|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi cùng đại diện các doanh nghiệp FDI - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) vừa diễn ra sáng 19/3 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Tại phiên thảo luận chuyên sâu về trách nhiệm của doanh nghiệp FDI trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra những kiến nghị nhằm tháo gỡ các vướng mắc chính sách hiện nay.
Ông Denzel Eades, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam hoan nghênh cam kết của Việt Nam giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và phát triển bền vững, cũng như những nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện chương trình nghị sự này. Ông Denzel Eades cũng đánh giá cao những nỗ lực và tiến bộ của Việt Nam trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn. Tuy nhiên, việc giải quyết một số thách thức pháp lý đang rất chậm trễ khiến nhiều hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Ông Joseph Uddo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) lại than phiền Dự thảo nghị định quy định về đăng ký chữ ký điện tử chuyên dùng là gánh nặng bất hợp lý đối với doanh nghiệp. Theo đó, toàn bộ hệ thống thiết bị phải được đặt tại Việt Nam và phải có 12 nhân viên phụ trách hệ thống.
|
Đại diện AmCham phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
AmCham cũng khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên có các chính sách nhằm thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến và nới lỏng thủ tục hải quan và thanh toán. Đồng thời, đơn giản hóa các tài liệu mà ngân hàng, thẻ và ví điện tử yêu cầu để xử lý các giao dịch thanh toán thương mại điện tử có giá trị thấp, khối lượng lớn cho các công ty trong và ngoài nước.
AmCham mong muốn hợp tác với Bộ Thông tin Và Truyền thông cùng các cơ quan chức năng khác để phát triển khuôn khổ hiệu quả và sự công nhận pháp lý chính thức về chữ ký điện tử và chữ ký số nhằm giúp khắc phục những trở ngại cho các công ty.
Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) cho biết thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cơ bản của Việt Nam là 20%, tuy nhiên thuế suất có hiệu lực thực tế đối với các tập đoàn lớn có sự chênh lệch trong khoảng 5-10%, do đó nếu doanh nghiệp phải nộp khoản thuế đối với mức chênh lệch này thì hiệu quả miễn giảm thuế hiện tại sẽ bị mất đi.
Bên cạnh đó, nội dung thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư nhằm đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai lấy ý kiến, mức hỗ trợ chưa rõ ràng nên chưa đủ để thu hút sự quan tâm và đồng tình từ các nhà đầu tư.
Theo dự thảo Nghị định, đối tượng hỗ trợ chỉ giới hạn ở quy mô vốn đầu tư từ 500 triệu USD trở lên, gây lo ngại về phần lớn doanh nghiệp nước ngoài không được hưởng ưu đãi. Nếu một nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng hoạt động có thể kéo theo các doanh nghiệp cung ứng khác, gây ra trở ngại cho việc mở rộng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam. Vì vậy, đại diện KoCham đề nghị Chính phủ Việt Nam phân tích kỹ lưỡng để có biện pháp để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà đầu tư nước ngoài.
Kiến nghị tới VBF, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng Australia, New Zealand cũng như các quốc gia thuộc EU là thị trường tiềm năng, có sức chi lớn (100 - 150 USD/ngày), đối với du lịch Việt Nam. Do vậy, EuroCham khuyến nghị chính phủ cấp visa miễn thị thực với thời hạn 14 ngày và có thể tăng lên tối đa 21 ngày, hoặc cấp visa tại sân bay với phí định trước không quá 20 USD/người đối với Australia và New Zealand.
|
Toàn cảnh Hội nghị và Diễn đàn VBF 2024. |
Hiệp hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BritCham) tiếp tục khuyến nghị tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành và ban hành quy trình xin giấy phép rõ ràng, bao gồm khung thời gian thực hiện cụ thể, thông tin về đường dây khiếu nại. BritCham nhận định, hiện nay, thủ tục xin giấy phép thành lập, vận hành các cơ sở giáo dục còn kéo dài, phức tạp. Các đơn vị quản lý chưa hành động phối hợp, ảnh hưởng đến sự phát triển và độ mở của lĩnh vực này với doanh nghiệp quốc tế.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phản ánh từ doanh nghiệp cho thấy sự phiền hà vẫn còn trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, giao thông, PCCC, môi trường, kho bạc và lao động... VCCI kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, tối ưu hóa quy trình thủ tục hành chính liên ngành, hướng tới việc tạo lập và kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước về cơ sở dữ liệu doanh nghiệp; tiếp tục cải cách quy định về điều kiện kinh doanh...
Tuyết Vân