10 năm nay, đều đặn mỗi buổi sáng, ông Huỳnh Văn Tỏ (ngụ phường Lộc Thọ, TP Nha Trang) đi từ đường Nguyễn Thị Minh Khai ra biển để tập thể dục. Ông cho biết rất xót xa khi giữa trung tâm thành phố, gần Quảng trường 2/4 và Trung tâm hội nghị tỉnh lại có một khu đất được quây tôn, bỏ hoang cả chục năm.
“Nha Trang là đô thị phát triển mà ngay nơi sầm uất nhất lại có một khu đất quay tôn cả chục năm không làm gì, ao tù, nước đọng ô nhiễm, cỏ dại mọc um tùm. Rất lãng phí”, ông Tỏ tiếc nuối.
Khu đất ông Tỏ đề cập nằm ở 48-48A, có 2 mặt tiền đường biển Trần Phú và đường Nguyễn Thị Minh Khai, bỏ hoang gần 13 năm nay.
Liên tục trong nhiều kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa, các đại biểu đều chất vấn vì sao “đất vàng” giữa trung tâm thành phố lại bỏ hoang, trong khi quỹ đất Nha Trang lại thiếu, nhất là dành cho cộng đồng.
"Đất vàng" bỏ hoang giữa trung tâm
Tại các kỳ họp này, các đại biểu cũng mong muốn tỉnh sớm tháo gỡ vướng mắc, sử dụng đúng mục đích tránh lãng phí tài nguyên, cũng như tăng vẻ đẹp cho thành phố du lịch.
Theo hồ sơ, khu đất 48-48A rộng hơn 3.642 m2 hiện do Trung tâm quản lý quỹ đất tỉnh Khánh Hòa quản lý.
|
Khu đất 48-48A nằm 2 mặt tiền đường Trần Phú và Nguyễn Thị Minh Khai quây tôn, bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: An Bình. |
Từ năm 2003, UBND tỉnh Khánh Hòa giao khu đất này cho doanh nghiệp làm dự án khách sạn. Sau đó dự án bị thu hồi. Đến năm 2008, Công ty in - thương mại và dịch vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Công ty in) trúng đấu giá với số tiền gần 222 tỷ đồng. Đơn vị này sau đó lập dự án để xây dựng khách sạn 5 sao mang tên Nha Trang Grand Hotel & Residence.
Công ty in đã rầm rộ quảng cáo “siêu dự án” nằm trung tâm thành phố biển Nha Trang. Tuy nhiên, không lâu sau đó, nhà đầu tư này bị Bộ Công an điều tra, kê biên khu đất vì có sai phạm.
Đến tháng 11/2015, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định thu hồi khu đất này để có kế hoạch giao cho nhà đầu tư khác và khu đất bỏ hoang cho tới ngày nay.
Cũng nằm trung tâm TP Nha Trang, khu đất ở 82 đường Trần Phú rộng hơn 3.600 m2 cũng bỏ hoang phế gần 20 năm nay.
Hồ sơ thể hiện khu đất 82 Trần Phú trước đây do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa quản lý. Qua nhiều lần hoán đổi, sang nhượng khu đất thuộc về Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hoàn Cầu (Tập đoàn Hoàn Cầu).
Năm 2010, UBND tỉnh Khánh Hòa thỏa thuận phương án kiến trúc, quy hoạch xây dựng khách sạn quy mô 18 tầng do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Sao Sáng Nha Trang (công ty con của Tập đoàn Hoàn Cầu) làm chủ đầu tư.
Đến năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép điều chỉnh công trình này lên 38 tầng nổi, 3 tầng hầm.
Dự án này sau đó được sang nhượng cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu liên Thái Bình Dương - Nha Trang (IPP Nha Trang) do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch. Và, từ đó đến nay, khu đất rộng hơn 3.600 m2 vẫn là bãi đất trống, cỏ dại mọc um tùm, được quây tôn kín mít.
Cán bộ vướng lao lý vì "đất vàng"
Một trong những khu đất bị bỏ hoang, nhiều tai tiếng ở Nha Trang là dự án Công viên văn hóa, giải trí, thể thao Nha Trang Sao (Nha Trang Sao), ở đường Phạm Văn Đồng, phường Vĩnh Phước.
