59,87 điểm.
VN-Index giảm 3,43 điểm (0,38%) xuống còn 894,04 điểm.
Thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể so với phiên trước, tổng khối lượng giao dịch ở mức 494 triệu cổ phiếu, trị giá 7.700 tỷ đồng.
Toàn sàn có 265 mã tăng cùng 35 mã tăng trần. Ngoài ra cũng có 323 mã giảm điểm cùng 36 mã giảm sàn.
Nhóm cổ phiếu họ "Vin" góp phần tác động tiêu cực nhất tới thị trường khi VIC giảm 1,6% xuống 94.000 đồng/cổ phiếu, VRE giảm 2,1% xuống 28.300 đồng/cổ phiếu còn VHM giảm 0,6% xuống 76.700 đồng/ \cổ phiếu. Nhiều mã lớn như PLX, MSN, PNJ, FPT... đồng loạt giảm sâu và gây áp lực lớn lên VN-Index.
Trong khi đó, các cổ phiếu như KDC, HPG, ACB, VCG, SHB... vẫn đồng loạt tăng tốt và giúp kìm hãm đáng kể đà giảm của VN-Index cũng như duy trì vững sắc xanh của HNX-Index. Trong đó, KDC tăng 3,2%, HPG tăng 2,8%, ACB tăng 1,4%, VCG tăng 1,1%.
HPG tăng 700 đồng/cổ phiếu (tương đương 2,83%) lên mốc 25.400 đồng/cổ phiếu.
Cố phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát hôm nay gây chú ý mạnh với lượng giao dịch khủng. Toàn phiên có hơn 26,7 triệu cổ phiếu được khớp lệnh . Đến hết phiên vẫn còn dư mua 509,5 nghìn cổ phiếu và dư bán 2,7 triệu cổ phiếu.
Chốt phiên cổ phiếu HPG tăng 700 đồng/cổ phiếu (tương đương 2,83%) lên mốc 25.400 đồng/cổ phiếu. Mã này vẫn giữ được đà tăng khá tốt suốt thời gian qua với mức tăng qua 1 tháng là 5,4% giá trị và 18,3% giá trị khi tính qua 1 quý.
Có lẽ đà tăng tốt trên thị trường chứng khoán là nhờ tình hình kinh doanh tốt từ doanh nghiệp của "vua thép" Trần Đình Long.
Tài sản của tỷ phú Trần Đình Long hiện ở mức 1,1 tỷ USD theo tính toán của Forbes.
Cụ thể, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa công bố một loạt thông tin tích cực, trong đó thị phần thép xây dựng tăng vọt lên mức 32%, thêm 10% chỉ trong vòng 3 năm, thay vì mất 7 năm để có thêm 10% thị phần trước đó.
Sản phẩm thép thành phẩm, phôi thép, tôn,... trong 8 tháng đầu năm đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tôn Hòa Phát thậm chí tăng trưởng đột biến 145%. Ống thép xuất khẩu trong 8 tháng đạt 13.688 tấn, tăng 23,3% so với cùng kỳ.
Tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long cho biết doanh nghiệp này gần đây xuất khẩu sản phẩm thép sang nhiều thị trường như Ấn Độ, Mỹ, Mexico, Thái Lan, Indonesia và nhiều thị trường mới như Kenya, Ghana (châu Phi), Trung Quốc.
Hồi tháng 5, lần đầu tiên Hòa Phát ký được hợp đồng khủng 120 nghìn tấn phôi thép, trị giá hơn 1.000 tỷ đồng xuất sang Trung Quốc ngay vào thời điểm cộng đồng doanh nghiệp gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19.
Nỗi lo thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam giai đoạn hậu dịch Covid-19 đã giảm đi nhiều.
Trong năm 2019, Hòa Phát cũng đã xuất khẩu 195 nghìn tấn phôi thép, trong đó phần lớn sang Trung Quốc với 190 nghìn tấn. Sang năm 2020, lượng phôi xuất khẩu của HPG tăng mạnh và không chỉ sang Trung Quốc mà cả các nước ASEAN.
Với đà tăng tích cực từ thị trường chứng khoán, tài sản của tỷ phú Trần Đình Long cũng tăng mạnh và hiện ở mức 1,1 tỷ USD theo tính toán của Forbes.
Theo Thiên Lý/Dân Việt