Đổ xô kỷ lục
Sớm hơn so với dự báo nhiều chuyên gia, trong phiên giao dịch 21/3/2018, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chính thức tái lập kỷ lục lịch sử thiết lập 11 năm trước đó: VN-Index vượt ngưỡng 1.170 điểm.
Chốt phiên 21/3/2018, VN-Index đóng cửa tăng gần 10 điểm lên mức 1.169,36 điểm, cách đỉnh lịch sử chưa đến 1 điểm.
Tới 9h36 sáng 22/3/2018, VN-Index tiếp tục tăng vọt và vượt xa kỷ lục cũ. VN-Index tăng thêm 7,99 điểm, lên 1.177,35 điểm
Trước đó, vào ngày 13/3/2007, chỉ số VN-Index lần đầu tiên đạt 1.170,7 điểm, thiết lập nên đỉnh lịch sử của TTCK. Thời điểm đó, giá trị giao dịch khớp lệnh mỗi phiên đạt khoảng 1.000 tỷ đồng, tương ứng gần 10 triệu cổ phiếu.
Giai đoạn những năm 2006-2008, TTCK như một cơn sóng thần. Người người lao vào chứng khoán, nhà nhà điên cuồng vì chứng khoán. Tình trạng bỏ việc công sở đi đánh chứng khoán ở các sàn tập trung hay ở các chợ OTC diễn ra phổ biến.
Những niềm vui chưa từng có dồn dập đến với nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam: nhiều người chứng kiến túi tiền phình nở gấp nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn, nhất là thời điểm đầu năm 2007, trước Tết nguyên đán.
Chỉ trong vòng 2 tháng, từ 11/2006 đến hết 1/2007, chỉ số VN-Index tăng gấp đôi khiến rất nhiều nhà có một cái Tết sung túc.
Từ mức 130,9 điểm hồi cuối tháng 10/2003, chỉ số VN-Index tăng gần 9 lần trong vòng 3 năm rưỡi. Còn tính trong giai đoạn hơn 1 năm trong khoảng 2006-2007, chỉ số này cũng có cú bứt phá thần tốc 4 lần.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năm 2008 đã khiến cho các chỉ số liên tục lao dốc. Chỉ số chứng khoán từ đỉnh 1.170,7 điểm đã về đáy 235 điểm vào ngày 24/2/2009 và mất hơn 10 năm để quay lại mốc cũ. Đó như là một giai đoạn đầy ác mộng kéo dài với nhiều nhà đầu tư và DN. Trong thời gian này, thị trường Việt Nam cũng chịu cảnh đìu hiu, mất thanh khoản khi lệnh bán nhiều mà lệnh mua vắng.
Tới nay, chỉ số VN-Index đã quay về đỉnh cao cách đây hơn 11 năm nhưng TTCK đã thay đổi rất nhiều. Quy mô thị trường lớn hơn. Vốn hóa đạt khoảng 135 tỷ USD, gấp khoảng 10 lần so với 2007. Số lượng cổ phiếu niêm yết trên HOSE hiện đạt gần 340 mã, gấp 4 lần. Bên cạnh đó, thị trường còn có hơn hơn 1.000 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn Hà Nội. Thanh khoản đạt 7.000-8.000 tỷ đồng/phiên, thậm chí có phiên lên tới 10.000-12.000 tỷ đồng.
Sang trang mới
Nói về phiên giao dịch lịch sử, ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB), cho biết, cũng giống như cách đây hơn 11 năm, phiên giao dịch lịch sử lần này cũng đầy cảm xúc.
|
Chứng khoán vượt đỉnh lịch sử: Qua cơn ác mộng 11 năm (Ảnh minh họa - Ngọc Thắng) |
Theo chuyên gia này, cũng giống như 11 năm trước, nhóm cổ phiếu ngân hàng là trụ cột cho những phiên giao dịch bùng nổ và thiết lập kỷ lục lịch sử. Lần này cũng vậy. Nhóm cổ phiếu ngân hàng bứt phá giúp thị trường đổ xô kỷ lục trước đây, vượt qua cơn ác mộng năm nào.
Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Trí, bản chất của TTCK trong lần lập kỷ lục năm nay khác hẳn so với năm 2007. Nếu năm 2007, TTCK tăng như quả bong bóng bitcoin (của năm 2017) thì chứng khoán năm 2017-2018 tăng trên cơ sở bền vững. Dòng tiền tăng nhờ kỳ vọng của những nhà đầu tư chuyên nghiệp trong và ngoài nước về triển vọng tích cực của một nền kinh tế phát triển nhanh và vững chắc hàng đầu thế giới.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng phòng Môi giới chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect, cho rằng, hầu hết các NĐT giờ không còn nhìn vào điểm số, mà điều họ nhìn vào là sự thay đổi về chính sách và tư duy. Chỉ cần thay đổi tư duy kiến tạo như hiện giờ thì TTCK còn vượt xa so với đỉnh cao hiện nay.
Trên thực tế, theo ông Tuấn, điều này đáng nhẽ đã xảy ra từ sớm hơn và TTCK Việt Nam đáng ra đã “bước qua quá khứ” sớm hơn bởi vì các NĐT thận trọng sau cơn ác mộng cách đây hơn thập kỷ.
Theo ông Tuấn, Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á năm năm nay mới vượt được đỉnh trước khủng khoảng 2008. Các nước khác đều đã vượt qua từ 2014-2015.
Cũng theo ông Tuấn, sở dĩ cũng nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng nhanh và là trụ đỡ cho TTCK vượt đỉnh lần này là bởi triển vọng chung từ tình hình kinh tế vĩ mô, ngành ngân hàng là rất tốt. Tăng trưởng GDP quý I/2018 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo, ước đạt 7,41%, cao hơn nhiều so với mức tăng 5,1% quý I/2017.
Ngành ngân hàng được xem là một lĩnh vực rất tiềm năng bởi đã và đang đẩy mạnh tái cơ cấu, thu được nhiều kết quả. Nhu cầu tăng vốn và mở cửa rộng hơn cho khối ngoại cũng như kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc của hầu hết các ngân hàng cũng là cơ sở để cổ phiếu tăng giá.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, sau khi tích cực xử lý nợ xấu, các ngân hàng vào guồng ổn định và tín dụng tăng trưởng một cách chất lượng trở lại. Câu chuyện thay đổi cung cách quản trị và áp lực tăng vốn sẽ đến và đó là lý do vì sao room ngoại sẽ được thí điểm nới ra.
Trên trang cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), nhận định, TTCK có bước phát triển vượt kỳ vọng nhờ chính sách Chính phủ không huy động và phân bổ nguồn lực, để cho các thành phần kinh tế chủ động huy động nguồn lực. Ông Hưng cho rằng, nếu Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách này thì sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của đất nước trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, Chủ tịch SSI cũng khuyến cáo, các doanh nghiệp cần tránh đi vào vết xe đổ của một số doanh nghiệp đình đám một thời, khi huy động vốn dễ dàng trong khi đội ngũ cũng như hệ thống quản lý không đáp ứng được sẽ dẫn tới rủi ro sụp đổ.
Theo M. Hà/Vietnamnet