Những khoản đầu tư lớn gần đây đến từ phía các nhà cung cấp của Apple, Samsung, Lotte hay cả nhà sản xuất đồ chơi Lego của Đan Mạch là những tín hiệu đáng khích lệ cho tương lai của Việt Nam.
FDI 2023 sẽ khả quan
“Không chỉ thu hút đầu tư vào những ngành sản xuất thâm dụng lao động và đơn giản, năm 2022 Việt Nam đã đón nhận những cam kết mạnh mẽ từ các nhà cung cấp của Samsung và Apple. Điều này thể hiện niềm tin ngày càng lớn vào khả năng nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động, tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất toàn cầu và thực hiện quản trị tốt xuyên suốt chuỗi cung ứng của các đối tác Việt Nam” - TS Burkhard Schrage Đại học RMIT Việt Nam bày tỏ quan điểm.
Những khoản đầu tư lớn gần đây đến từ phía các nhà cung cấp của Apple, Lotte, Foxconn hay cả nhà sản xuất đồ chơi Lego của Đan Mạch là những tín hiệu đáng khích lệ cho tương lai của Việt Nam. Chắc chắn, những nhà đầu tư này sẽ mang lại tiền và tạo việc làm cho Việt Nam. Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các hoạt động đầu tư này sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đối với toàn bộ nền kinh tế.
Trong năm 2022, FDI đạt mức kỷ lục 22,4 tỷ USD từ mức 19,7 tỷ USD năm 2021 và cao hơn 13,5% so với kỷ lục trước đó là 20,4 tỷ USD vào năm 2019. Con số vốn FDI thực hiện phản ánh các nhà đầu tư nước ngoài thực tế đang đổ tiền nhiều hơn vào Việt Nam.
|
Sản xuất cánh tà máy bay tại Công ty TNHH MHI Aerospace Việt Nam. Ảnh: Phạm Hùng
|
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) trong cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 12 và dự báo cho năm sau đánh giá, Việt Nam sở hữu những lợi thế vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh như chi phí nhân công rẻ, vị trí địa lý thuận lợi (gần trung tâm sản xuất phía Nam Trung Quốc), ổn định chính trị và nhiều ưu đãi từ các FTA. “Chúng tôi kỳ vọng kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ khả quan dù trong bối cảnh tiêu dùng và xuất khẩu chậm lại, và Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhờ dòng vốn FDI khỏe mạnh khi các công ty tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng..." - báo cáo của ADB nhấn mạnh.
“Đất lành” cho khởi nghiệp và dòng vốn FDI chất lượng cao
Theo Bộ KH&ĐT, năm 2022, xét về số lượng dự án mới, các ngành bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30%, 25,1% và 16,3% tổng số dự án.
Việt Nam là “đất lành” cho dòng vốn FDI chất lượng cao, khi các DN quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hạn chế phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tốc độ phát triển đổi mới sáng tạo của Việt Nam rất nhanh, đặc biệt là thị trường công nghệ của Việt Nam.
Nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu đã tới và thành lập công ty tại Việt Nam. Một số hãng công nghệ lớn trên thế giới cũng sớm có ý định chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang nước ta, như Apple với dây chuyền sản xuất iPhone và iPad, Google với dây chuyền sản xuất Pixel, hay Xiaomi, Oppo với dây chuyền sản xuất thiết bị di động của họ.
"Những tên tuổi như Goole, Intel, Amazone, Samsung... đầu tư mạnh vào Việt Nam tạo nên cơ hội phát triển cho đất nước, cho DN, cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” - ông Vinnie Lauria, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành quỹ đầu tư Golden Gate Ventures khẳng định.
Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) Nguyễn Hải Minh cho biết, thời gian tới, xu hướng đầu tư của các DN châu Âu vào Việt Nam rất đa dạng, tập trung vào sản xuất chế biến, chế tạo. Đây là xu hướng các tập đoàn đang muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng và Việt Nam cũng là điểm đến các tập đoàn đầu tư của châu Âu đang cân nhắc trong khu vực châu Á.
Cũng theo ông Hải, ngân sách của Ủy ban châu Âu dành cho đầu tư công nghệ mới của các DN vừa và nhỏ khá lớn, lên đến vài tỷ euro. Khi các DN châu Âu nhận được ngân sách như vậy và sau khi họ hoàn thành được nghiên cứu và tạo ra công nghệ của mình, chắc chắn họ sẽ có xu hướng áp dụng ở các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.
Chuẩn bị cho đường dài
Làn sóng dịch chuyển FDI toàn cầu đã có những DN FDI công nghệ hàng đầu thế giới tới Việt Nam trong 3 năm qua. Nhưng đây mới là thành công bước đầu trong thu hút FDI công nghệ cao.
Những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong cả ngắn hạn, dài hạn, và đây là nền tảng để Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư.
Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ngoài việc giữ ổn định nền tảng vĩ mô, cần xây dựng chính sách ưu đãi thuế, phí, đất đai phù hợp, đặc biệt là việc nhanh chóng xây dựng chính sách thu thuế tối thiểu toàn cầu, minh bạch môi trường đầu tư kinh doanh.
Đơn cử như chính sách thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến được thực thi trong năm 2023, sẽ tác động lớn đến hoạt động thu hút FDI của Việt Nam. Nhiều quốc gia đã có sự chuẩn bị từ rất sớm trong việc rà soát quy định luật pháp, thậm chí sửa đổi, thực thi các biện pháp thu hút FDI khác thay thế cho các ưu đãi thuế. Với Việt Nam, chính sách chậm thay đổi có thể tác động đến nhiều dự án FDI đang hoạt động ở Việt Nam, ảnh hưởng đến việc mở rộng sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư…
Ngoài ra, “cải thiện thủ tục đầu tư, tạo thuận lợi cho triển khai dự án sau khi cấp phép, giúp nhà đầu tư hoạt động tốt, tăng mở rộng đầu tư hiện hữu, từ đó sẽ lan tỏa thông tin tốt về môi trường đầu tư của Việt Nam tới các nhà đầu tư khác” - ông Hiếu phân tích.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, Việt Nam cần tiếp tục giảm chi phí logistics, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, tạo môi trường sống hấp dẫn, tạo thuận lợi về chỗ ở cho nhà đầu tư.
"Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư FDI có công nghệ tiên tiến, có khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia” - bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, đánh giá những yếu tố tác động đến dòng vốn FDI vào Việt Nam là vấn đề cấp thiết và mong muốn Chính phủ thành lập một tổ công tác đặc biệt thực hiện việc này, nhằm đưa ra giải pháp kịp thời cho việc thu hút FDI thời gian tới.
Theo Thảo Nguyên / Kinh tế & Đô thị