Khu đất này rộng hơn 10 ha, nằm bên vịnh Nha Trang, gần danh thắng Hòn Đỏ, Hòn Chồng nhưng bỏ hoang gần 4 năm nay. Bỏ hoang quá lâu, nơi này cỏ dại mọc um tùm, ao tù nước đọng ô nhiễm môi trường, nhiều người nghiện lén lút vào đây chích hút ma túy.
Dự án Nha Trang Sao được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 3/2012. Dự án có tổng diện tích hơn 10 ha, trong đó có 4,4 ha mặt đất và 5,9 ha mặt nước. Dự án có vốn đầu tư 33 triệu USD, được khởi công vào năm 2014.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công, chủ đầu tư dự án đã tự ý lấn, lấp trái phép gần 2,3 ha danh thắng vịnh Nha Trang.
Tháng 1/2018, Sở Kế hoạch Đầu tư Khánh Hòa ra quyết định chấm dứt hoạt động của dự án vì nhiều sai phạm. Đầu năm 2019, UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định thu hồi đất do Công ty CP Nha Trang Sao đang sử dụng và giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh quản lý.
|
Dự án Nha Trang Sao nằm bên vịnh Nha Trang cỏ dại mọc um tùm nhiều năm nay. Ảnh: Duy Hiếu. |
Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án không hợp tác, không bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bàn giao đất buộc tỉnh Khánh Hòa phải cưỡng chế.
Khu đất rộng hơn 20.000 m2 ở 28E Trần Phú là dự khu phức hợp Golden Gate, do Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang (Công ty Đỉnh Vàng), xây dựng dở dang bị đình chỉ, hoang phế 7 năm nay sắt thép đã gỉ sét. Khu đất này trước đây do phân xưởng cơ điện do Điện lực Khánh Hòa quản lý.
Tháng 10/2014, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Đỉnh Vàng làm dự án khu phức hợp Golden Gate trên diện tích 14.220 m2.
Đến tháng 2/2016, UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định giao đất, thuê đất cho Công ty Đỉnh Vàng với tổng diện tích dự án lên tới 20.112 m2.
Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa giao dự án trên cho doanh nghiệp không thông qua đấu giá, đấu thầu. Để sở hữu mảnh đất rộng hơn 20.000 m2 nằm mặt tiền đường Trần Phú, Công ty Đỉnh Vàng chỉ phải trả hơn 75 tỷ đồng.
Năm 2014, khi chưa được cấp giấy phép xây dựng nhưng chủ đầu tư đã triển khai dự án nên bị Sở Xây dựng yêu cầu dừng thi công. Tháng 5/2017, Công ty Đỉnh Vàng bị Thanh tra Sở Xây dựng Khánh Hòa ra quyết định xử phạt 35 triệu đồng do vi phạm trật tự xây dựng.
Liên quan các sai phạm tại dự án này, ngày 7/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Chiến Thắng (66 tuổi, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa), Đào Công Thiên (59 tuổi, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) và Võ Tấn Thái (60 tuổi, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa) cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
|
Khu đất 28E Trần Phú. Ảnh: An Bình. |
Hồi tháng 5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí ở dự án trên.
Ngoài các khu đất trên, ở Nha Trang còn nhiều vị trí "đất vàng" bỏ trống rất lãng phí. Đơn cử như khu đất rộng 8.000 m2 là trụ sở Đài phát thanh, truyền hình Khánh Hòa (KTV), khu kho cảng Bình Tân rộng hơn 6,1 ha hay như trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cũ rộng gần 5.000 m2 cũng hoang phế nhiều năm nay.
Trao đổi với Zing, một lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết tỉnh và sở ngành đang tìm cách tháo gỡ dần các khó khăn.
Tuy nhiên, hiện mỗi khu đất có lịch sử hình thành và mục đích khác nhau nên việc tìm giải pháp không dễ. Một số khu đất vướng pháp lý, số khác phải xin ý kiến của Thủ tướng cho cơ chế đặc thù, vì không thể giải quyết theo luật hiện hành để hài hòa các bên.
Theo Xuân Hoát/Zing.vn