VIS Rating: Lượng trái phiếu rủi ro năm 2024 là 40.000 tỷ đồng

Google News

Phần lớn trái phiếu có rủi ro cao thuộc về các doanh nghiệp liên quan đến khối bất động sản hoặc xây dựng với dòng tiền yếu, tỷ lệ vay nợ cao và nguồn tiền mặt để trả nợ đến hạn rất hạn chế.

CTCP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) kỳ vọng triển vọng tín dụng năm 2024 sẽ cải thiện. Hoạt động kinh tế diễn ra mạnh mẽ hơn và môi trường lãi suất thấp sẽ hỗ trợ khả năng trả nợ và tái huy động vốn của các doanh nghiệp.
Tâm lý thị trường chung cải thiện cùng với việc thực hiện các quy định chặt chẽ hơn đối với các bên tham gia thị trường sẽ hỗ trợ hoạt động phát hành trái phiếu, đẩy mạnh thanh khoản thị trường và phát triển chiều sâu của thị trường trái phiếu nội địa.
Trong năm 2023, tỷ lệ chậm trả gốc/lãi trái phiếu toàn thị trường đạt đỉnh ở mức 15% vào tháng 10 sau đó giảm dần về mức 14,7% vào cuối tháng 12.
Nhiều tổ chức phát hành đã đàm phán được với trái chủ để gia hạn trái phiếu sang năm 2024 hoặc 2025, cùng với phát hành mới bắt đầu hồi phục trở lại trong nửa cuối năm 2023.
VIS Rating: Luong trai phieu rui ro nam 2024 la 40.000 ty dong
 
Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới trong năm 2023 đạt 336.000 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2022. VIS Rating cho rằng thị trường đang ở điểm đảo chiều cho một giai đoạn phát triển mới khi các quy định chặt chẽ hơn về việc phát hành và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu có hiệu lực từ năm 2024.
VIS Rating ước tính lượng trái phiếu có rủi ro cao trong năm 2024 là 40.000 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với 147.000 tỷ đồng trái phiếu chậm trả gốc/lãi phát sinh mới trong năm 2023.
Phần lớn trái phiếu có rủi ro cao thuộc về các doanh nghiệp liên quan đến khối bất động sản hoặc xây dựng với dòng tiền yếu, tỷ lệ vay nợ cao và nguồn tiền mặt để trả nợ đến hạn rất hạn chế.
Ngoài ra, các chuyên gia phân tích cũng nhận thấy có hơn 60% giá trị trái phiếu rủi ro cao trong năm 2024 đến từ các doanh nghiệp được thành lập chỉ để huy động vốn (SPEs), không có hoạt động kinh doanh, khả năng trả nợ rất yếu và có liên quan đến các nhóm doanh nghiệp đang gặp khó khăn đã chậm trả gốc/lãi.
Trong năm 2024, VIS Rating kỳ vọng kỷ luật thị trường cải thiện nhờ vào các quy định pháp lý chặt chẽ hơn đối với phát hành mới, giám sát công bố thông tin chi tiết và kịp thời hơn, cùng với sự tham gia nhiều hơn của các nhà đầu tư tổ chức.
Phát hành trái phiếu riêng lẻ phải công bố thông tin đúng thời hạn về mục đích sử dụng vốn, tình hình trả gốc lãi, tình hình tài chính của tổ chức phát hành (TCPH). Trái chủ cũng sẽ có nhiều kênh thông tin hơn để đánh giá rủi ro trái phiếu bao gồm kết quả xếp hạng tín nhiệm của trái phiếu hoặc của TCPH và thông tin giao dịch trên thị trường thứ cấp.
Nhà đầu tư cá nhân sẽ được bảo vệ tốt hơn nhờ các quy định chặt chẽ hơn đối với quy trình phát hành trái phiếu mới, còn nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và tổ chức có thêm nguồn thông tin tin cậy để đánh giá các TCPH, đặc biệt các TCPH chưa niêm yết cổ phiếu trên sàn bị hạn chế về mặt thông tin.
Ngành ngân hàng và bất động sản được dự báo sẽ dẫn dắt sự phục hồi của giá trị phát hành TPDN mới trong năm 2024.
Hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ vận hành từ tháng 7/2023 đang thúc đẩy các giao dịch trên thị trường thứ cấp và tăng cường thanh khoản cho trái phiếu doanh nghiệp. Đây là điểm cốt yếu cho sự tăng trưởng bền vững của thị trường trái phiếu trong giai đoạn tới.
Tính đến cuối tháng 12/2023, có khoảng 40% số trái phiếu đang lưu hành đã được đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ và giá trị giao dịch trong tháng này đạt 98.000 tỷ đồng. Đơn vị phân tích của VIS Rating kỳ vọng các trái phiếu riêng lẻ còn lại sẽ dần được đăng ký giao dịch trong năm 2024 và thanh khoản tăng dần sẽ giúp khôi phục niềm tin nhà đầu tư cũng như nhu cầu đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Anh Nhi